Chuyện kể ở trường

Con đi học, bố mẹ trông đứng trông ngồi, đặc biệt là khi bé ở độ tuổi mẫu giáo hoặc vừa lên tiểu học. Không lo sao được khi biết bao vấn đề trẻ có thể gặp ở trường.

Với trẻ nhỏ, đi học là một niềm vui to lớn. Khoảng 99% học sinh bậc tiểu học cho rằng niềm vui lớn nhất khi đến lớp là có thêm nhiều bạn.

Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui đó là những chuyện làm các bậc phụ huynh đau đầu. Không ít học sinh khiến bạn bè khổ sở với những trò “quái chiêu” của mình.

Giang hồ nhí ở trường

Chị Thục Mai, nhà ở đường 3-2, quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong lớp 2C của cu Tít, con chị, có một bạn vô cùng “đầu gấu”. Bạn này chuyên đi trấn lột đồ của bạn bè trong lớp.

Lúc đầu, chị cũng không chú ý nhưng hầu như ngày nào cu Tít cũng bị mất đồ dùng học tập, hôm cây thước, bữa hộp màu, cục tẩy… Nghĩ con ham vui, để quên ở lớp, chị chỉ nhắc nhở con. Dịp sinh nhật, bạn của chị tặng cu Tít một hộp chì màu lớn, tất nhiên cu cậu mê lắm.

Hôm sau, thấy chị Mai bỏ hộp chì màu vừa được tặng vào cặp táp, cu Tít vội giằng lấy: “Mẹ đừng bắt con mang đến lớp, bạn Trí Hải sẽ lấy mất của con đấy”. Tra gạn một hồi chị mới biết, theo quy định của cậu nhóc kia, mỗi ngày các thành viên trong lớp có nhiệm vụ “cống nạp” đồ vật, đồ ăn hoặc tiền. Người nào không nộp sẽ được “khuyến mãi” vài cục u ở đầu, hôm sau phải cống nạp gấp đôi.

Bé Su năm nay lên lớp hai. Hai tuần nay, chị Lan, mẹ bé, thấy con có vẻ mệt mỏi khi đi học về nhưng lại ăn cơm nhiều hơn mọi khi. Dù đã cố gắng dỗ ngọt nhưng cu cậu chỉ trả lời nhát gừng: “Con mệt, đói bụng”. Thấy Su ăn nhiều và ngon miệng, chị Lan mừng rơn. Thế nhưng, chị thầm nghĩ, thằng bé học bán trú, ăn cơm ở trường và chị luôn cho con tiền dằn túi. Ngày nào tiền tiêu vặt cũng hết, tại sao thằng bé cứ kêu đói, chị quyết định tìm hiểu cho ra lẽ.

Sau hai ngày thăm dò, chị phát hiện con bị bạn lấy hết đồ ăn trưa và tiền trong cặp. Điều chị không hiểu là sao thằng bé không nói với mình. Dù tra hỏi thế nào, thằng bé vẫn ngậm tăm, chỉ nói đúng một câu: “Con đã hứa không nói rồi”.

Đừng nghĩ chuyện “đầu gấu” chỉ xảy ra ở các khối lớp lớn. Học sinh bậc tiểu học, nhất là những em đầu cấp rất hay gặp tình trạng này. Đa số các em đều nhút nhát, thấy bạn trừng mắt, giơ nắm đấm là sợ hết hồn. Ngoài ra, tâm lý bầy đàn khiến các em không có gan phản ứng khi tất cả các bạn khác đều ngoan ngoãn “cống nạp”.

Các “đầu gấu” ở trường tỏ ra rất chuyên nghiệp. Để ngăn chặn nạn nhân của mình báo với người lớn, chúng dùng cách hù dọa: “Nếu méc cô hoặc bố mẹ, cậu sẽ ăn đòn”. Vậy là, các cô, cậu nhóc thà bị bố mẹ mắng hoặc nhịn ăn sáng chứ nhất quyết không chỉ điểm “kẻ địch ở trường”.

Thỉnh thoảng, bố mẹ hoảng hồn khi phát hiện vết thâm trên mặt, trên người của con nhưng lại bỏ qua do chúng luôn tự nhận lỗi về phần mình. Hôm chúng lấy lý do té cầu thang, hôm bị va cửa lớp… nói chung toàn những lý do khá thuyết phục. Do đó, chẳng mấy bậc phụ huynh nghĩ đến việc con bị bạn bè bắt nạt.

Trước đây từng có chuyện một học sinh tiểu học bị bạn bè trong khối bắt tụt quần và phải đi trước các bạn gái. Nhà trường gọi điện về thông báo cho gia đình: “Con anh chị hình như bị vấn đề tâm lý, cháu cởi quần đi giữa trường”. Rõ ràng, ngay nhà trường cũng không biết học sinh của mình đang bị bắt nạt. Chỉ tội các nạn nhân nhỏ tuổi, cậu bé trong câu chuyện trên phải nghỉ học cả tháng vì hoảng loạn. Chỉ khi gia đình chuyển hồ sơ sang trường khác, bé mới chịu đi học lại.

Bé sợ cô hơn bố mẹ

Chuyện giữa học sinh với nhau dù sao vẫn không đáng sợ bằng những chuyện xảy ra giữa giáo viên và học trò. Đã không ít lần báo chí đã đưa tin, thậm chí báo động về những chuyện khó tin ở trường cũng như tình trạng xuống cấp về nghiệp vụ sư phạm của lực lượng giáo viên. Có nhiều lý do góp phần dẫn đến thực trạng này.

Đầu tiên là tình trạng quá tải khiến các giáo viên luôn trong trạng thái mệt mỏi, dễ cáu gắt. Điều đó có thể hiểu được khi một cô phải quản lý vài chục học sinh nên lúc nào cũng luôn tay luôn chân.

Kế đến, việc thiếu giáo viên khiến nhiều trường phải đồng ý nhận cả những giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm và tình yêu trẻ. Nhiều cô giáo dạy học trò bằng lời dọa nạt, roi vọt. Họ không biết hoặc không nhận thức được tác hại của phương pháp phản khoa học của mình.

Trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ, bà mẹ có nickname Megaubong kể: Hôm qua Gấu Bông đi học về khoe: “Hôm nay con được cô khen, mẹ ạ!”. Nghe vậy, chị rất vui và hỏi con: “Thế cô khen thế nào?”.

Gấu Bông ngây thơ trả lời: "Cô bảo thằng này viết chữ đẹp, mấy thằng mất dậy kia viết như gà bới! Thế không khen con là gì?”. Dù cô giáo không nói trước mặt Gấu Bông (cậu bé vô tình nghe cô giáo nói chuyện với một giáo viên khác) nhưng cũng khiến mẹ Gấu Bông sửng sốt.

Chị bức xúc: Nói thật, Gấu Bông nhà mình chẳng hiểu hết câu nói của cô giáo và chắc chắn cháu chẳng thể tự sáng tác ra những câu kiểu vậy. Không hiểu sao mấy cô có thể nói ra được những lời như thế? Có thể cô nghĩ học sinh không nghe được nhưng đã là người lớn, lại là giáo viên, sao có thể nói như vậy?.

Chị Lê Thanh, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, có con học lớp một cũng tham gia bằng vài câu “miễn bình luận” của cô giáo dùng để dọa bé Nấm, con chị. Trong đó điển hình nhất phải kể đến câu: “Đứa nào không ăn, cô sẽ chặt tay chặt chân sau đó cho vào máy xay sinh tố”.

Một bà mẹ khác, chị Kim Liên, kể, có hôm đến đón con đúng vào giờ ăn trưa, chị thấy cô giáo lăm le cây thước đi qua đi lại, học sinh ngồi im thin thít cắm đầu ăn. Hỏi tại sao cầm thước, cô giáo cười: “Lấy roi ra dọa, bọn nhỏ ăn nhanh lắm chị ạ!”.

Chị Liên chưa kịp góp ý, chợt một học sinh bị nôn, nước mắt nước mũi tèm lem. Cô giáo bước nhanh về phía học sinh đó, lấy bát cơm của bé ra hứng phía dưới rồi đặt trở lại trước mặt em, nạt lớn: “Ăn hết đi, lần nào ăn cũng ói, càng ói cô càng bắt ăn!”.

Chị Liên tâm sự, không nhìn thấy tận mắt chắc chẳng bao giờ chị tưởng tượng ra cảnh đó. Chị cũng bảo nếu đó là con mình, chắc chị xỉu ngay tại chỗ. Một tuần sau, chị quyết định chuyển trường cho con dù biết việc đó rất khó khăn và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tâm lý của con.

Chị Lê Thanh kể: “Có hôm về thấy một bên má của con thâm tím, căn vặn mãi Nấm mới vừa khóc vừa trả lời: “Con với bạn Lan Anh nói chuyện trong lúc ngủ trưa nên cô Xuân tát con và bạn ấy. Tát xong cô còn nói: Không được mách mẹ nghe chưa! Mách mẹ là cô nhốt mẹ vào hầm cá sấu luôn!”.

Nói xong, Nấm cứ nắm lấy tay mẹ lay lay: “Mẹ đừng cho cô biết nha. Nếu cô nhốt mẹ vô hầm cá sấu, ai sẽ nuôi con, hu hu hu…”. Chị Thanh phải hứa đi hứa lại mấy lần, bé Nấm mới yên tâm đi ngủ.

Phụ huynh: Một sự nhịn, chín sự lành

Có thể nói đó là nỗi lo của đa số phụ huynh khi cho con đi học. Nhiều phụ huynh khi nghe chuyện đã đến phản ánh với giáo viên và nhà trường. Thế nhưng, họ không biết làm gì hơn khi nghe giải thích: “Làm gì có chuyện đó, chắc cháu tự nghĩ ra thôi!” hoặc: “Bọn em sẽ rút kinh nghiệm. Anh/chị cũng đừng lo lắng quá, có thể chỉ là do lũ trẻ nghịch ngợm thôi!”.

Bên cạnh đó, có những phụ huynh chọn cách ngậm bồ hòn làm ngọt vì: “Làm rùm beng lên, cô ghét con mình thì chết”.

Một số phụ huynh tỏ thái độ không bằng lòng với nhà trường bằng cách chuyển trường cho con. Thế nhưng, biện pháp này cũng có những giới hạn. Việc tìm trường không dễ dàng gì, chưa kể, trường mới có chắc tốt hơn trường cũ? Ngoài ra, mỗi lần chuyển trường là một lần trẻ đối mặt với áp lực về môi trường học tập cũng như tâm lý.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Trương Thị Oanh Oanh chia sẻ, khi gặp phải những tình huống như trên, ngoài vết thương thể chất, trẻ còn phải chịu mối nguy hiểm lớn hơn: áp lực về tinh thần, tâm lý. Nó khiến nhiều học sinh co rúm người khi đến giờ đi học, bởi vì trường học đã trở thành một nơi đáng sợ với trẻ.

Đặc biệt, ở lứa tuổi tiểu học, hệ thần kinh của trẻ còn trẻ non nớt. Do đó, nếu gặp chuyện không hay, trẻ sẽ giữ mãi cảm giác sợ hãi. Về lâu dài, điều này tác động đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của các em. Trẻ trở nên xa lánh bạn bè, không dám tiếp xúc với thầy cô, nhút nhát, luôn sợ hãi, kết quả học tập ảnh hưởng nặng nề.

Không hiếm trường hợp trẻ phải trải qua những đợt điều trị tâm lý dài hạn chỉ vì ám ảnh chuyện đến lớp hoặc sợ hãi thầy cô.

Tuy nhiên, có trường hợp trẻ nói quá, thậm chí tưởng tượng ra những chuyện kinh khủng để không phải đi học. Do đó, phụ huynh cần phải tìm hiểu thật kỹ trước khi đến nói chuyện với giáo viên hoặc ban giám hiệu nhà trường.

Làm gì để giúp con?

Trẻ nhỏ vốn hiếu động, một vết xước nhỏ hay u đầu, mẻ trán là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu biết được chính xác đó là hậu quả của việc trẻ bị đối xử thô bạo ở trường, lớp, bố mẹ không nên chọn giải pháp im lặng. Không chỉ gián tiếp “cổ vũ” cho tình trạng đó, việc không lên tiếng bảo vệ con sẽ khiến bé đánh mất niềm tin vào bố mẹ.

Nếu phản ánh của bạn với ban giám hiệu nhà trường không được xử lý thỏa đáng, bạn có thể nhờ sự can thiệp của hội phụ huynh học sinh. Bạn đừng phản ứng gay gắt theo kiểu trách ngược con sao không nói với bố mẹ, vì như vậy sẽ làm cho trẻ mất niềm tin vào bản thân, thấy mình vô dụng. Thay vào đó, bạn nên hướng dẫn trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ của người lớn, thầy cô.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.