Con thích "trái lời"

Mỗi lần thấy mẹ quát: "Đừng động vào dao, đứt tay đấy" là bé Sam (23 tháng tuổi) quay lại nhìn mẹ cười rồi gắng sức thò tay lên con dao trên mặt bàn. Đây không phải lần đầu tiên, bé nghe rõ lời cảnh bảo của mẹ nhưng lại làm theo cách ngược lại.

Đang cầm cốc sữa bị nghiêng, bé Sam nghe tiếng mẹ nhắc: “Con cầm cốc thẳng lên, đổ hết sữa bây giờ” là y như rằng, bé cầm cốc sữa dốc ngược vào trong, ướt hết quần áo. Nhâm (mẹ bé Sam) chạy đến giằng cốc sữa thì con quyết không buông tay. Cứ thế, mẹ thì bực bội, con thì ngoác miệng khóc.

Nhâm chia sẻ: “Bảo cháu đừng véo má em thì cháu phải véo một cái thật mạnh mới thôi. Nhắc con đội mũ len nếu không bị ốm thì chỉ một loáng sau, quay lại đã thấy con tháo bỏ mũ”. Nhâm dành nhiều thời gian để phân tích cho con, nói việc này phải làm thế này mới đúng, mới ngoan, thế mẹ mới yêu thì bé Sam chỉ cười, có lúc, còn gật đầu ra vẻ rất hiểu ý. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau thì mọi chuyện vẫn y nguyên.

Bé Tina (2 tuổi rưỡi) cũng khiến cha mẹ đau đầu vì thích làm ngược. Nếu Diệp (mẹ bé Tina) nói: “Con dọn đồ chơi, đứng dậy ăn cơm nào” thì bé cứ ngồi chơi như bình thường. Nhưng khi cô yêu cầu: “Thế con cứ ngồi chơi đó nhé. Mẹ đi ăn cơm” thì bé đứng dậy rất nhanh.

Diệp kể: “Đưa cho con quả bóng bay, nhắc con đừng đập kẻo nó vỡ thì con lấy đồ chơi đập luôn. Cho cháu chơi điện thoại, bảo phải cất trên bàn cho ngay ngắt thì cháu vứt lăn lóc trên sàn. Cầm thỏi son của mẹ, nhắc không được bỏ vào chậu nước thì con bỏ tọt vào đó luôn”.

Hồi trước, bé Tina rất thích thò ngón tay vào cánh quạt đang chạy. Diệp dọa: “Con thò vào đó, sẽ bị đứt tay đấy” thì bé nhìn mẹ, ra vẻ sợ. Thế nhưng, mẹ vừa đi khỏi là con tiếp tục lại gần quạt để chơi trò thò tay. Một lần, thấy tiếng con khóc thét, Diệp hớt hải chạy vào. Thì ra, bé cho ngón tay vào cánh quạt nhưng may mắn, quạt chạy ở số nhỏ nên bé chỉ bị đau một chút, không nguy hiểm gì. Sau lần ấy, mỗi lần ở gần chiếc quạt là bé Tina giơ ngón tay lên, lắc đầu: “Đau, đau đấy”. Diệp biết, cứ để con trải nghiệm thì con mới rút ra được bài học nhưng không phải chuyện gì cũng an toàn để con thử.

Giải thích nhưng vẫn phải giữ cho bé an toàn

Khoảng 2 tuổi trở lên, bé bắt đầu tỏ rõ sự ương bướng. Biểu hiện đặc trưng của các bé là không thích nghe lời cha mẹ, hay làm ngược lại với ý muốn của người lớn… Ngoài ra, bé còn thích tò mò khám phá đồ vật này, đồ chơi nọ, bằng đôi tay là chủ yếu. Cho dù người lớn có cấm đoán, nhắc nhở, phân tích thì bé vẫn làm theo ý mình. Đó là dấu hiệu đặc trưng cho giai đoạn phát triển độc lập ở bé.

Chính vì muốn tự tìm hiểu mọi thứ nên giai đoạn này, bé rất hay gặp phải những tai nạn đáng tiếc như ngã, bị bỏng, đứt tay… Ngay cả khi cha mẹ đã giải thích với con nhiều lần nhưng đến ngày hôm sau, bé sẽ lặp lại hành vi cũ. Chính điều này là nguyên nhân những cơn nóng nảy của mẹ. Nhiều người còn quát mắng, đánh đòn vì con hư, không nghe lời, thích chống đối…

Để dạy con hiệu quả, cần tìm hiểu tâm sinh lý của bé theo từng giai đoạn phát triển. Tốt nhất, phụ huynh cần tham gia với con, thay vì chỉ cảnh báo suông. Chẳng hạn, với một đồ chơi mới, có thể dạy bé cách vận hành thế nào là đúng, thế nào là sai… Tất nhiên, không phải một đôi lời của người lớn là bé sẽ ghi nhớ và làm theo. Điều quan trọng là luôn tạo không gian an toàn cho con, đi kèm với giải thích và nhắc nhở. Nên giải thích ngắn gọn nhưng phải lặp đi lặp lại vì bé chưa nhớ được nhiều.

Tránh dọa nạt, cấm đoán thái quá vì cái đó chỉ kích thích trí tò mò của bé. Thử coi việc bé cầm cái tăm là điều bình thường và xin lại: “Cho mẹ xin tăm để mẹ xỉa răng nào” rồi để bé thấy, tăm là để xỉa răng, chứ không phải chọc vào mũi hay vào tai. Bé có thể nhìn vào hành động của cha mẹ và bắt chước theo.

Cũng có thể dùng cách “nói ngược” để đối phó với con. Nếu nhắc mà con chưa chịu về thì mẹ nhẹ nhàng bảo: “Thế con ở đây chơi nhé, mẹ về đây” thì thể nào bé cũng nhanh nhẹn chạy theo mẹ.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.