Phụ huynh muốn con ngừng du học sau vụ đánh bom tại Bỉ

Vụ đánh bom tại Bỉ khiến nhiều du học sinh và gia đình hoang mang, lo lắng. Không ít ông bố bà mẹ muốn đưa con đang du học ở một số nước châu Âu về Việt Nam học tập.

Vụ đánh bom tại Bỉ khiến nhiều du học sinh và gia đình hoang mang, lo lắng. Không ít ông bố bà mẹ muốn đưa con đang du học ở một số nước châu Âu về Việt Nam học tập.

Ông Mạnh Cường có con đang học tại Berlin (Đức) kể, con gái mới đi học được một năm, nhưng những vụ tấn công liên tiếp ở châu Âu vừa qua (Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ) khiến gia đình ông rất lo lắng. Vợ chồng ông Cường đang lên kế hoạch đưa con về học đại học tại Việt Nam.

"Chắc cháu sẽ không đồng ý, nhưng bậc làm cha mẹ ai cũng lo lắng. Giờ chỉ có cách gọi về để nhìn thấy con mỗi ngày, chứ xa xôi thế này chúng tôi sốt ruột lắm", nam phụ huynh nói.

Không chỉ ông Cường muốn đưa con về nước học tập vì tình hình an ninh bất ổn, nhiều phụ huynh khác cũng đang rất lo lắng cho con du học.

Ngay khi biết tin vụ đánh bom khủng bố ở Bỉ hôm 22/3, ông Trần Minh Hy như ngồi trên đống lửa vì không liên lạc được với con trai Trần Minh Đức (sinh viên Đại học Francisco Ferrer) trong suốt một tiếng.

"Chúng tôi không biết làm gì khác ngoài việc liên tục gọi vào số của con, túc trực bên máy tính để chờ Đức online", phụ huynh này nói và cho biết sau đó đã liên lạc được với con trai mình. Nam sinh giải thích đi mua bánh mỳ buổi sáng và bị cảnh sát giữ lại đến khi an toàn mới được về nhà.

"Vụ nổ xảy ra tại metro Maelbeek khi mình vừa rời khu Liên minh châu Âu không lâu. Thật sự quá kinh khủng khi phải chứng kiến đất nước mình gắn bó lâu nay bị tàn phá", Minh Đức kể.

Nam sinh chia sẻ, người dân Bỉ vốn hiền lành. "Dù đang ở giữa 'trung tâm khủng bố', nhưng mình chưa từng nghĩ Bỉ hay Brussels sẽ là nơi bị tấn công", Minh Đức chia sẻ.

Còn bà Nguyễn Lan Hoa, mẹ bạn Lương Minh Trang (Đại học Paul-Henri Spaak, Brussels) vẫn chưa bớt lo: "Tôi dặn con không ra ngoài, không đi chơi hay tụ tập nơi đông người, đi siêu thị tích trữ đồ ăn, để tiền, passport và những đồ đạc cần thiết ở nơi dễ lấy nhất".

Trước đó, 15h ngày 22/3, tài khoản Facebook Hương Hà Nguyễn thông báo: "Bom nổ ở sân bay Zaventem, ít nhất 14 người thiệt mạng, thành phố đưa báo động cấp. Các bạn đừng ai ra khỏi nhà nhé!".

Sau đó, thông tin về vụ khủng bố tại Brussels lan truyền trên mạng với thống kê thương vong tăng lên. Hai quả bom phát nổ tại sân bay Zaventem, thủ đô Brussels, Bỉ khiến 34 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Khoảng 1 tiếng sau, cũng tại thủ đô Brussels, một vụ nổ mới làm rung chuyển ga tàu điện ngầm Maelbeek, nơi gần trụ sở của Liên minh châu Âu, bao gồm Nghị viện châu Âu, khiến 20 người tử vong.

Phu huynh muon con ngung du hoc sau vu danh bom tai Bi hinh anh

Tình hình về vụ khủng bố được các du học sinh thông báo liên tục.

Bạn Vũ Minh Tâm (Đại học Kiến trúc Bỉ) cho biết, trụ sở Liên minh châu Âu là địa điểm vui chơi quen thuộc của người dân thủ đô Brussels, do nằm giữa trung tâm và có nhiều tòa nhà cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử của đất nước. Nữ du học sinh nhận định, việc tấn công vào địa điểm này nhằm đe dọa tinh thần của người dân Bỉ.

"Mọi người đang rất hoang mang. Cô giáo mình liên tục gọi điện cho sinh viên và dặn ở nhà. Gia đình chủ nhà mình khóc suốt cả ngày hôm nay. Giao thông đình trệ, tinh thần mọi người hoảng loạn. Thật may các du học sinh Việt Nam không xảy ra vấn đề gì", Thùy Trang (Đại học Kiến trúc Bỉ) chia sẻ.

Phu huynh muon con ngung du hoc sau vu danh bom tai Bi hinh anh

Thủ đô Brusells 1 ngày sau khủng bố. Người dân đang cùng nhau cầu nguyện cho các nạn nhân. Ảnh: Quốc Anh

Chỉ trong vòng vài tháng, nhiều thành phố lớn tại châu Âu đã bị tấn công, có quốc gia phải đặt mức cảnh báo an ninh cao nhất.

Ba quả bom phát nổ tại Brussels sáng 22/3 là cuộc tấn công thứ ba vào các nước châu Âu, sau Paris (Pháp) vào tháng 11, và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi đầu tháng 3 vừa rồi. Mọi dự đoán đều cho rằng mục tiêu tấn công của khủng bố trong thời gian tới vẫn là "lục địa già". Chính vì thế, không ít gia đình có con đang sinh sống tại Bỉ và các nước EU rất hoang mang.

Cũng sau vụ tấn công tại Brussels, các bạn trẻ Việt Nam, du học sinh Việt Nam trên toàn thế giới, đặc biệt tại châu Âu đã thay avatar hoặc đăng tải những bức ảnh chia sẻ sự mất mát với quê hương của Tintin.

Chỉ mới 4 tháng trước, đêm 13/11/2015, người dân thủ đô Paris của Pháp phải hứng chịu hàng loạt vụ tấn công làm ít nhất 158 người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương.

Ngày 19/3/2016, một vụ đánh bom tự sát ở khu vực mua sắm tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Ba quả bom phát nổ tại Brussels sáng 22/3 là cuộc tấn công thứ ba vào các nước châu Âu.

Theo Telegraph, những điều cần nhớ khi ở xung quanh vùng khủng bố:

1. Giữ bình tĩnh, trấn an mọi người xung quanh.

2. Ngay khi nghe thấy tiếng nổ, lập tức rời khỏi nơi đó một cách nhanh chóng nhất. Hãy di chuyển bình tĩnh và lặng lẽ, trốn trong nơi an toàn và nghe ngóng tình hình.

3.Tuân theo mọi sự chỉ dẫn của nhân viên an ninh.

4. Kiểm tra thương tích.

5. Kiểm tra thông tin những người trong nhóm.

6. Giữ liên lạc với đại sứ quán.

Giảm thiểu nguy cơ gặp khủng bố

1. Kiểm tra kỹ thông tin nơi mình chuẩn bị đến; luôn chuẩn bị cho mọi tình huống.

2. Tìm hiểu phong tục nơi bạn đang sống, tránh hành động, ăn mặc, nói năng xúc phạm đến tôn giáo, chính trị.

3. Hạn chế tụ tập, đi lại nơi đông người.

4. Giữ kín thông tin cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, tín ngưỡng.

5. Báo cáo lại ngay khi nhận thấy có các vật dụng khả nghi: Balo, vali để trơ trọi trên đường.


Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.