Góc khuất nghiệt ngã của nhiều du học sinh Việt

Là nhà quản lý, nhiều năm công tác tại nước ngoài – chị Bích Hà chia sẻ trải nghiệm cá nhân dựa trên kinh nghiệm từng tư vấn du học, tìm việc.

Là nhà quản lý, nhiều năm công tác tại nước ngoài – chị Bích Hà chia sẻ trải nghiệm cá nhân dựa trên kinh nghiệm từng tư vấn du học, tìm việc.

Bài viết dưới đây cũng định hình từ tư cách của một người làm kinh doanh, từng tuyển, đào tạo và sử dụng hơn 10 sinh viên du học về nước trong những năm 2012-2014.

Tôi xin nói về hai khía cạnh: cung và cầu - nguồn cung sinh viên Việt Nam ở nước ngoài và nhu cầu thị trường lao động ở các nước.

Góc khuất nghiệt ngã của nhiều du học sinh Việt
Ảnh minh họa.

Trước tiên, về nguồn cung thì du học sinh cũng có rất nhiều đối tượng.

Đối tượng được học bổng “chính hiệu”: Nghĩa là học bổng hoặc trợ giúp tài chính thực sự do học xuất sắc, chứ không phải là các “chiêu bài” marketing của các trường từ Anh, Úc hoặc Singapore sang “vơ” sinh viên Việt Nam bằng cách “dụ” cho học bổng vài chục phần trăm chỉ có giá trị 1 năm, rồi năm sau thu đủ.

Với các sinh viên thực sự có tài, cho đến trước khủng hoảng tài chính giai đoạn 2009, tìm việc tử tế ở nước ngoài không khó. Nói việc tử tế, nghĩa là tôi loại các công việc làm theo kiểu chui lủi, không giấy phép lao động như: phục vụ bàn, làm móng...

Đối tượng du học tự túc: Đối tượng này ngày càng nhiều, đủ các mức trình độ, và khá phức tạp.

Đối với các em gia đình thực sự hiểu biết, bố mẹ và con cái cùng chuẩn bị chu đáo cho việc du học nên dù có thể học không thật xuất sắc như các sinh viên trên, nếu cần cù chịu khó để đảm bảo việc học hành thì cơ hội xin việc ở nước ngoài trước những năm 2009 là nhiều. Và vì vậy, nếu ai cảm quan sẽ nhận thấy, trước 2007 – 2008 sinh viên Việt Nam ở lại nước ngoài làm việc khá nhiều.

Đối với các em được chiều chuộng (gia đình thường khá giả), ở trong nước thì “vừa học vừa chơi” - học ở mức trung bình. Ra nước ngoài, các em này “chơi nhiều hơn học”: chơi game, đánh bài, ngủ (thường là “thức khuya ngủ trễ”).

Với các em này, được tấm bằng “thật” để về nước là may lắm rồi, chứ tôi biết nhiều em còn in thuê in bằng giả để về lừa bố mẹ. Của đáng tội, các ông bố bà mẹ lứa tuổi tôi, ai mà không biết ngoại ngữ, dễ bị các “du học sinh” này "làm xiếc” lắm.

Tại sao chúng ta lầm tưởng “nhân tài”?

Tôi từng phỏng vấn một du học sinh, bố mẹ rất giàu, sang học ở nước ngoài và về sau 4 năm.

Khi phỏng vấn, tôi hơi nghi ngờ cậu này chưa thể tốt nghiệp, nên truy tới số. Sau cùng, cậu bé chân thành tâm sự: “Trường cháu toàn sinh viên Việt Nam học dốt lắm cô ạ. Chúng cháu chơi bài thâu đêm, rồi ngủ đến chiều, chẳng đi học. Trường họ kệ, miễn là bố mẹ trả đủ tiền”.

Khi được hỏi: “Vậy làm sao các cháu tốt nghiệp?”, cậu bé cười ngượng ngập: “Chúng cháu đâu có tốt nghiệp”.

Tôi hỏi: “Thế bố mẹ không mắng à?”. “Nói thật với cô, bọn cháu tìm được 1 chỗ in bằng giả bên đó, họ in y như bằng thật, đem về cho bố mẹ xem, thế là xong”.

Cậu bé gật đầu ngượng ngập, rồi năn nỉ: “Cô đừng mách bố mẹ cháu. Cô nhận thì cháu làm gì cũng được. Bố mẹ cháu bảo phải đi làm ở đâu đó đi để đỡ lang bang, cháu không cần lương cao đâu”.

Thế là tôi nhận cậu về làm công việc giao nhận hàng. Cậu làm tốt, vui tính và thật thà (chỉ không thật thà với bố mẹ).

Cậu bé khai chỉ riêng ở trường đó, quãng vài chục sinh viên Việt Nam tốt nghiệp với “tấm bằng” tự thuê in này, mà chắc ít bố mẹ biết. Đối tượng du học sinh này thì làm sao mà tìm được việc làm ở nước ngoài đây?

Họ cũng chẳng phải là “nhân tài” hay là cái gì tương tự - đơn giản là bố mẹ “bắt” đi du học để tạm trốn những cái xô bồ của xã hội, sợ bị bạn bè rủ rê rồi hư hỏng.

Với các em gia đình không thật khá giả, học xong, tốt nghiệp, có tìm được những việc cũng quẩn quanh đủ sống, nhưng phải sống chui lủi, không có giấy phép lao động. Muốn ở lại thì các em gái chỉ có cách lấy chồng bản địa, các em trai thì khó lấy gái bản địa, nhưng có thể làm “hôn nhân giả” để ở lại…

Nếu các bạn hỏi tôi rằng, vậy tỷ lệ thế nào giữa 3 đối tượng trên, tôi cho rằng đối tượng học hành chỉ chiếm khoảng 20 – 30%. Còn lại nhưng đối tượng kia lớn hơn rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta cứ lầm tưởng tất cả là “nhân tài”.

Phải chăng vì thường xuyên, báo chí “giật tít” về những trường hợp sinh viên xuất sắc được học bổng, mà chẳng ai đi sâu được vào mọi ngõ ngách của cuộc sống và học hành của số đông du học sinh.

Mới đây, tôi thấy một cô gái tự quảng bá mình từng là sinh viên được học bổng Asian ở Singapore, rồi học bổng đại học và thạc sĩ trường top ở Mỹ, hiện là giáo viên dạy “Văn học Anh” tại trường tiếng Anh nâng cao.

Tôi khá tò mò vì cô bé mới 26 tuổi mà bảng thành tích khá tốt. Tôi hỏi cô học những trường nào. Theo lý lịch tự khai, cô bé học trường Junior College xếp hạng 19/19 ở Singapore, sau đó là học một trường đại học xếp hạng 78/81 của vùng West (bảng xếp hạng vùng). Tôi cười nghiêng ngả về khả năng tự quảng bá thương hiệu của lớp trẻ bây giờ.

Lại còn có anh chàng khoe học thạc sĩ ở một trường thuộc top đầu ở Mỹ. Khi bị truy hỏi kỹ hơn, chàng ấp úng nói là học ở một trường nằm trong thành phố có cùng tên với cái trường nổi tiếng kia. Vậy nhưng trên mạng cá nhân và khi đăng bài, cái "mark" thạc sĩ trường top (có tên hẳn hoi), vẫn chưa được ghi rõ.

Tôi chắc chắn rằng rất nhiều phụ huynh đang lầm tưởng cô ấy, anh ấy là “nhân tài” để về phục vụ đất nước, và sẵn sàng năn nỉ “thuê” họ tư vấn cho con tìm trường để đi du học.

Nếu lỡ thuê, chắc chắn con sẽ vào được các trường "top lộn ngược”. Tôi khuyên các bậc phụ huynh, trước khi giao sự nghiệp học hành của con cho ai, hãy yêu cầu họ cung cấp đủ bằng cấp, giấy tờ chứng minh những gì họ quảng cáo nhé.

Theo Bích Hà/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.