Du học từ con số 0, tôi đã có những bài học quý giá!

Hơn 10 năm trước, tôi vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu, mình sẽ học gì, sẽ làm nghề gì...

Có lúc nào bạn thức dậy vào một buổi sáng rồi nhận ra rằng “Ồ đã 10 năm trôi qua rồi đấy !”. Có một buổi sáng tôi đã thức dậy như vậy và tự hỏi mình, mình đã làm gì, đã ở đâu, trong 10 năm qua đã thực hiện được mấy ước mơ rồi?

Hơn 10 năm trước, tôi vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu, mình sẽ học gì, sẽ làm nghề gì. Thời điểm đó Internet chưa phủ rộng như hiện tại, các chương trình học bổng cũng chưa được biết đến nhiều, cá nhân tôi may mắn được gia đình tạo điều kiện du học tự túc và tôi đã chọn Pháp.

Bạn Tạ Ngọc Ngân - Du học sinh ở Pháp

Đây là một lựa chọn khó vì tôi chưa từng học tiếng Pháp. Vì vậy việc du học của tôi gần như phải bắt đầu từ số 0 tròn trĩnh. Nhưng cũng chính vì vậy tôi đã rút ra được những bài học quý giá: 

Lựa chọn điểm đến và ngành học

Bạn nên lựa chọn kỹ càng điểm đến, dựa trên ngành học mình muốn theo đuổi. Mỗi quốc gia đều có một số ngành mũi nhọn đặc thù, ví dụ bạn muốn học về thời trang, điểm đến của bạn nên là Paris, London hoặc New York. Ngôn ngữ của điểm đến cũng rất quan trọng, ví dụ tiếng Anh sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội việc làm ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới hơn là những ngoại ngữ khác.

Ngoại ngữ vững

Tôi đã từng bật khóc ngon lành sau tiết học Luật đầu tiên, đơn giản vì tôi không hiểu thầy giáo nói gì, mặc dù tôi đạt chuẩn tiếng Pháp tốt khi bước chân vào đại học. Sau đó tôi ngồi lì trong thư viện, đọc đi đọc lại, tra hết từ mới. Kết quả là học kỳ đấy tôi vẫn không đạt điểm trung bình môn Luật. Tôi có nỗi sợ Luật từ đó.

Nhưng đến những học kỳ sau tôi bắt đầu tò mò hơn, hay hỏi hơn. Hỏi thầy nhiều quá cũng ngại, tôi quay sang hỏi bạn và kết quả là tôi vượt qua kỳ thi luật dễ dàng hơn rất nhiều. Kinh nghiệm rút ra là bạn phải chuẩn bị hành trang ngoại ngữ thật vững vàng và đặc biệt lưu ý đến vốn từ vựng chuyên ngành.

Chú ý khác biệt văn hoá

Người Việt thường có xu hướng cả nể và khá tế nhị khiến người phương tây khó nắm bắt. Sinh viên việt Nam nói riêng và sinh viên Châu Á nói chung, thầy cô bạn bè nói gì cũng gật dù chưa hiểu gì nhưng cũng không dám hỏi lại.

Tôn trọng tự do ngôn luận, ý kiến trái chiều

Tôi từng rất bức xúc khi biết được là giai đoạn 1954-1975 trong lịch sử Việt Nam được gọi là “Vietnam War” trong tiếng Anh chứ không phải là “Cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Khi đi ra môi trường giáo dục quốc tế, các bạn sẽ thấy một vấn đề được nhìn từ những góc độ rất khác nhau và mọi quan điểm đều phải được lắng nghe. Tất nhiên, bạn nên bảo vệ ý kiến cá nhân nhưng trước hết hãy tỏ thái độ tôn trọng.

Bạn bè là gia đình

Đi du học chắc nhớ nhà là khổ nhất. Khi xa nhà lâu như thế, bạn bè chính là gia đình mới của bạn. Kết bạn với những người bạn Việt Nam có chung một văn hoá khiến bạn chia sẻ được nhiều hơn. Nhưng cũng đừng quên hoà nhập cùng những nhóm bạn quốc tế, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều.

Chăm chỉ tập luyện thể thao giữ gìn sức khoẻ

Đến một môi trường mới, khí hậu thay đổi, cơ thể bạn cần được luyện tập để thích nghi và tăng sức đề kháng. Thể thao cũng giúp bạn hoà đồng nhanh và kết bạn dễ dàng hơn.

Công việc làm thêm

Bắt đầu từ năm thứ hai ở Pháp, tôi dần dần tự lập tài chính hẳn. Tôi làm qua rất nhiều công việc như nhân viên siêu thị, bồi bàn, nhân viên rạp chiếu phim... Thường các công việc đều bắt đầu lúc chiều tối cho đến tối muộn, có khi đến 1-2 h đêm mới xong. Vừa đi học vừa đi làm rất vất vả nhưng đi làm thêm là một môi trường tuyệt vời để rèn luyện bản thân và làm quen dần với cách làm việc của người châu âu. 

Nhớ nghỉ xả hơi

Thời gian đầu khi đến Pháp tôi chỉ nghĩ đến đi làm, đi học và tiết kiệm tiền về nghỉ hè với gia đình ở Việt Nam. Sự thật là 3 năm đầu tôi chẳng đi đâu cả. Tôi nghĩ một phần là do mình không biết sắp xếp lịch học và làm việc. Sau này tôi cố gắng sắp xếp những buổi gặp bạn bè và những chuyến đi ngắn dù chỉ 1-2 ngày để làm mới bản thân mình.

Thực tập là chìa khoá vàng

Thực tập thường được trả lương rất thấp (khoảng 500 euros) và thời gian dài (khoảng 6 tháng). Nên không ít sinh viên chọn lựa qua loa, làm cho có. Nhưng thực tế khi đi xin việc, ngoài yếu tố chất lượng trường học và chương trình học thì các nhà tuyển dụng cũng rất chú ý đến các kỳ thực tập mà bạn đã hoàn thành. Nên ngay từ đầu năm học bạn nên bắt đầu tìm hiểu ngay về các công ty và chuẩn bị cả về chi phí sinh hoạt cho quá trình thực tập cuối năm.

Hy vọng là những lời khuyên của tôi sẽ có ích cho những bạn sinh viên sẽ và đang học tập và làm việc tại nước ngoài.

 Tạ Ngọc Ngân/VietNamNet

Bài viết là chia sẻ của bạn Tạ Ngọc Ngân - Cử nhân chuyên ngành Ngoại thương – Université de la Sorbonne Nouvelle, Thạc sĩ  chuyên ngành Quản lý quốc tế nghệ thuật & văn hoá Pháp - ITBS Angers.

Hiện nay, không ít bạn trẻ mong muốn đi du học để được trải nghiệm môi trường học tập hiện đại, môi trường sống văn minh ở các nước phát triển. Tintuconline rất mong nhận được bài viết chia sẻ của các bạn đã và đang du học để truyền cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ thực hiện ước mơ du học.

Bài viết xin gửi về email: tintuconline@vietnamnet.vn.

Chúng tôi chân thành cảm ơn!



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.