Chăm sóc răng cho bé

Khi nào nên bắt đầu đánh răng cho bé? Nên sử dụng loại bàn chải và thuốc đánh răng nào? Đánh răng cho bé như thế nào thì đúng cách? Đó là những câu hỏi thường gặp khi bé của bạn có những chiếc răng đầu tiên.

Khi nào thì nên bắt đầu đánh răng cho bé?

Bạn nên bắt đầu đánh răng cho bé ngay sau khi bạn thấy răng mọc. Với việc bắt đầu chải răng sớm, bé sẽ quen dần với việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ và như vậy sau này bạn sẽ không gặp trở ngại khi đánh răng cho bé.

Thông thường chiếc răng mọc đầu tiên là răng cửa hàm dưới. Chiếc răng này thường mọc khi bé được khoảng 6 tháng đến một tuổi, chiếc răng tiếp theo sẽ mọc sau đó khoảng từ 2 đến 3 tuần. Trong thời gian này bạn cần lưu ý rằng do lợi của bé còn yếu nên khi chải răng cho bé bạn nên lau bằng miếng gạc có tra nước muối sinh lý một cách nhẹ nhàng, tránh gây đau cho bé và tổn thương lợi của bé.

Khi mọc đầy đủ thì số răng của bé sẽ khoảng 20 chiếc răng sữa. Toàn bộ số răng sữa này sẽ lần lượt mọc cho đến khi bé được 3 tuổi. Cách tốt nhất là bạn nên chải răng cho bé vào buổi sáng khi mới ngủ dậy và buổi tối trước khi bé đi ngủ, như vậy sẽ tạo cho bé có thói quen và không quên đánh răng mỗi ngày.

Nên sử dụng loại bàn chải và thuốc đánh răng nào?

Ban đầu, cách dễ nhất để bạn chải răng cho bé là dùng gạc quấn quanh ngón tay để lau xung quanh răng cho bé. Khi bắt đầu dùng bàn chải, bạn nên chọn loại bàn chải có lông mềm và đầu bàn chải nhỏ để có thể dễ dàng làm vệ sinh mọi nơi trong miệng bé mà bé vẫn cảm thấy dễ chịu. Trước khi mua, bạn nên để ý ở vỏ đựng bàn chải khuyên loại đó nên sử dụng cho lứa tuổi nào là phù hợp.

Bạn cũng nên lưu ý rằng bàn chải của bé không nên sử dụng quá 3 tháng hoặc phải thay khi lông bàn chải bắt đầu bị tõe ra.

Khi bé bắt đầu mọc lứa răng sau, thường là vào khoảng 6 – 7 tuổi, bạn nên sử dụng loại kem đánh răng có hàm lượng flour thấp, khoảng 600 ppm. Bạn cần để ý đến hàm lượng flour có ghi ở bên ngoài tuýp kem đánh răng. Hàm lượng flour thấp sẽ an toàn cho bé khi bạn ở nơi mà nước có flour và không có hại nếu chẳng may bé nuốt phải chút ít trong lúc đánh răng.

Khi trẻ đã lớn hơn, bạn nên dậy cho bé cách nhổ thuốc đánh răng ra khỏi miệng, sau đó súc miệng, bởi nếu nuốt nhiều chất flour sẽ có hại cho răng, thậm chí có thể gây cho bé bị nôn ọe hoặc đi ngoài. Một số bậc cha mẹ không thích cho con mình sử dụng các loại kem đánh răng có mùi vị thơm hoặc hương trái cây vì lý do trên và muốn bé hiểu rằng đó là thuốc đánh răng chứ không phải là đồ ăn được.

Đánh răng cho bé như thế nào là đúng cách?

Chỉ nên dùng một lượng thuốc đánh răng nhỏ như hạt đậu khi chải răng cho bé. Dùng bàn chải để chải kỹ càng xung quanh răng và lợi cho bé hằng ngày. Có thể dễ dàng chải răng cho bé hơn nếu bạn bế bé trên tay.

Khi đánh răng cho bé, bạn nên chải từng chỗ thật cẩn thận kỹ càng, đặc biệt là phần tiếp xúc giữa răng và lợi. Nên chải từng chỗ một, không phải qua loa và chải nhiều chỗ cùng một lúc. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể tham khảo thêm bác sĩ nha khoa để được hướng dẫn.

Phải làm gì nữa để bảo vệ cho hàm răng của bé?

Nguyên nhân chính của việc gây sâu răng của trẻ không phải là lượng đường trong thức ăn hàng ngày của trẻ mà là răng của trẻ tiếp xúc bao nhiêu lần trong ngày với thức ăn có đường hoặc uống nước có chất đường. Do vậy, bạn chỉ nên cho trẻ ăn những thức ăn có chất đường vào bữa ăn của trẻ mà thôi. Nếu bạn muốn cho trẻ ăn thêm bữa phụ thì nên chọn những thức ăn như pho mát, lát bánh mì, lát trái cây hoặc các loại rau.

Bạn cũng nên

Chỉ cho trẻ bú sữa mẹ, sữa bột hoặc uống nước đun sôi để nguội.

Tránh các loại nước có đường hoặc có ga, đặc biệt là vào giữa các bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ hoặc vào trong buổi đêm để dỗ dành trẻ. Sâu răng có thể xuất hiện khi răng trẻ thường xuyên tiếp xúc với các đồ uống có đường đựng trong chai lọ.

Bạn cũng nên kiểm tra trên bao bì của các loại đồ uống cho “trẻ em” hoặc các loại đồ uống thảo mộc có chứa các loại đường khác chẳng hạn như: Đường sữa (lactoza), đường trong trái cây (fructoza) hay glucoza. Đó là những loại đồ uống có hại cho răng của trẻ như đường mía.

Nên pha loãng nước trái cây (theo tỉ lệ 1/5 - một phần nước trái cây năm phần nước) cho trẻ từ 6 tháng tuổi và cho trẻ uống trong bữa ăn (trường hợp bạn muốn cho trẻ uống nước trái cây).

Cho bé tập làm quen uống nước bằng cốc khi bé từ 6 tháng tuổi.

Cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và đúng mức.

Ngoài ra, bạn không nên cho em bé ngậm bình sữa khi đi ngủ. Khi em bé của bạn đi ngủ mà vẫn ngậm và mút bình sữa thì chất lỏng sẽ bám quanh răng của bé và đây chính là nguyên nhân gây nên sâu răng. Điều này xảy ra vì vi khuẩn trong miệng bé đã chuyển các loại đường trong sữa, nước trái cây và sữa mẹ thành a xít làm mòn men răng bé (trường hợp này thường xảy ra đối với bốn chiếc răng cửa ở hàm trên bởi vì bé phải dùng lưỡi để đẩy núm vú khi ngậm bình).

Trong trường hợp bé của bạn không chịu ngủ nếu không có bình, bạn cứ để cho bé ngậm bình rồi đu đưa cho bé ngủ, bé đã ngủ thì bạn nhẹ nhàng lấy bình ra khỏi miệng bé. Nếu bé hơn 6 tháng, bạn nên pha thêm nước vào trong bình, như vậy lượng đường trong sữa sẽ loãng hơn và làm giảm khả năng gây sâu răng. Làm vậy mà bé không chịu thì bạn nên bắt đầu bằng cách chỉ cho ít sữa vào bình nước, rồi tăng lượng nước trong bình khoảng 30 ml một ngày cho đến khi chỉ cho bé ngậm bình nước.

Theo Hải Anh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.