Nữ sinh Hà Tĩnh giành học bổng 6 tỷ đồng của đại học Mỹ

Niềm vui của Đặng Thúy Quỳnh - nữ sinh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh - vẫn còn đang “nóng hổi” khi phóng viên liên hệ với em ngay trong ngày em nhận thư thông báo trúng tuyển từ Smith College – một trường đại học nữ sinh của Mỹ.

Niềm vui của Đặng Thúy Quỳnh - nữ sinh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh - vẫn còn đang “nóng hổi” khi phóng viên liên hệ với em ngay trong ngày em nhận thư thông báo trúng tuyển từ Smith College – một trường đại học nữ sinh của Mỹ.

Nữ sinh Hà Tĩnh giành học bổng 6 tỷ đồng của đại học Mỹ
Đặng Thúy Quỳnh, sinh năm 1997 vừa nhận học bổng toàn phần của Smith College. Ảnh: NVCC

Quỳnh vui vẻ chia sẻ: “Em vừa mới thông báo với một đứa bạn mà nó đã đi lan truyền khắp nơi”.

Nhen nhóm ước mơ đi du học từ hồi cấp 2, nhưng gia đình không đủ tiềm lực tài chính. Nếu muốn đi du học, Quỳnh phải nhận được học bổng toàn phần. Rụt rè trước thách thức này, Quỳnh quyết định thi đại học như bao bạn bè khác. Đỗ ĐH Ngoại thương Hà Nội, Quỳnh khăn gói lên Hà Nội học tập. Nhưng chính môi trường năng động này đã khiến khát khao muốn đi du học trong em trỗi dậy. “Lúc đó bạn bè em có một số người nhận được học bổng vào các trường ở Mỹ, nên em cảm thấy khi người khác thực hiện được ước mơ, còn mình thì từ bỏ khi chưa từng thử sức sẽ là một việc khiến em ân hận về sau” – cô gái 19 tuổi chia sẻ.

Quyết định bảo lưu kết quả học tập ở Ngoại thương để rẽ sang một hướng khác là một áp lực rất lớn đối với Quỳnh . “Khi bảo lưu em đã xác định là nhất định sẽ phải được đi du học, nếu không sẽ phải quay lại FTU và học muộn hơn các bạn một năm. Áp lực hơn nữa là phải được các trường nhận nhưng lại phải có mức học bổng cao, gần như toàn phần thì bố mẹ mới chi trả được”.

Chỉ có 7 tháng để chuẩn bị hồ sơ, Quỳnh gấp rút thi IELTS, ACT, hoàn thiện các giấy tờ tài chính…. Tuy thời gian ít ỏi nhưng kết quả mà em đạt được rất đáng nể. Vốn học chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, từng đạt giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 12 nên chỉ sau một tháng ôn luyện, em đạt 8.0 IELTS. Điểm số ACT của Quỳnh đạt 32/36.

Ngoài ra, bảng hoạt động ngoại khóa đã được Quỳnh tích lũy từ những năm học cấp 3. Em cho rằng, điểm số hay các hoạt động ngoại khóa của mình cũng chưa thực sự nổi bật, tuy nhiên mọi yếu tố trong hồ sơ của em khá đồng đều. Quỳnh cho rằng đây là lý do khiến Smith College dành cho em suất học bổng 68.000 USD/ năm trong vòng 4 năm học.

Nữ sinh Hà Tĩnh giành học bổng 6 tỷ đồng của đại học Mỹ
Quỳnh (ngoài cùng bên phải) và các bạn học cấp 3 ở Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh nhưng Quỳnh không cho rằng điều này chỉ toàn là bất lợi với em hay với những bạn khác đang đặt mục tiêu xin học bổng. “Ở Hà Tĩnh thì rõ ràng không có nhiều cơ hội tiếp xúc với các học bổng, hay là các tài nguyên như ở các thành phố lớn.Cơ hội giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài, các hội thảo, trại hè… cũng ít hơn rất nhiều. Bản thân em chủ yếu tự ôn ở nhà, sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin và tài liệu. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh cũng có một lợi thế. Vì lượng du học sinh ở Hà Tĩnh rất ít nên lúc nộp đơn vào các trường sẽ trở thành một nhân tố mới mẻ đối với họ, khiến các nhà tuyển sinh chú ý nhiều hơn. Tất nhiên đây cũng chỉ là yếu tố nhỏ chứ không thể quyết định được việc bạn có được nhận vào trường hay không, chưa kể đến việc trao học bổng” – Quỳnh nói.

Nữ sinh Hà Tĩnh giành học bổng 6 tỷ đồng của đại học Mỹ
Quỳnh (ngoài cùng bên phải) và các bạn trong nhóm đi phượt xuyên Việt. Ảnh: NVCC

Bài luận – cơ hội để các ứng viên thể hiện tính cách, quan điểm và tham vọng của bản thân – được Quỳnh chọn viết về tuổi thơ của mình ở vùng núi Hương Sơn, Hà Tĩnh – nơi em đã sống những năm đầu đời. “Em đã dùng biệt tài “nói lái” (nói ngược) mà hồi nhỏ em rất thích và rất giỏi để kể câu chuyện về tuổi thơ của mình. Lúc đó, quanh em lúc nào cũng là cây cỏ, hoa lá xanh tươi, không khí trong lành. Em chơi những trò mà bọn trẻ con thường chơi… Sau này em mới nhận ra đó là khoảng thời gian mà em đã được trải nghiệm những thứ rất tuyệt vời mà lớn lên em không còn cơ hội làm nữa. Đến năm 5 tuổi thì bố chuyển công tác nên sau đó mẹ với em cũng chuyển về thành phố sống. Rồi em gần như lớn lên ở thành phố luôn, và dần dần quên hết những kỉ niệm hồi còn ở quê”.

“Nhưng cũng nhờ những lần về quê, hoài niệm lại những gì xảy ra, nhớ lại hồi bé mình như thế nào mà em nhận ra được con người thực sự của mình ra sao, em muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào. Và em nghĩ, đối với một người thì việc biết được bản thân là ai thực sự rất quan trọng. Em nhận ra là những giá trị mà hồi bé mình có được khi sống ở một ngôi làng nhỏ vùng núi, khi sống giữa thiên nhiên vẫn còn đâu đó, chưa mất đi, mà đơn giản là bị những gánh nặng của việc trưởng thành che khuất. Và lúc mà em tìm lại được những giá trị đó thì em biết mình đã sẵn sàng cho những chuyến phiêu lưu phía trước, sẵn sàng làm những điều em thích và sống cuộc sống mà em muốn” – Quỳnh chia sẻ về bài luận của mình.

Nữ sinh Hà Tĩnh giành học bổng 6 tỷ đồng của đại học Mỹ
Quỳnh cho biết bố mẹ là những người định hướng, ủng hộ và khuyến khích em rất nhiều trong quá trình học tập cũng như xin học bổng. Ảnh: NVCC

Để đạt được mơ ước đi du học Mỹ như ngày hôm nay, Quỳnh cho rằng bố mẹ là những người đóng vai trò rất quan trọng, đã động viên và ủng hộ em rất nhiều trong những giai đoạn khó khăn. Bố mẹ Quỳnh đều là giáo viên dạy toán cấp 3. Bố em dạy ở Trường Chuyên Hà Tĩnh mà em đang theo học. “Ban đầu vì điều kiện tài chính hạn hẹp nên bố mẹ em không ủng hộ việc em đi du học cho lắm, nhưng sau khi thuyết phục bố mẹ và hứa sẽ cố gắng xin học bổng thật cao để bố mẹ không phải vất vả thì bố mẹ đồng ý và ủng hộ quyết định bảo lưu của em”.

Quỳnh cho biết, vì có bố mẹ là giáo viên nên từ nhỏ em đã học tốt, tuy nhiên bố mẹ không hề gây áp lực, mà cực kỳ tâm lý và thoải mái. “Bố mẹ luôn nói là dù có đi được hay không cũng chẳng sao hết, bố mẹ ủng hộ lựa chọn và quyết định của em”.

“Mặc dù dạy toán nhưng từ bé mẹ em luôn khuyến khích em học tiếng Anh, hướng em vào học chuyên Anh vì mẹ biết tiếng Anh sẽ giúp ích cho em rất nhiều sau này. Bố mẹ tuy không có nhiều điều kiện, nhưng việc trau dồi ngoại ngữ cho em thì luôn cố gắng tạo điều kiện. Và quan trọng hơn nữa là bố mẹ cho phép em lựa chọn theo sở thích của mình, tôn trọng những quyết định của em. Vì thế em luôn có niềm tin là dù thành công hay thất bại thì bố mẹ vẫn luôn ở bên ủng hộ”.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.