'Đừng ngụy biện khi du học sinh không trở về'

Theo PGS Văn Như Cương, một số bạn du học tự túc lấy lý do môi trường làm việc, đãi ngộ để không trở về là chưa chính đáng. Nếu giỏi, du học sinh hãy về để thay đổi bất cập.

Theo PGS Văn Như Cương, một số bạn du học tự túc lấy lý do môi trường làm việc, đãi ngộ để không trở về là chưa chính đáng. Nếu giỏi, du học sinh hãy về để thay đổi bất cập.

Câu chuyện du học sinh về hay ở một lần nữa lại "nóng" cộng đồng mạng tuần qua với những tranh luận nhiều chiều.

Không ít ý kiến cho rằng, việc các quán quân Olympia nói riêng và du học sinh nói chung, không về nước làm việc liên quan chế độ đãi ngộ nhân tài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện quan điểm "đi đi, đừng về".

'Đừng ngụy biện khi du học sinh không trở về'
Du học sinh Việt Nam ở Mỹ. Ảnh: Thanh Vũ.

Hãy về để thay đổi, đừng đứng ngoài so sánh

Trao đổi với Zing.vn, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, với những người du học theo diện Nhà nước cấp kinh phí, nhiệm vụ của họ phải trở về. Còn du học sinh tự túc, về hay ở là quyền của cá nhân.

“Một số bạn bảo về nước không phát huy được khả năng, điều kiện học tập, làm việc khó khăn, cơ chế cứng nhắc, lương bổng ít… cũng có phần đúng. Nhưng các bạn cũng nói, nếu ở nước nhà điều kiện tốt hơn thì sẽ về. Vậy, không ai về thì làm sao đất nước tốt hơn? Khó khăn và bất cập trong cơ chế, tại sao các bạn không về để đấu tranh, thay đổi?”, PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi.

Cũng theo vị PGS này, những lý do mà một số du học sinh nêu để từ chối trở về chỉ là ngụy biện, che đậy cho lợi ích cá nhân. Đó là chưa kể, không phải bạn trẻ nào "Tây học" cũng đều giỏi và có thể cống hiến thực sự cho đất nước.

Chia sẻ quan điểm này, tài khoản Facebook Namster Do - người nhận học bổng du học Australia từ năm 18 tuổi - cho rằng, "các bạn hay nghĩ ở Việt Nam không trọng dụng được mình, trở về không được thể hiện kiến thức, không được là chính mình...

Từng làm việc ở Việt Nam, Australia, châu Âu và Mỹ, tôi thấy nếu các bạn có thực tài, ở Việt Nam có đủ projects (dự án) cho các bạn làm hay chả kém ở Tây nhé! Tôi chỉ e các bạn chưa đủ trình để được tuyển thôi".

Thừa nhận làm việc trong nước còn những bất cập, nhưng TS Toán học Lê Bá Khánh Trình trả lời báo điện tử Trí Thức Trẻ rằng, du học sinh hãy về sống, hiểu đất nước để biết mình phải làm gì, đừng đứng ngoài cuộc để so sánh. Và nếu muốn cơ chế thay đổi thì chính các em hãy về thay đổi.

Là huyền thoại thi Toán của Việt Nam khi giành giải nhất với số điểm 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này, ông Lê Bá Khánh Trình nói, mình đã lựa chọn đúng khi về nước làm việc, sau khi học tập tại Nga.

Vì thế, "tôi vẫn mong các em về. Ít ra về góc độ con người, các em là những hạt giống, dù được Nhà nước cử đi hay tự tìm học bổng. Nếu thực sự tài thì về mà thay đổi. Một người về, hai người về, góp tài năng công sức để thay đổi từ từ. Chứ cứ chờ thay đổi để về thì chắc chắn không ai về đâu", TS đang giảng dạy tại khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM, nói.

"Chúng tôi chọn trở về"

Không phải đến bây giờ chuyện du học sinh về hay ở mới thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tuy nhiên, vấn đề được hâm nóng với tranh luận trái chiều khi Á quân Đường lên đỉnh Olympia Nguyễn Thành Vinh cho rằng, về nước là sự lãng phí khi môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp cho người tài phát triển.

"Nếu tôi ở lại Mỹ, tương lai trước mắt là công việc ổn định, thu nhập cao (lương khởi điểm trung bình cho người tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế của Harvard là 170.000 - 200.000 USD/năm), môi trường nghiên cứu tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ chọn con đường trở về, dù biết còn nhiều khác biệt trong cách làm việc của Việt Nam và nước ngoài", Châu Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kinh tế, Đại học Harvard, Mỹ chia sẻ với Zing.vn.

Theo chàng trai quê Ninh Thuận, trở về đơn giản là được làm việc cho quê hương. Một người có năng lực, nếu đã quyết tâm trở về vì mục tiêu nào đó, sẽ có nhiều con đường thực hiện".

"Tôi tin chỉ cần biết cẩn trọng, giữ quan hệ, khéo léo, biết cách cải thiện môi trường làm việc của mình, mọi chuyện sẽ ổn", Thanh Vũ nêu quan điểm.

Đồng tình với suy nghĩ này, Nguyễn Minh Ngọc, cựu sinh viên ngành Nha khoa, Đại học tổng hợp Hamburg, Đức, cho biết, sẽ về Việt Nam làm việc, sau khi học xong và ở Đức một thời gian lấy kinh nghiệm.

"Mỗi nơi đều có môi trường làm việc khác nhau, văn hoá phương Tây cũng khác, cách giao tiếp với bệnh nhân và đồng nghiệp cũng khác, không thể áp dụng máy móc toàn bộ vào Việt Nam được. Dù có nhiều khác biệt nhưng mục đích cuối cùng vẫn là đem đến cho bệnh nhân kết quả điều trị tốt nhất, đặc biệt đó là đồng bào mình", Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ này, du học sinh xác định về nước, đặt mong muốn làm việc cho ngành mình yêu thích trên mọi thứ, sẽ vượt qua được tất cả những khó khăn khác. Thêm vào đó, ở đâu cũng có người giỏi hơn mình, có việc mình chưa biết, nên phải khiêm tốn, học hỏi, suy nghĩ tích cực.

Còn với Đinh Lương Minh Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Luật, Đại họcPierre Mendes, Pháp, câu chuyện hai lần trở về là quyết định mà cậu cho rằng đúng đắn.

"Tôi từng về nước làm việc sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Pháp, sau đó lại du học lần hai để lấy bằng tiến sĩ ngành luật. Chuyến đi lần thứ hai chỉ vì bản thân chưa hài lòng với những gì mình thu thập được từ chuyên môn đến trải nghiệm. Sau cùng, tôi vẫn quyết định trở về đóng góp cho quê hương, dẫu biết đây là một khái niệm trừu tượng", Minh Anh chia sẻ.

Những ý kiến... chưa về

GS.TS Hồ Nhật Nam, giảng viên ĐH Brown và ĐH Nam California, Mỹ: Tôi cũng muốn trở về đóng góp, dù ở đây được nhiều đãi ngộ, nhưng về lại gặp nhiều trở ngại.

Chuyện về nước giúp quê hương là xuất phát từ tâm. Nhưng phát triển theo hướng đó đều phải tự tìm mối quan hệ để thực hiện vì liên lạc với người có thẩm quyền rất khó khăn.

Mọi liên lạc thường kéo dài vì họ hoạt động theo tính chất nội bộ nhiều. Nếu anh không quen biết, không được giới thiệu thì khó có cơ hội nói chuyện chứ chưa nói đến mời.

Facebook Nguyễn Bá Ngọc: Ý kiến ngắn gọn của mình về chuyện các bạn du học xong về hay không là tuỳ các bạn đó thôi. Về hay ở đều có cái tốt. Lẽ ra, mình không có ý kiến vào các vấn đề ầm ĩ theo trào lưu, song mình thấy không vui khi có một số bạn lớn tiếng miệt thị các bạn du học sinh, như thế là không hay và không nên.

Nguyễn Đỗ Hà Giang:Tôi đã có thời gian làm việc ở Việt Nam trước khi quyết định khởi nghiệp tại Mỹ. Điều tôi không hài lòng nhất là cách làm việc chậm chạp và không thưởng cho những ai nhiều sáng kiến. Dường như, họ không thích bứt phá và thích nhịp độ đều đều hơn. Cuối cùng tôi đã chọn nước Mỹ - nơi có nhiều cơ hội hơn để khởi nghiệp.

Phan Đức Huy: Tôi sẽ ở nước ngoài gây dựng sự nghiệp rồi từ đó tạo sự thay đổi tích cực cho đất nước. Còn hơn về nước nhưng làm việc thiếu hiệu quả, rồi bị nó cuốn đi. Hơn nữa, theo ý của tôi, làm khoa học là cống hiến cho nhân loại nên về hay ở không quan trọng.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.