Bạo lực sân trường

Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dân số và Công tác xã hội, trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), nạn bạo hành học đường đang là vấn đề chung của giáo dục quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Các vụ bạo hành nảy sinh từ những chuyện nhỏ như bạn bè ức hiếp nhau, thầy cô vô tâm đến những chuyện lớn như chém giết nhau. Nguyên nhân của các vụ bạo hành có những điểm khác nhau, nhưng tựu trung lại chúng đều có những vấn đề liên quan đến tâm lý học sinh...

Ảnh minh họa

Nữ sinh cũng “mê” bạo lực

Trong những năm gần đây, dư luận xã hội lên tiếng khá nhiều về hành vi bạo lực học đường, với những lo ngại trước sự đa dạng và mức độ nguy hiểm của bạo lực trong trường học. Từ bạo lực của giáo viên đối với học sinh và bạo lực ngược (học sinh đánh, chửi thầy, cô giáo), đến bạo lực giữa học sinh với nhau. Đau lòng thay khi phải thấy cảnh máu đổ trên sân trường và nhuốm đỏ màu áo trắng học trò. TS Phan Mai Hương, Viện Tâm lý học, cho rằng: Tình trạng bạo lực học đường hiện nay đã trở thành vấn đề không chỉ của riêng ngành giáo dục mà là của toàn xã hội, khi mức độ ảnh hưởng của nó ngày càng lan rộng và hậu quả khá nghiêm trọng.

Những tưởng bạo lực học đường chỉ xảy ra với các nam sinh, nhưng thực tế hiện nay nữ sinh cũng không chịu thua kém. Sinh viên của PGS.TS Hoàng Bá Thịnh đã làm một cuộc khảo sát với 200 đối tượng học sinh tại 2 trường THPT thuộc quận Đống Đa, Hà Nội và phỏng vấn sâu 5 học sinh. Kết quả cho thấy có đến 96,7% số học sinh trả lời rằng, ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau, mức độ bạo lực trong nữ sinh là: 44,7% rất thường xuyên; 38% thường xuyên và 17,3% không thường xuyên.

Đặc biệt, không có sự khác biệt giữa các lớp học về tỷ lệ nữ sinh có hành vi đánh nhau. Điều này cho thấy, các em lớp 10 cũng sánh ngang với các chị lớp 11, 12 về “thành tích” nói chuyện với bạn bè bằng... vũ lực.

Gần đây, hình ảnh nữ sinh đánh nhau cũng liên tục được phát tán trên internet. Nội dung từ clip cho thấy, một nhóm nữ sinh đánh hội đồng một “con mồi” vì dám chửi nhóm của họ. Nữ sinh “láo xược” kia sau khi bị rượt đuổi như trong phim đã bị đánh vào đầu, gáy, túm tóc giữa thanh thiên bạch nhật với sự chứng kiến của rất nhiều học sinh và người đi đường. Các “khán giả” này hào hứng đứng “xem” và không ai có ý định xông vào can. Họ coi “trận đánh” giống như “chuyện thường ngày”!

TS. Phan Mai Hương phân tích: Tình trạng bạo lực học đường diễn ra không chỉ ở những thành phố lớn, mà phổ biến trên khắp các tỉnh thành cả nước. Ở Quảng Nam, phần lớn học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu và trung bình là do đánh nhau, hút thuốc, bỏ học dài ngày, vô lễ với giáo viên, bị giáo viên phạt nên tìm cách trả thù.

Tại Bến Tre, có hiện tượng học sinh mua dao để phòng thân khi đến trường. Còn Hà Tĩnh, vì không được thi tốt nghiệp, học sinh dọa hành hung thầy giáo. Tương tự, tại Thanh Hóa, học sinh chém cô giáo vì không được thi lại... Những thông tin này chưa phản ánh hết thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra hiện nay, nhưng đã cho thấy một bức tranh quá đau lòng.

Ảnh hưởng từ gia đình rất lớn

Một điều đáng lo ngại từ khảo sát mà sinh viên của PGS.TS Hoàng Bá Thịnh thực hiện: Trong số những nữ sinh có hành vi bạo lực thì có hai đặc điểm quan trọng liên quan đến gia đình, đó là sự thiếu quan tâm của cha mẹ và bạo hành trong gia đình.

Các bậc phụ huynh vì những lý do khác nhau nên ít quan tâm đến đời sống tâm lý của con cái ở độ tuổi THPT - tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý khiến các em có thể thấy cô đơn, ngay trong ngôi nhà vốn được coi là tổ ấm gia đình. Có tới 84,7% nữ sinh đánh nhau nói rằng, trong gia đình các em có hành vi bạo lực giữa các thành viên (giữa cha mẹ, giữa anh chị em, giữa cha mẹ và con cái); có trên 50% nữ sinh sống trong gia đình có bạo lực đã có hành vi bạo lực với bạn cùng trang lứa.

Những con số trên đáng gióng lên hồi chuông báo động về vai trò làm cha mẹ trong gia đình hiện nay. Chỉ có 15,7% cha mẹ biết cách giáo dục con đúng mực và có văn hóa, khi thấy con đánh nhau thì “khuyên bảo nhẹ nhàng và bắt con xin lỗi bạn”. Trong khi đó, trên 40% cha mẹ sử dụng hình thức bạo lực (chửi mắng, đánh) để đối xử với hành vi bạo lực của con cái. Chính điều này đã đẩy con cái trượt dài trên con đường bạo lực.

“Những lý do dẫn đến bạo lực học đường thường rất đơn giản (nhìn đểu, nói xấu nhau... thậm chí chỉ vì thấy ghét thì đánh) nhưng hậu quả lại khôn lường. Nó làm hoen ố môi trường học đường vốn là nơi được dành cho những gì tốt đẹp. Đã đến lúc, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến việc giáo dục con cái, các nhà trường cần chú trọng việc rèn kỹ năng sống cho học sinh; đồng thời cũng cần quan tâm đến việc trợ giúp tâm lý cho học sinh cũng như giáo viên, để góp phần giải quyết hiện tượng này một cách cơ bản. Có như vậy, mới mong có một môi trường giáo dục thực sự trong lành” - TS Phan Mai Hương đề xuất.

Theo Ngọc Lê



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.