Gặp lại nữ sinh xinh đẹp gây bão “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2016

Mai Thị Minh Huyền - nữ sinh từng gây bão khi trả lời đúng 11/11 câu hỏi phần Khởi động chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” hiện là sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP HCM.

Mai Thị Minh Huyền - nữ sinh từng gây bão khi trả lời đúng 11/11 câu hỏi phần Khởi động chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” hiện là sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP HCM.


Gặp lại nữ sinh xinh đẹp gây bão “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2016

Mai Thị Minh Huyền hiện là sinh viên năm nhất của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II TP HCM.

Cô nữ sinh đến từ Thanh Hóa này được nhiều người biết đến sau khi trả lời đúng cả 11 câu hỏi của phần thi Khởi động trong cuộc thi tuần 3, tháng 2, quý 4 năm 2016 của Đường lên đỉnh Olympia. Đây là thành tích mà ít thí sinh có thể làm được ở sân chơi trí tuệ này. Bởi phần thi này yêu cầu thí sinh không chỉ có kiến thức rộng mà còn phải có tư duy cực kỳ nhanh nhạy để trả lời các câu hỏi trong thời gian ngắn.

Cô nữ sinh này còn gây ấn tượng mạnh với khán giả khi sở hữu  vẻ ngoài xinh xắn. Màn thi đấu của Minh Huyền sau đó ngay lập tức được chia sẻ và thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng với những lời khen như: “vừa giỏi vừa xinh”, “con gái học chuyên Toán là biết giỏi cỡ nào rồi”,...

Minh Huyền cũng là thí sinh lọt vào cuộc thi quý của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16 song lỡ hẹn với trận chung kết năm khi chỉ cán đích ở vị trí thứ hai.

Cùng VietNamNet gặp lại cô bạn này sau một học kỳ là sinh viên Trường ĐH Ngoại thương:

Xin chào Minh Huyền! Sau thời gian khiến dân mạng phát sốt ở hành trình Olympia, cuộc sống giờ đây của bạn như thế nào?

Hành trình ở Đường lên đỉnh Olympia là kỷ niệm đẹp và khó quên với bản thân em, là dấu mốc đáng nhớ giữa bước chuyển tiếp từ cấp 3 lên môi trường đại học. Em luôn nhìn lại những gì mình đã làm được để tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong tương lai. Hiện em là sinh viên năm nhất ngành Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II TP HCM. Em cũng may mắn khi thuê được nhà trọ gần trường nên việc đi học cũng khá thuận tiện. Môi trường mới cho em rất nhiều cơ hội để trải nghiệm, giao lưu kết bạn, khám phá bản thân và biết thêm nhiều điều mới lạ. Đôi lúc em thấy có chút ngợp, nhưng em biết mình đang trưởng thành hơn từng ngày.

Vào Trường ĐH Ngoại thương có thể nói là dễ hiểu nhưng nhiều người rất bất ngờ trước quyết định Nam tiến của bạn. Vì sao bạn đi đến quyết định này?

Em đi đến quyết định này bởi muốn trải nghiệm một môi trường mới. Với em, TP HCM vốn được biết đến là một môi trường năng động và là một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Ở tuổi 18, một chút tò mò, một chút liều lĩnh, muốn thử khả năng thích ứng của mình, em đã chọn nơi này là điểm đến trong giai đoạn sinh viên.

Quyết định này của em quá nhanh khiến nhiều người thân và bạn bè cũng bị sốc. Bản thân em cũng bất ngờ trước quyết định của chính mình nhưng em nghĩ đó sẽ là một trải nghiệm môi trường mới. Bố mẹ ban đầu cũng ủng hộ, nhưng rồi nghĩ lại khuyên em thôi. Biết trước vào Nam sẽ phải tập làm quen với việc xa nhà nhưng em quyết tâm trải nghiệm một môi trường năng động và nuôi ước mơ lập nghiệp ở TP HCM.

Gặp lại nữ sinh xinh đẹp gây bão “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2016

Làm quen một môi trường mới có khiến Huyền bị ngợp và điều bạn thấy khó khăn nhất là gì?

Dù đã quen với cuộc sống và văn hóa miền Bắc nhưng thực tế là khi vào Nam, em cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Mấy ngày đầu mới vào, vì chưa quen nhiều bạn bè, lại hơi rụt rè nên đôi khi em cảm thấy rất cô đơn. Nhưng có lẽ sự thân thiện, hòa đồng, rất dễ mến và tốt bụng của con người nơi đây giúp em có thể nhanh chóng kết thân với nhiều người bạn mới. Đến hiện tại mọi thứ với em đã tương đối ổn định.

Huyền đã học cách nói và nói được giọng miền Nam chưa?

Việc nói giọng Bắc không gây khó khăn trong giao tiếp nên em vẫn giữ nguyên chất giọng của mình. Tuy nhiên ở trong này có những từ ngữ thân thương như “nè”, “ha”,… chắc do nghe nhiều và cũng thấy thích nên em học theo và sử dụng luôn (cười). Thực tế cũng nhiều người miền Bắc vào miền Nam học tập, làm việc và sinh sống, mỗi lần nghe thấy giọng Bắc lại thấy ấm lòng, nhưng cũng nhớ nhà nhiều hơn.

Gặp lại nữ sinh xinh đẹp gây bão “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2016

Ở trường đại học, có nhiều người nhận ra bạn là cô nữ sinh từng gây bão mạng với vẻ ngoài xinh xắn với màn khởi động Đường lên đỉnh Olympia ấn tượng khi đúng 11/11 câu không?

Sau khi em vào trường, một số bạn đã nhận ra em, điều này khiến em hơi ngượng nhưng cũng thấy vui vui. Mọi người nhận xét rằng em nhìn khác trên tivi quá, chắc là tại em mập ra (cười).

Em cảm thấy khá thú vị vì đây cũng là lợi thế giúp em dễ dàng hơn trong việc làm quen, giao lưu với mọi người. Điều đó cũng nhắc em phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện mình. Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc chơi, em đã may mắn và chơi khá tốt, nhưng đó là những điều đã qua. Em nghĩ điều quan trọng là mình phấn đấu như thế nào trong hiện tại và tương lai để làm nên những giá trị ý nghĩa, đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.

Gặp lại nữ sinh xinh đẹp gây bão “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2016

Hình ảnh Minh Huyền xinh đẹp, học giỏi gây ấn tượng mạnh với khán giả Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16.

Việc học hàng ngày của bạn hiện nay như thế nào?

Lịch học trên trường của em tương đối nhẹ nhàng, tuy nhiên “đại học là tự học”. Để việc học thật sự hiệu quả thì ngoài thời gian trên lớp, sinh viên chúng em còn phải nỗ lực tự học, tìm kiếm thêm thông tin để hỗ trợ tốt nhất cho việc tiếp thu bài giảng trên lớp. Liên tiếp là những bài kiểm tra giữa kì, cuối kì, nhưng hình thức không đơn thuần là thi trên giấy mà xen vào đó là những bài thuyết trình, làm đề cương, làm clip, diễn kịch, tranh luận,… Nhiều lúc em cũng “chới với” với deadline, nhưng những hoạt động như vậy chúng em được làm việc nhóm cùng nhau nên cũng đỡ áp lực và vui, gắn kết và hiệu quả cũng cao hơn.

Gặp lại nữ sinh xinh đẹp gây bão “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2016

Sau một học kỳ ở cấp đại học, bạn nhận thấy điều gì khác biệt so với học phổ thông?

Cuộc sống đại học khác rất nhiều so với phổ thông. Nếu như thời cấp 3, em sống trong một môi trường an toàn, tương đối khép kín với những mối quan hệ thân thuộc, chưa phải lo toan nhiều, chỉ tập trung học cũng chưa phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Giờ đây, em phải tự lập, tự chủ gần như hoàn toàn trong cuộc sống của mình, trong một môi trường năng động với rất nhiều mối quan hệ.

Học đại học yêu cầu cao về cả kiến thức lẫn kĩ năng, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng, nếu không tích cực rèn luyện sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sau này. Em đang nỗ lực thay đổi phương pháp và sắp xếp lịch trình để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. Để thích ứng với môi trường mới, em lên lịch trình cho từng ngày làm việc vào tối ngày hôm trước và danh sách công việc chính trong tuần vào đầu tuần. Nếu có việc đột xuất, em cố gắng suy nghĩ, tìm ra cách giải quyết nhanh để tạo thành phản xạ cho mình. Trong một ngày, em luôn dành ra thời gian để đánh giá hiệu quả công việc, tổng kết những gì được và chưa được. Đồng thời “ưu ái” giành cho mình khoảng thời gian để làm điều mình thích là đọc sách, đó không chỉ là thói quen giúp em hiểu biết hơn mà còn giúp em thư giãn sau một ngày làm việc.

Nhiều người vẫn còn nhớ khoảnh khắc Huyền khóc “ngon lành” ngay tại trường quay khi mất cơ hội vào chung kết năm Olympia. Là một cô gái rất dịu dàng, có chút “mít ướt”, bạn có gặp khó khăn trong môi trường năng động như ĐH Ngoại thương?

Em cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi còn khá nhút nhát, nhưng em nghĩ mình có thể học cách hòa nhập với môi trường đó. Bởi khi chọn Ngoại thương, chọn TP HCM là em đã cân nhắc đến một môi trường tốt nhất, tạo điều kiện phát triển những gì mình còn yếu. Những gì bẩm sinh mình không có hay yếu kém thì càng cần nỗ lực rèn luyện. Người ta giỏi 10, nỗ lực 1. Mình giỏi 1, vậy cần nỗ lực 10 là sẽ “cân bằng tỉ số”. Quan trọng là phải có mục tiêu và quyết tâm thực hiện. Em tin rằng nếu nỗ lực, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Gặp lại nữ sinh xinh đẹp gây bão “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2016
Minh Huyền cùng các bạn ở Trường ĐH Ngoại thương.

Ngoài việc học trên lớp, Huyền có tham gia các hoạt động, câu lạc bộ gì không?

Ngoài việc học trên lớp, em còn tham gia Đội công tác xã hội của trường. Mới vào nhưng em đã cảm thấy đây đúng là nơi em muốn hòa mình. Mọi người đang cùng chung tay làm những điều nhỏ nhoi để tô điểm thêm cuộc sống, giúp đỡ cộng đồng, đem yêu thương đến khắp muôn phương. Tham gia hoạt động xã hội không chỉ giúp em có thêm những trải nghiệm đáng quý mà còn giúp em ý thức hơn về trách nhiệm của mình, đồng thời qua đó cũng học hỏi được những kĩ năng mềm nhất định.

Huyền đặt mục tiêu cho mình như thế nào trong 4 năm học đại học và dự định gần nhất của bạn là gì?

Sinh viên nắm trong tay thứ vô cùng quý báu là tuổi trẻ. Em sẽ đầu tư điều đó để trải nghiệm và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống. Không chỉ đơn thuần là những kiến thức trên sách vở mà sẽ nỗ lực tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xã hội. Đi nhiều nơi, gặp nhiều người, đọc nhiều, suy ngẫm và chiêm nghiệm nhiều, hi vọng em sẽ trưởng thành hơn nữa để thực hiện được ước mơ của mình. Em sẽ dành 4 năm đại học để chuẩn bị hành trang du học thạc sĩ vì muốn đi xa hơn nữa, vẫn là để trải nghiệm, để mở mang tầm mắt, học nhiều điều hay làm giàu vốn sống và phục vụ quê hương mình. Sắp tới em và một nhóm bạn đang dự định lập một website hướng về đối tượng là sinh viên với mục đích giúp đỡ nhau cùng phát triển và hi vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Cảm ơn và chúc bạn thành công!

Theo VietNamNet


nữ sinh

Đường lên đỉnh Olympia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.