Du học sớm không cần thi tốt nghiệp: Tôi từng suýt giết con

"Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ không quyết định sai lầm khi cho con du học quá sớm. Tôi tưởng đưa con đến nơi là thiên đường, nhưng hóa ra suýt cướp đi sinh mạng con".

"Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ không quyết định sai lầm khi cho con du học quá sớm. Tôi tưởng đưa con đến nơi là thiên đường, nhưng hóa ra suýt cướp đi sinh mạng con".

Đó là lời tâm sự tận gan ruột của một ông bố từng cho con đi học khi mới tốt nghiệp cấp hai. Đến giờ, khi con gái duy nhất quay về Việt Nam, đã phần nào lấy lại thăng bằng khi tìm thấy tình yêu với một thầy thuốc đông y, người cha tên Bình mới bớt thôi day dứt.

Anh kể, khi con gái vừa tốt nghiệp cấp hai, chuẩn bị vào cấp ba (cách đây 5 năm), anh được một tổ chức giáo dục mời chào cho con đi du học Pháp. Điều kiện duy nhất con vượt qua kỳ thi sát hạch tiếng Pháp, tiền học phí 3 năm học phổ thông được nhà trường chi trả. Con được ăn ở tại ký túc xá ở trường, tiền ăn do gia đình tự túc.

Vốn được học tiếng Pháp từ khi vào cấp 2, nên việc vượt qua bài kiểm tra tiếng Pháp không quá khó với con anh Bình. 15 tuổi, một mình con xách va li lên đường sang Pháp. “Ngày đưa con ra sân bay, vợ tôi nhìn con rơm rớm nước mắt. Trước đó, cô ấy mất cả tuần chuẩn bị một va li đồ ăn sẵn cho con. Con bé ở nhà sống nội tâm, ít giao tiếp với bạn bè và chưa phải làm gì nên vợ tôi càng lo. Nhưng tôi thì nghĩ, bản năng sinh tồn rồi con sẽ tự hòa nhập được hết nên dù có đôi chút lo lắng nhưng tôi cũng không ám ảnh nhiều”- anh Bình kể lại. Anh Bình cho biết thêm, những ngày đầu tiên con đặt chân sang xứ người, cháu vẫn thường xuyên gọi điện cho gia đình. Cháu kể được xếp ở cùng phòng với 3 bạn người Nam Phi. Mới đến nhận lớp, làm quen với thầy cô và đồ ăn mang từ Việt Nam sang vẫn còn, cháu không tỏ ra buồn chán.
Du học sớm không cần thi tốt nghiệp: Tôi từng suýt giết con
Du học không phải "thiên đường" cho những cậu ấm, cô chiêu. Ảnh minh họa.

Chỉ một tuần sau, con đã gọi điện về than vãn. Bắt đầu là từ đồ ăn ở ký túc không hợp, đến việc các bạn cùng phòng ở bẩn rồi đến áp lực bài học ở trường quá lớn. “Lần nào gọi về, con cũng khóc. Con bảo sống ở đây buồn quá, cả trường không có bạn người Việt Nam nào, ra đường cũng không nhìn thấy ai người Việt, nhiều lúc nói với các bạn dù bằng tiếng Pháp nhưng cũng không ai hiểu con nói gì. Và rồi nó sụt sịt bảo nhớ nhà, nhớ bố mẹ, không muốn ở đây nữa…”- anh Bình nói.

Suýt mất con

Mỗi lần nghe con nói vậy, anh thường gạt phắt đi và quát “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Anh yêu cầu con phải chấp nhận và thích nghi với mọi hoàn cảnh, tự tìm hướng giải quyết. Bố mẹ đã tốn rất nhiều tiền để cho con đi, nên trách nhiệm của con là phải học cho ấm vào thân…

Có lẽ do bố con không tìm được tiếng nói chung nên lâu dần cháu ít gọi điện về hơn, nếu có cũng chỉ gọi cho mẹ nói dăm câu ba điều rồi thôi. Cứ ngỡ con đã dần thích nghi với cuộc sống mới nên anh Bình mải miết kiếm tiền để gửi cho con hàng tháng.

Năm lớp 10 qua đi trong bình yên, dù kết quả học tập của cháu không hề xuất sắc. Đến giữa năm lớp 11, nhà trường gửi thông báo về Việt Nam cho gia đình với nhận xét: Con có dấu hiệu không tốt về tâm lý, kết quả học tập có chiều hướng đi xuống, khả năng lưu ban rất lớn.

Anh Bình cho biết: "Vợ chồng tôi chết lặng. Cô ấy xin nghỉ làm, đặt vé sang thăm con. Một tháng bên Pháp với con, cô ấy quay trở về tiếp tục công việc với hy vọng cháu đã lấy lại được thăng bằng. Sau lần ấy, cháu có vẻ tiến bộ hơn. Năm học 11 chật vật rồi cũng xong.

Nhưng bi kịch bắt đầu xảy ra vào lớp 12". Hè năm đó, con về nghỉ hè, nhưng theo anh Bình, cháu chỉ thích ở nhà, chơi trong phòng. Thi thoảng bố mẹ rủ cháu ra ngoài, nói mãi, cháu mới đi. Sau đó, cháu quay trở lại Pháp tiếp tục học nốt năm cuối, chuẩn bị vào đại học. “Con quay trở lại chưa được 3 tháng, nhà trường đã báo về cháu bị trầm cảm nặng, từng có ý định tự sát ở trong phòng sau khi thầy trả bài kiểm tra không đạt, yêu cầu viết lại. Nhà trường yêu cầu gia đình sang phối hợp tìm hướng giải quyết. Tôi tức tốc bay sang. Nhìn con xanh lét như tàu lá chuối, đôi mắt thẫn thờ không cảm xúc, nhìn bố như người dưng... Tôi quyết định cho con về, chấm dứt ước mơ thay đổi số phận con” – anh Bình chua chát kể.

Theo lời anh Bình, sau khi trở về Việt Nam, anh phải đưa con đi chữa chứng trầm cảm. "Mất hơn một năm, con có vẻ bình tâm trở lại, tôi có ý định cho con học lại cấp 3 tại trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng mỗi lần nhắc đến việc học là con lại nổi khùng… Đã nhiều ngày tôi chỉ mong con là người bình thường không đòi hỏi giỏi giang mà nhiều lúc thấy thật khó khăn vô chừng. May mà, sau một thời gian cháu tỏ ra thích nghề đông y của bố. Giờ, cháu cũng bắt đầu tập làm quen với các vị thuốc. Cũng tại phòng khám, cháu đã biết yêu một cậu vốn là học trò của tôi. Hy vọng, tình yêu sẽ giúp con hồi sinh”- anh Bình nói.

Từ trường hợp con mình, anh Bình cho rằng, du học không phải là thiên đường cho những cậu ấm, cô chiêu quen sống trong nhung lụa; càng không dành cho những trẻ thiếu nghị lực, thiếu ý chí và kỹ năng sống tự lập, cho dù chúng không phải lo đi làm thêm, kiếm tiền trang trải cho việc ăn học nơi xứ người. Với những trẻ như thế, việc bố mẹ cho con đi du học sớm chẳng khác nào đẩy con vào… đường chết.


Theo Zing







Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.