Tôi đã học năm thứ nhất ở đại học Mỹ như thế nào?

Tôi và các bạn đến New Orleans không chỉ để học hỏi từ những học giả khác, mà bản thân chúng tôi cũng chuẩn bị một bài thuyết trình về nghiên cứu của mình.

Lê Nguyễn Vương Linh (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, cựu học sinh trường trung học Anglo-Chinese Independent (Singapore) vừa kết thúc năm học đầu tiên tại Trường ĐH Colgate (bang New York, Mỹ) nơi bạn được cấp học bổng 100%. Vương Linh đã có những trải nghiệm thú vị trong năm học đầu tiên tại trường.

Tôi được cùng thầy giáo và các bạn đại diện nhà trường đi dự hội thảo thường niên lần thứ 40 của Tổ chức Nghiên cứu về vùng Caribe (Caribbean Studies Association – CSA) tại New Orleans, bang Louisiana.

Tại Mỹ, sinh viên năm đầu chưa cần quyết định ngành học. Mỗi trường đại học đều có nhiều khoa đào tạo và rất chú trọng vào việc mở rộng hiểu biết cho sinh viên. Sinh viên sẽ phải chọn chuyên ngành sau hai năm học nên trong hai năm đầu, họ đều phải học một số lớp ngoài ngành của mình. Tuy dự định theo đuổi chuyên ngành Hóa học và Vật lí, tôi cũng học các môn khác như Văn học cổ đại phương Tây hay Thế giới hiện đại.

Lê Nguyễn Vương Linh, Hà Nội-Amsterdam, Anglo-Chinese Independent, New Orleans, Louisiana.

Vương Linh (ngoài cùng, trái) và các bạn sinh viên ĐH Colgate. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Mùa xuân năm 2015, tổ Pháp liên kết với tổ Nghiên cứu về khu vực Caribe lần đầu mở lớp Văn hóa Martinique, một hòn đảo thuộc địa của Pháp. Đã từng học ngôn ngữ của Molière khi còn là học sinh trung học tại Singapore cùng với sự hứng thú với nước Pháp và sự tò mò về vùng biển Caribe, tôi ngay lập tức đăng kí theo học lớp này. Tôi và các bạn đều bất ngờ trước những kiến thức học được và các cơ hội được hiểu biết về văn hóa Caribe.

CSA, một trải nghiệm khác biệt

Tôi cảm thấy rất may mắn khi được tham dự hội thảo CSA và được học hỏi thêm nhiều điều về vùng Caribe, một vùng đất còn xa lạ với người dân Việt Nam. Tại hội thảo, chúng tôi gặp rất nhiều học giả từ khắp nước Mỹ, cũng như những giáo sư đến từ các khu vực lân cận trong vùng Caribe như Martinique, Guadeloupe, Jamaica hay Guyana.

Điều đặc biệt là gần như tất cả thành viên đều đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ hoặc giảng dạy tại các trường đại học. Duy chỉ có chúng tôi là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm thứ hai. Bạn Nicole Jackson trong nhóm rất bất ngờ khi nhận được câu hỏi “Bạn dạy học ở trường nào?” khi trò chuyện với một nữ giáo sư tại hội thảo.

Hội thảo bao gồm những bài thuyết trình, nghiên cứu về nhiều phương diện của khu vực Caribe như tôn giáo, văn học hay biến đổi khí hậu, xen kẽ với phim tài liệu và các hoạt động văn hóa. Hội thảo CSA sử dụng cùng lúc ba ngôn ngữ chính là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Thế nhưng khi thuyết trình, vài học giả đầu tiên phát biểu bằng tiếng Anh, rồi những học giả khác đọc bài nghiên cứu của mình hoàn toàn bằng tiếng Pháp và cuối cùng cả khán phòng hỏi đáp cũng như tranh luận bằng tiếng Pháp.

Từ những bài thuyết trình, chúng tôi hiểu thêm về xã hội vùng Caribe, với nhiều điểm tương đồng với nước Mỹ bởi đa phần dân số đều có nguồn gốc từ dân nhập cư vào khoảng thế kỉ 17, 18.

Nhiều học giả thuyết trình về sự hòa trộn tôn giáo của châu Âu, châu Phi cũng như Ấn Độ, một nét đặc biệt của vùng Caribe. Người Ấn Độ nhập cư vào khu vực này từ thế kỉ 19 dưới một hợp đồng làm thuê với đế quốc Anh, mang theo những ảnh hưởng của đạo Hindu vào khu vực với số đông là nô lệ gốc Phi. Đến nay, văn hóa Ấn Độ còn tồn tại trong nhiều phong tục như lễ gọi hồn, nơi người dân tin rằng thần thánh sẽ nhập vào thân thể của thầy phù thủy giống như hiện tượng lên đồng ở Việt Nam.

Nhiều vấn đề của vùng Caribe tưởng chừng như xa lạ nhưng chúng lại gắn liền với xã hội Việt Nam. Tôi tham dự một buổi thuyết trình về tiếng Créole, một loại ngôn ngữ phát triển từ sự pha trộn từ vựng châu Phi với các ngôn ngữ châu Âu. Tuy đây là ngôn ngữ đặc trưng của vùng Caribe, nhiều cư dân Caribe ưa chuộng sử dụng tiếng Anh, Pháp… Để bảo tồn tiếng Créole, chính phủ đang cố gắng thiết kế giáo trình Créole trong trường học để tăng cường việc dạy và học tiếng Créole.

Tôi cũng không khỏi bất ngờ khi thấy những bài nghiên cứu về sự ảnh hưởng của văn hóa Caribe tới lĩnh vực giải trí. Các học giả thảo luận về sự bóp méo 'voodoo” từ tín ngưỡng địa phương thành tà thuật trong “Câu chuyện kinh dị Mỹ: Hội Phù Thủy” (American Horror Story: Coven – AHS). Đây là một bộ phim nhiều tập rất nổi tiếng ở Mỹ, lấy bối cảnh về sự cạnh tranh giữa những nữ phù thủy và pháp sư “voodoo” Marie Laveau tại chính New Orleans. Tuy nhiên, “voodoo” của AHS bao gồm hình nhân thế mạng, lời nguyền,… và gần như hoàn toàn là một phương tiện để hãm hại, khác hẳn với “voodoo” của vùng Caribe được nhiều người coi như tôn giáo...

Ngoài việc tham dự những buổi thuyết trình, chúng tôi và các học giả khác còn được tham gia một buổi lễ hội mô phỏng “Mardi Gras” do CSA tổ chức. Cả đoàn khoác lên mình những chuỗi vòng và mặt nạ nhiều màu sắc. Chúng tôi cùng nhau đi bộ khoảng 2 km từ nhà thờ St. Augustine trên phố Governor Nichols tới phố North Galvez, tự do nhảy múa giữa lòng đường trong tiếng kèn trống của các nhạc công trong trang phục “Mardi Gras” sặc sỡ. Cả đoàn hát vang những bài hátnổi tiếng như “I’ll Fly Away” của Albert Brumley.

Tôi và các bạn đến New Orleans không chỉ để học hỏi từ những học giả khác, mà bản thân chúng tôi cũng chuẩn bị một bài thuyết trình về nghiên cứu của mình.

Giáo sư Ramakrishnan, người tỉ mỉ hướng dẫn chúng tôi trong nhiều tuần trước khi hội thảo bắt đầu, bộc lộ sự háo hức về thành quả lao động trong nhiều tháng. Bài nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào vở kịch “Histoire de Nègre” (Câu chuyện của Người Da màu) mà lớp đã diễn vào cuối tháng Ba.

Tuy được viết bởi Édouard Glissant, một trí thức nổi tiếng người Martinique, vở kịch rơi vào quên lãng và chỉ được phát hiện gần đây vào năm 2014. Trường Colgate là nơi đầu tiên dựng lại tác phẩm này bằng tiếng Anh.

Chúng tôi và cô Ramakrishnan nói chuyện và quảng bá về buổi thuyết trình với những học giả khác, những người rất bất ngờ vì chưa từng biết về sự tồn tại của vở kịch. Mọi người đều khen ngợi sự nghiên cứu kĩ càng của chúng tôi, cũng như việc liên kết những chủ đề của vở kịch đến các vấn đề thời sự như phân biệt chủng tộc, một vấn nạn còn rất phổ biến tại Mỹ trong thế kỉ 21.

Theo Lê Nguyễn Vương Linh (Mỹ)/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.