Chơi với con: Dễ mà khó

Nhu cầu được vui chơi của trẻ rất chính đáng và còn chính đáng hơn khi trẻ đòi hỏi cha mẹ phải chơi với chúng.

Đừng tưởng việc này đơn giản. Nhiều bậc cha mẹ, khi con đã lớn rồi, ngồi lại mới thú nhận rằng ngày xưa mình chưa làm tròn bổn phận là cùng chơi với con. Thậm chí, giờ đây có nhiều ông bố, bà mẹ cho là chơi với con rất... oải!

Một bà mẹ trẻ tâm sự rằng buổi tối chị ngồi say sưa bên máy vi tính (phần lớn chat với bạn bè) thì cậu con trai năm tuổi đứng phía sau, tay cầm món đồ chơi mới mua ban chiều, níu lấy tay mẹ: "Chơi với con đi mẹ!". Mải với màn hình, chị chẳng chú ý đến con. Cuối cùng cu cậu phụng phịu, la lớn: "Chẳng có ái thèm chơi với con hết. Con ghét mẹ, con chán nhà này lắm!". Lúc này bà mẹ mới hoảng hồn, tắt máy vi tính rồi bày trò chơi với con.

Nhìn quanh, bà mẹ trẻ thấy đúng là chẳng ai thèm chơi với con thật. Dù rất thương con nhưng bà mẹ vẫn phải thú thật rằng thích tán dóc với bạn bè trên mạng hơn là chơi với đứa con trai rất dễ thương của mình!.

Người lớn thường hay có ý nghĩ chỉ việc bỏ tiền ra mua cho con trẻ món đồ chơi, rồi để mặc trẻ chơi gì thì chơi, coi như là hoàn thành trách nhiệm. Nhưng thật ra, trẻ cần người lớn chơi chung với chúng hằng ngày giống như bạn bè.

Chơi với trẻ cũng phải vui theo trẻ, rồi bày trò này, trò kia, kể cả những trò "ăn gian" nữa.

Một ông bố không còn trẻ lắm, nhưng có con nhỏ và nổi tiếng chiều con, tối nào cũng chịu khó ngồi chơi với các con đến khi chúng đi ngủ. Nghe anh kể về cô con gái nhỏ ba tuổi với gương mặt ngời ngời hạnh phúc, mới thấy làm bố cũng khó khăn. Chơi domino ba người, trước khi đánh cuống con gì, cô bé nhìn sang tay thằng anh coi bài thế nào rồi mới đánh, nếu đánh lộn thì đánh lại. Nếu không cho, cô bé sẽ la ầm lên là bố và anh ăn gian! Buổi tối nào ba cha con cũng phải bày chơi trò gì đó, không domino thì cưỡi ngựa nhong nhong, rồi phải đọc sách hay kể chuyện cho hai anh em nghe.

Đừng tưởng con bé mới phải ngồi chơi với chúng cho có bạn. Một bà mẹ có con đã lớn nhưng tối nào cũng bận bịu vì phải chơi với các con, dạy con học hành hay kể chuyện cho con nghe. Chị nói rằng thậm chí thằng con trai lên lớp 9 rồi mà tối nào học bài xong cũng ngồi lại bên mẹ năn nỉ mẹ kể chuyện gì đó. Khi thì chị kể chuyện trên báo, khi thì chuyện hàng xóm, lại có khi kể chuyện ở chợ nữa. Đôi khi không phải vì thằng bé muốn nghe chuyện, mà đơn giản là vì muốn mẹ ngồi nói chuyện tâm tình với mình.

Một bà mẹ trẻ khác cho biết, cháu trai ở nhà hay nghịch phá. Vào buổi tối, cháu thường bày đủ trò để chơi một mình, đôi khi "để cho gọn" và đỡ "nhức đầu" - bà mẹ giục con đi ngủ sớm với lý do là sáng mai phải dậy sớm đi học. Riêng việc ngủ cũng có có nhiều vấn đề. Tất cả sách vở trên đời này đều cho rằng, để giúp trẻ vào giấc ngủ, nên ru bằng một bài hát hay kể một câu chuyện thần tiên nào đó. Nhưng bà mẹ thú thật rằng mỗi khi đi ngủ, mẹ đều bắt con nhắm mắt bằng những câu hù dọa kiểu như: "Nhắm mắt lại, ôm gối kẻo ông kẹ kéo chân", Đứa nào lên giường không chịu nhắm mắt sẽ có bà phù thủy cào lưng, rồi ngủ mơ"...

Bà biết rằng con nhắm mắt chút xíu là chìm vào giấc ngủ say ngay. Có khi bực mình quá vì đã lên giường mà cậu con trai còn quậy lung tung, bà liền đét cho cuu cậu một phát vào mông. Thế là cậu con trai rớm nước mắt, ôm gối quay mặt vào tường ngủ!.

Bà mẹ biết như thế là phản khoa học, nhưng nhiều lúc mệt quá không còn sức chơi với con. Đi làm về mệt, nhìn con chạy lung tung đã thấy chóng mặt.

Nuôi con đâu chỉ đơn giản là nuôi con phải chơi với trẻ, mà đây chính là một công việc khá ngán ngẩm, nhất là khi cha mẹ còn nhiều việc phải làm. Nhu cầu chính đáng này của trẻ có mấy phụ huynh đáp ứng được, nhất là giờ đây có bao nhiêu thứ quyến rũ các ông bố và các cha mẹ. Nguy hiểm hơn, nhiều bậc cha mẹ vì muốn "yên thân" một buổi tối không bị con cái quấy rầy, quậy phá đã cho con ngồi chơi game suốt tối.

Đến nước này hậu quả thế nào thì ai cũng biết!

Theo Tâm An



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.