Ăn Tết quê chồng: "Chiến tranh" từ tháng Chạp!

Ăn Tết quê chồng hay quê vợ; ở nhà chồng bao nhiêu ngày, nhà vợ bao nhiêu ngày... là những câu hỏi Tết nào cũng lặp đi lặp lại với nhiều cặp vợ chồng, gây nên không ít cuộc "chiến tranh" ngay từ tháng Chạp!

Ăn Tết quê chồng hay quê vợ; ở nhà chồng bao nhiêu ngày, nhà vợ bao nhiêu ngày... là những câu hỏi Tết nào cũng lặp đi lặp lại với nhiều cặp vợ chồng, gây nên không ít cuộc "chiến tranh" ngay từ tháng Chạp!

Chị người quê chính gốc, học hành, làm việc tại Hà Nội rồi gặp và yêu anh - một chàng trai có xuất thân lam lũ như mình đến từ miền quê khác. Đám cưới của họ tổ chức hai lần ở hai quê, thêm tiệc báo hỉ rình rang "không thể không làm" trên thành phố.

Ngày vui cả đời người nó phải thế! Đôi trẻ tự dặn lòng mình, tự động viên nhau. So với hạnh phúc lứa đôi, rườm rà, mệt mỏi có bõ bèn gì. Ấy vậy nhưng từ lúc thành vợ thành chồng, những nỗi mệt mỏi tưởng chừng chẳng bõ bèn gì bắt đầu trở thành áp lực.

Năm đầu tiên ăn Tết ở quê chồng, chị đang bụng mang dạ chửa. Từ đầu tháng Chạp bố mẹ chồng chị đã gọi điện lên sốt sắng giục con trai con dâu phải chuẩn bị tươm tất cho lễ "nhận họ" từ bây giờ! Cuối năm, công việc cơ quan đầu tắt mặt tối lại đang thai nghén liên miên nhưng chị không thể thờ ơ với trọng trách dâu mới trong nhà.

Anh bảo: "Quê anh không như quê em, vợ chồng mới cưới, ngày xuân đi "nhận họ" là chuyện hệ trọng, phải đầy đủ lễ lạt gồm rượu, chè, bánh kẹo, phong bao lì xì... đủ cho cả họ. Đến nhà nào thì vợ chồng phải dâng lễ, khấn niệm rồi chuyện trò, cơm nước với gia chủ. Họ nhà anh lớn, tính ra gần trăm lễ, chưa kể các bên thông gia như bố mẹ chị dâu, bố mẹ anh rể mình vẫn phải qua. Nhiều việc nhưng phải xong tất vào 30 Tết để còn đi lễ Tổ, lễ chùa".
 

Ảnh minh họa (st).

Ảnh minh họa (st).

Lòng chị âu lo nhưng đầy khấp khởi. Về lễ nghĩa, dâu mới phải đi "nhận họ" là đúng rồi, không thể so sánh quê mình với quê chồng, "đất lề quê thói" là ở chỗ đấy. Chị bàn với chồng dành những ngày cuối tuần đi siêu thị khuân về đúng nửa gian nhà đồ lễ lạt. Anh xoắn xuýt chạy tới chạy lui giành phần mang vác, sửa soạn sợ vợ mệt. "Tuy mệt mà vui", chị động viên chồng.

Cuộc "chiến tranh" bắt đầu nổ ra ngoài 20 tháng Chạp, lúc chị đang quay cuồng trước cả núi việc ở cơ quan thì nhận cuộc gọi từ mẹ chồng với lời trách móc: "Năm hết Tết đến rồi, chị lại là phận dâu mới mà đến giờ vẫn chưa thấy mặt mũi đâu. Giờ này, lý ra chị phải ở quê rồi mới đúng. Các chị dâu chị ngày xưa, sửa soạn từ đầu tháng đến chiều 30 Tết còn chưa hết việc, hay chị nghĩ mình người thành phố nó khác...".

Choáng váng, hoang mang... chị bấm điện thoại gọi chồng định hỏi han xem ở quê có chuyện gì mà mẹ chồng xẵng giọng thì nghe giọng anh gấp gáp: "Em xin phép cơ quan nghỉ đi, bằng bất cứ giá nào cũng phải cắt phép, anh đợi em dưới cổng, em xuống là mình về quê luôn...". Chưa bao giờ chị nghe giọng anh căng thẳng, nặng nề đến thế.

Công việc không thể nói nghỉ là nghỉ, vả lại, cuối năm các sếp họp hành bận rộn để gặp mà xin phép rồi được đồng ý đâu phải dễ nhưng nghĩ đến chồng đang ngồi trên xe thuê sẵn, trên xe là "nửa gian nhà" lễ lạt đợi dưới cổng cơ quan, đôi mắt ngấn nước lưng tròng của chị bắt đầu òa ra, tức tưởi. Đồng nghiệp thấy thương xúm lại an ủi, "hiến kế" nhưng "kế" cuối cùng vẫn phải dìu chị xuống xe.
 

Ảnh minh họa (st).

Ảnh minh họa (st).

"Nhận họ", lễ Tổ, chào hàng xóm láng giềng, đi chúc Tết, nấu nướng cúng lễ... cuốn đôi vợ chồng trẻ vào lo toan, mệt mỏi, ấm ức, trách than... Anh hăm hở tay bưng lễ, miệng kể cho vợ nghe "trích ngang" về gia đình mình sắp tới trong lúc chị khệ nệ bụng bầu, da xanh lét cố nén cơn buồn nôn và trong đầu ngập ngừng trước ý nghĩ có nên xin phép gia đình chồng được nghỉ hay không. Mỗi ngày bắt đầu từ năm sáu giờ sáng tới tối mịt vẫn chưa được nghỉ chân, nghỉ miệng... khiến toàn thân chị mỏi nhừ, đau nhức và những cơn đau thắt bụng khiến chị run rẩy, tuyệt vọng.

"Nước có quốc pháp, nhà có gia phong", chị mới chân ướt chân ráo về đã định làm loạn! Bao đời nay, ở cái làng này, chưa có dâu nào trốn đi nhận họ... Hơn nữa, con đầu cháu sớm là tin vui, phải đi cho người ta chúc phúc!", sau câu nói hàm ý "mệnh lệnh" từ bố chồng và cái liếc xéo từ người bạn đời ngụ ý "đã bảo rồi mà", chị nhận ra mình hoàn toàn "thân cô thế cô" giữa quê người nổi danh "truyền thống lâu đời' và "họ nhà anh lớn, tính ra cả trăm lễ".

Thủ tục "nhận họ" xong vào chiều 30 Tết, bắt đầu từ đó là những ngày chị hết khom lưng thổi xôi, gói bánh, giã giò, làm cỗ lại dọn cỗ, qua cúng lễ lại ăn uống la đà. Anh gần như quên mất vợ. Anh tay bắt mặt mừng, nói cười sang sảng đi chào khách, uống rượu khắp ba gian nhà. Khách khứa đoàn nọ nối tiếp đoàn kia, chủ nhà mệt cũng không được nghỉ.

"Con ơi! Bao giờ các con về?", giọng nói nhỏ nhẹ, tha thiết tưởng chừng có nước mắt của mẹ đẻ trong điện thoại khiến trái tim chị quặn thắt. Năm nào mẹ cũng hỏi câu ấy dẫu biết rằng lúc con gái "được phép" về quê mình thì đã hết Tết.

Thấm thoắt, bây giờ con chị giờ đã lớn, chị cũng dần quen với cảnh ăn Tết triền miên như "hành xác" ở quê chồng nhưng chưa bao giờ chị thay đổi được quy trình ấy. Bạn bè, đồng nghiệp rỉ tai chị "trăm phương nghìn kế" nhưng rốt cuộc cũng thua "kế" chồng.

Bình thường anh hiền lành, thương vợ thương con là thế nhưng hễ ai có ý can thiệp vào phong tục, tập quán quê mình là ngay lập tức như trở thành người khác, thô lỗ, cộc cằn, bất chấp. Đến bố mẹ chị, xót con thương cháu nhưng cũng nén lòng an ủi con: "Thuyền theo lái, gái theo chồng".

Năm nay, mới đầu tháng Chạp, chị em cơ quan chị đã kháo nhau kế hoạch cho ngày Tết. Người thì cả gia đình đi du lịch nước ngoài. Người năm ngoái đã ăn Tết quê chồng rồi năm nay cả gia đình về bên ngoại. Người muốn ở lại Hà Nội vì "nhà mình ở đó, đó mới là cuộc sống của mình"...

Bữa cơm, chị mở lời xa xôi qua chuyện đồng nghiệp ăn Tết, anh dằn bát cơm xuống nhìn thẳng vào mắt chị: "Cô định đua đòi làm khác à? Cô coi chừng đấy!". Lý ra chuyện chẳng đến mức nào nếu đứa con 5 tuổi đang ngồi ăn cơm không sợ hãi òa khóc bám lấy mẹ khiến anh càng điên tiết hất đổ mâm cơm còn chị khóc lóc như mưa. "Chiến tranh" bắt đầu từ đó! Họ không hỏi han, đưa đón, chuyện trò, xin lỗi... dù những cuộc điện thoại "đến hẹn lại lên" từ quê vẫn réo rắt và từ sâu thẳm lòng mình, chị biết, mình khó có thể nào làm khác...

Người Việt có câu cửa miệng "vui như Tết" cơ mà, nhưng thử hỏi có biết bao người vui thực sự?

Theo Gia đình & Xã hội


Tết

Tết dương lịch

ăn Tết nhà ngoại

quê chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.