Huyền Chip chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng du học cho những "đứa con nhà nông" với ngân sách 0 đồng

Từng suy nghĩ du học với một đứa con nhà nông như mình thật viển vông, Huyền Chip đã mạnh dạn apply học bổng du học và xuất sắc nhận được học bổng của ĐH danh tiếng Stanford.

Từng suy nghĩ du học với một đứa con nhà nông như mình thật viển vông, Huyền Chip đã mạnh dạn apply học bổng du học và xuất sắc nhận được học bổng của ĐH danh tiếng Stanford.

Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền (1990), là cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Tháng 9/2014, sau những chuyến du lịch qua hơn 20 quốc gia trên thế giới, Huyền Chip đạt điểm SAT cao ngất ngưởng và nhận được học bổng của trường ĐH Stanford, Mỹ.

Huyền Chip theo học ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học máy tính. Từ tháng 1/2017, Huyền Chip trở thành người dạy chính (chịu trách nhiệm hoàn toàn cho một khoá học, bao gồm cả việc lên giáo án, đứng lớp và chấm bài) của một khóa nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Stanford. Đang học Đại học, Huyền Chip tiếp tục nhận thông báo, cô được ghi danh vào chương trình thạc sĩ của ĐH Stanford.

Huyền Chip chia sẻ: "Mình bắt đầu nhen nhóm ước mơ đi du học từ cuối cấp ba. Lý do chính là hồi đó, những gì mình biết về môi trường đại học ở Việt Nam khiến mình khá thất vọng và không có trường đại học nào cho mình đủ động lực để theo học bốn năm. Mình nói là "ước mơ" vì du học với một đứa con nhà nông như mình thật viển vông. Mình mà nói ra chắc những người trong làng mình sẽ cười đến mức chết sặc mất.

Như những người chẳng biết gì về du học lúc đó, mình bị hấp dẫn bởi mấy trung tâm treo biển quảng cáo học bổng du học Sing, Mỹ, Canada, muốn hỏi thêm thông tin mà không dám. Nhỡ người ta nhìn quần áo, nghe giọng nói nhà quê của mình biết ngay mình nghèo rồi đuổi mình ra có phải là xấu mặt không? Một buổi chiều, sau khi đạp xe mấy vòng quanh phố Bà Triệu, mình đánh liều dựng xe vào một trung tâm treo biển học bổng Singapore 50% hay 80% gì đó. Trước sự ngạc nhiên của mình, chị tư vấn ở đó nhiệt tình giúp đỡ. Một câu hỏi mình muốn biết vô cùng là phải có bao nhiêu tiền mới đi du học được. Mình không nhớ con số chị nói là bao nhiêu, chỉ nhớ là nghe xong mình toát hết mồ hôi. Chị hỏi ngân sách gia đình mình là bao nhiêu, mình sợ nói là 0 đồng sẽ bị chửi nên lắp bắp nói là bố mẹ chưa quyết định. Sau này, bố mình kể là trung tâm đó có gọi về nhà mình định thuyết phục bố mẹ cho mình tham gia chương trình. Nghe họ nói số tiền, bố mình phá lên cười rồi cúp máy."

Huyền Chip chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng du học cho những đứa con nhà nông với ngân sách 0 đồng - Ảnh 1.

Huyền Chip - Cô nàng nhà nông săn học bổng với ngân sách 0 đồng

Dước đây là kinh nghiệm tìm và apply học bổng du học của Huyền Chip:

Bước một: Lên kế hoạch tài chính + tìm học bổng

Qua tìm kiếm trên mạng, mình biết đến diễn đàn của HAO, VietAbroader, CollegeConfidential nơi chia sẻ nhiều thông tin du học. Nằm vùng trên các diễn đàn đó, mình dần dần hiểu hơn về những thứ mình cần để đi du học. Điều đầu tiên mình muốn biết là "tiền đâu". Có ba cách mình thấy khả thi cho bản thân.

1. Học bổng toàn phần

Mình thấy học bổng toàn phần của chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ cho bậc học đại học thì khá hiếm, nếu có thì tỉ lệ cạnh tranh rất khắc nghiệt và đi kèm quy định khá gay gắt về ngành học hay những gì mình có thể làm sau khi tốt nghiệp. Cái mình thấy có hy vọng nhất là need-based financial aid của các trường đại học tư của Mỹ. Nếu mình được nhận, trường tính toán total cost of attendance (tổng chi phí mình cần cho việc học ở trường bao gồm cả học phí, ăn ở, đi lại, bảo hiểm), xem hồ sơ tài chính của mình để biết mình có thể đóng góp được bao nhiêu và cho mình toàn bộ số tiền còn lại. Tuy nhiên, các trường có chính sách này hầu hết toàn là trường top đầu như Harvard, Yale, MIT, Stanford. Nếu quan tâm, bạn có thể google tìm những trường có need-based financial aid.

Trường có need-based financial aid không hẳn là theo need-blind admission. Need-blind admission có nghĩa là trường cân nhắc hồ sơ mà không nhìn đến khả năng tài chính của mình. Có một số trường như Stanford need-blind cho sinh viên Mỹ nhưng không need-blind cho sinh viên quốc tế. Ví dụ, nếu bạn nộp đơn vào trường không có need-blind admission, bạn cần trợ giúp càng nhiều tiền thì khả năng bạn được nhận càng thấp.

2. Vay tiền

Một số quốc gia, trong đó có Singapore, cho bạn vay tiền để học với điều kiện sau khi tốt nghiệp, bạn ở lại quốc gia đó làm việc và trả nợ dần sau một số năm. Mình có một người bạn đi học ở Singapore theo dạng này. Nó được học bổng gần hết học phí, nhưng vẫn phải vay khoảng 50.000-70.000 đô Singapore gì đó, con số mình không nhớ chính xác, để theo học sau 4 năm. Mình hồi đó bị sốc sao con bạn mình mới 18, 19 tuổi mà dám vay một số tiền lớn như vậy. Nó bảo là ở Singapore lương cao nên nó hy vọng có thể trả nợ trong vòng 3 năm.

Huyền Chip chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng du học cho những đứa con nhà nông với ngân sách 0 đồng - Ảnh 2.

3. Chọn trường học phí + chi phí sống rẻ rồi đi làm thêm

Một điều mình nhận ra rằng mặc dù học bổng toàn phần khá hiếm vì ngoài việc miễn học phí cho mình, trường phải bỏ tiền cho mình ăn ở. Trong khi đó, học bổng một phần hay toàn bộ học phí thì khá nhiều vì miễn học phí trường không mất gì, mà còn giúp trường có thêm sinh viên xuất sắc có thể nâng cao tên tuổi của trường. Mình tính nếu mình chọn một trường chất lượng vừa phải, cấp học bổng toàn bộ học phí hay không đòi tiền học phí (như một số trường ở châu Âu), ở một khu vực mà chi phí sinh sống rẻ, nhiều khả năng mình có thể đi làm thêm để trang trải chi phí.

Nếu bạn có ý định đi làm thêm, bạn nên chú ý xem visa du học ở quốc gia đó cho phép bạn làm thêm hay không, và nếu làm thêm, thì quy định như thế nào. Ví dụ, visa du học F1 của Mỹ chỉ cho phép bạn làm việc 20h/tuần và chỉ được phép làm việc trong trường trong năm học. Bạn cũng nên lưu ý là chi phí sinh sống ở các khu vực khác nhau trong cùng một quốc gia có thể khác nhau một trời một vực. Ví dụ ở Mỹ, thuê phòng nhỏ xíu ở San Francisco ít ra cũng phải 2000$/tháng, trong khi một phòng ở Detroit chỉ khoảng 500$.

Mơ ước của mình dĩ nhiên là phương án 1. Vậy nên, mặc dù hồ sơ của mình thật dở, mình vẫn quyết tâm phải nộp đơn vào trường top.

Huyền Chip chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng du học cho những đứa con nhà nông với ngân sách 0 đồng - Ảnh 3.

Huyền Chip đã có những ngày tháng du học ý nghĩa tại Mỹ

Bước hai: Thi cử

Qua các diễn đàn, mình tìm hiểu thêm về những kỳ thi như SAT, SAT II, ACT, sự khác nhau giữa IELTS/TOEFL và hình dung rõ hơn về điểm thế nào là cao, thế nào là thấp.

Mình chọn thi TOEFL thay vì IELTS vì hồi mình nộp đơn lần đầu, nhiều trường ở Mỹ chấp nhận TOELF hơn IELTS, nhưng bây giờ thì IELTS khá phổ biến ở Mỹ rồi nên điều đó không quan trọng nữa. Nếu bây giờ phải chọn lại chắc mình sẽ chọn IELTS vì phần nói của IELTS cho phép mình nói chuyện với người kiểm tra, một môi trường tự nhiên và thân thiện hơn rất nhiều so với việc phải nói vào máy tính.

Mình chọn thi SAT thay vì ACT vì thấy ở Việt Nam có nhiều tài liệu học SAT hơn ACT.

Việc ôn luyện thi thì không có gì đặc biệt. Mình không tham gia trung tâm luyện thi nào cả vì mình không có tiền. Mình google đọc nhận xét về các cuốn sách luyện thi và mua một vài quyển sách được đánh giá là tốt nhất để học. Hồi đó, đó mấy quyển sách SAT mình khá thích mà tìm mua ở Việt Nam không được nên mình mua qua một dịch vụ mua sách từ Mỹ. Mình xót tiền lắm vì mỗi cuốn sách cũng vài chục đô, nhưng mình coi đó là một sự đầu tư.

Mình cũng tìm các tài liệu miễn phí trên mạng để học. Các diễn đàn du học có liệt kê vô số nguồn tài liệu miễn phí giúp mình chuẩn bị thi. Các trang như Mangoosh cũng có nhiều lời khyên hữu ích. Mình nhớ phần mềm có ích nhất cho thi TOELF với mình là phần mềm mô phỏng môi trường thi TOEFL trên máy tính như khi thi thật.

Với SAT, kinh nghiệm của mình là học sinh Việt Nam thấy phần Toán khá dễ, nhưng thường gặp khó khăn về phần từ vựng và phần viết. Để trau dồi từ vựng, mình dùng flashcard, chăm chỉ đọc sách, chăm chỉ viết blog. Có khá nhiều danh sách kiểu 1000 hay 5000 từ vựng SAT phổ biến nhất. Nhưng biết nghĩa của một từ là một chuyện, biết cách sử dụng từ đó trong văn cảnh như thế nào là chuyện khác. Học từ vựng là một quá trình lâu dài. Mình đọc sách báo tiếng Anh hàng năm trời chứ không hy vọng học vài tuần mà có thể thi điểm cao được.

Thi SAT II, mình tìm hiểu thì thấy hầu hết Việt Nam chọn thi các môn như Toán, Lý, Hoá. Mình chọn thi Toán nâng cao vì thế mạnh của mình trước giờ vẫn là Toán. Để bản thân mình nổi bật hơn so với những người nộp đơn cùng từ Việt Nam, mình chọn thi tiếng Tây Ban Nha.

Mình thấy việc quan trọng nhất khi thi là biết được khả năng của mình đến đâu và đưa ra mục tiêu khả thi. Khi bắt đầu luyện thi, mình làm bài thi thử để xem được bao nhiêu điểm. Sau đó, dựa vào bài thi này, mình có thể thấy phần nào mình làm tốt, phần nào mình làm chưa tốt để có thể lên kế hoạch ôn luyện từng phần cho hợp lý.

Huyền Chip chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng du học cho những đứa con nhà nông với ngân sách 0 đồng - Ảnh 4.

Bước ba: Làm hồ sơ

Mình biết hội đồng tuyển sinh quan tâm đến thứ hạng trong lớp, tên tuổi của trường cấp ba bạn học, mức độ khó của các môn bạn học, cũng như thư giới thiệu của giáo viên. Điểm phẩy là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bạn có thể có điểm phẩy cao nhưng nếu cả trường bạn ai cũng có điểm phẩy cao thì điểm phẩy cao chẳng thể hiện được gì cả. Bạn có thể là trong top học sinh trường bạn nhưng nếu trường bạn là trường nhỏ nơi hầu hết học sinh không quan tâm đến việc học thì thứ hạng cũng ít có ý nghĩa. Vậy nên các trường rất quan tâm đến thứ hạng của bạn trong trường cũng như tên tuổi ngôi trường của bạn.

Học sinh nộp đơn từ Việt Nam thường gặp vấn đề về mảng này. Theo như mình biết thì hầu hết các trường cấp ba ở Việt Nam không xếp hạng học sinh. Mình có thể giải thích điều này trong quá trình nộp đơn, đồng thời nhờ thầy cô giáo nào đó viết recommendation letter, trong đó thầy cô đưa ra nhận định của họ về khả năng của bạn so với bạn bè đồng trang lứa. Một điều khác là hội đồng tuyển sinh các trường ở Mỹ có thể biết rõ về các trường cấp ba ở Mỹ để biết trường nào tốt trường nào dở, nhưng họ sẽ mù tịt về các trường cấp ba ở Việt Nam, ngoại trừ một số trường đã có nhiều du học sinh như Hanoi-Amsterdam hay các trường chuyên quốc gia. Việc nhiều trường cấp ba ở Việt Nam không có website tiếng Anh tử tế không giúp cho việc nộp đơn của học sinh trường họ lắm. Để vượt qua điều này, khi nộp đơn, mình phải viết thư giới thiệu về trường cấp ba của mình.

Mình cũng hiểu hơn về tầm quan trọng của hoạt động ngoại khoá, cách viết bài luận. Một mục mình rất thích trên các diễn đàn du học là mục "Chance me", nơi mọi người post hồ sơ của họ với điểm phẩy, điểm thi, các hoạt động ngoại khoá, giải thưởng, cũng như những trường họ muốn nộp đơn để những người trong diễn đàn nhận xét về khả năng được nhận của họ. Nhiều bạn tốt bụng sau khi nộp đơn còn đưa hồ sơ của họ lên và cho biết là họ được nhận, từ chối, hay bị đưa vào waitlist. Mình đọc những bài trong phần "Chance me" đó để biết rõ hơn mình phải cạnh tranh với ai cũng như tìm cách làm nổi bật những điểm tốt của mình trong hồ sơ.

Về viết thư giới thiệu, với học sinh lớp 12, các trường đại học thường yêu cầu thư giới thiệu từ giáo viên. Tuy nhiên, khi nộp đơn lần hai, mình đã xa trường lớp khá lâu rồi nên thư giới thiệu của giáo viên không còn phản ánh được thực lực của mình hiện tại nữa. Mình gửi thư cho các trường mình quan tâm hỏi họ có lời khuyên gì cho mình, và hầu hết các trường đều đồng ý cho mình xin giới thiệu từ những người biết mình gần đây hơn, như những người mình làm việc cùng. Nếu bạn có thắc mắc điều gì đó về quy trình nộp đơn của trường nào, mình khuyến khích bạn gửi email trực tiếp cho trường để hỏi.

Khi chọn người viết thư giới thiệu, lời khuyên mình hay nhận được là nên chọn người hiểu rõ bạn hơn là người nổi tiếng. Một điểm yếu mình thấy nhiều bạn hay mắc phải là nhờ người không biết mình cho lắm để rồi người đó viết về mình rất chung chung, đọc thư giới thiệu xong mình chẳng có ấn tượng gì nổi bật vì bạn cả.

Khi làm hồ sơ, mình nên nhớ rằng người đọc hồ sơ sẽ đánh giá bạn trên tổng thể hồ sơ, vậy nên mình hãy cố gắng để không lặp đi lặp lại một thứ nhiều lần mà hãy tận dụng hồ sơ để làm nổi bật con người bạn lên. Ví dụ, nếu bạn được giải nhất quốc gia môn Toán, bạn khoe nó ở trong phần giải thưởng và resume của bạn. Sau đó, bài luận của bạn cũng lại viết về lần bạn được giải nhất quốc gia. Rồi thư giới thiệu của giáo viên của bạn lại cũng viết về chuyện này. Đó là một sự thừa thãi và rất có thể khiến người đọc hồ sơ nghĩ rằng bạn chẳng có gì hay ho khác để nói về.

Để giúp người viết thư giới thiệu viết lá thư tốt nhất cho mình, mình thường gửi cho họ một số điểm mình hy vọng người đó có thể nhấn mạnh, cũng như nói cho họ sơ qua về những điểm mình đã có thể làm nổi bật ở các phần khác của hồ sơ rồi để người đó khỏi phải viết lại. Nếu mình đã nhờ một người viết thư giới thiệu nêu bật lên sự chăm chỉ, không ngại khó của mình, thì mình hy vọng người viết thư giới thiệu thứ hai có thể nói lên một khía cạnh khác của mình như tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề.

Huyền Chip chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng du học cho những đứa con nhà nông với ngân sách 0 đồng - Ảnh 5.

Huyền Chip trở thành người dạy chính của một khóa nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Stanford

Lời kết

Vì mình không có tiền thuê người tư vấn nộp đơn, mình đã phải dành rất nhiều thời gian tìm kiếm thông tin trên mạng. Mỗi năm, cả triệu học sinh lớp 12 trên khắp thế giới nộp đơn. Thông tin về việc nộp đơn nhiều vô số.

Có nhiều bạn hay nhắn tin hỏi mình những câu đại loại như "em cần những gì để đi du học", "có những học bổng du học nào hả chị", "visa nước ABC yêu cầu những gì", và câu trả lời của mình luôn là "Google". Mình rất khuyến khích việc không biết thì hỏi -- bản thân mình cũng rất nhiều lần làm phiến người đi trước xin kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên, mình thấy việc hỏi ai đó câu hỏi mà chỉ cần Google là ra là một sự lười biếng. Nếu một việc đơn giản như tìm thông tin mà mình còn không tìm được thì làm sao mình có thể thuyết phục người khác về năng lực của bản thân?

Một câu hỏi khác khiến mình buồn là dạng câu hỏi: "em muốn làm việc A, việc A cần B mà em không biết B thì phải làm sao?". Kiểu như: "em muốn đi du lịch mà không biết tiếng Anh phải làm sao?" hay "em muốn đi du học mà điểm SAT của em không cao thì phải làm sao?" Câu trả lời của mình luôn là: "Học B". Theo đuổi ước mơ là một quá trình. Nếu bạn không đủ động lực để làm B thì hẳn bạn chưa mong muốn điều A đủ.


Theo Trí Thức Trẻ



học bổng du học

du học Mỹ

Huyền Chip


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.