"Cục cưng" cứng đầu

Cu Tý (gần 3 tuổi) rất nghịch, thích làm trái ý mẹ. Bé đòi ăn sữa chua nhưng khi mẹ mang sữa chua tới, bé lắc đầu rồi dùng hai tay bịt mặt, dù mẹ thuyết phục thế nào.

Ánh (mẹ cu Tý) cho biết, bé rất cứng đầu, hay tỏ vẻ tỉnh bơ trước yêu cầu của cha mẹ. Đang chơi, mẹ gọi đứng dậy ăn cơm, bé nhất định không làm theo. Lúc ở quầy đồ chơi trong nhà sách, bé hết cầm cái ôtô nhựa lại lắc con gấu đồ chơi. Có lúc, bé hiếu động, ném mạnh mấy quả cầu bằng thủy tinh, có cái vỡ, Ánh phải đền tiền cho con.

“Khuyên nhủ, giải thích nhưng chẳng có kết quả. Cứ tét cho con vài cái vào mông, mới biết nghe lời” – Ánh chia sẻ. Ánh kể, cũng biết đánh con là không nên nhưng thực tế, rất khó để con ngoan, nếu không bị đánh vào mông. Ánh đang băn khoăn nghĩ cách phạt bé hiệu quả mà không phải đánh con nữa.

Cùng cảnh với con của Ánh, bé Nhím (hơn 3 tuổi) nhà Hồng là con gái nhưng rất nghịch và bướng. Cứ thấy chỗ nào có nước là bé xấn tới, thò tay, thò chân khua loạn xạ. Từ chậu nước lá ngâm chân của bà nội đến vòi phun nước trong công viên, bé đều nhúng tay vào. Bé còn thích tự mở vòi nước trong nhà tắm nghịch, ướt hết quần áo. Không muốn ăn cơm là bé Nhím chống đối bằng cách ưỡn người, đập đầu xuống sàn nhà. Mẹ kéo tay trái của con thì tay phải của bé nắm chặt lấy chân ghế.

Hồng cho biết: “Đã làm đủ cách, nhẹ nhàng thuyết phục, giận không thèm nói chuyện với con, phạt không cho con xem hoạt hình, thậm chí, cả đánh đòn nhưng không ăn thua. Ngày hôm sau, bé quên ngay”.

Linh hoạt khi trách phạt con

Theo các chuyên gia tâm lý, biểu hiện cứng đầu ở bé cũng là sự phát triển bình thường. Tuy nhiên, một số bé rất bướng bỉnh, dù mẹ có nhắc đến 10 hay 100 lần, con cũng không nghe lời. Lúc đó, cha mẹ dễ trở nên bất lực trong cách dạy con.

Khoảng 2-4 tuổi, bé bắt đầu bước vào đời sống tự lập, có xu hướng phản kháng lại những yêu cầu của cha mẹ. Các bé muốn tách khỏi cha mẹ, thích được tự làm điều này, chơi thứ khác. Vì thế, các bé dễ bướng bỉnh, quăng ném đồ, ăn vạ khi không được vừa ý. Nguyên nhân khác là do độ tuổi này, bé thích vận động, chạy nhảy nhưng các kỹ năng chưa thuần thục nên dễ làm đổ vỡ thứ này, thứ kia. Chính điều đó làm cha mẹ nổi nóng với con.

Có rất nhiều cách phạt khi bé có lỗi nhưng phụ huynh cần linh hoạt và hiểu tính cách của con. Có bé, chỉ cần thấy mẹ nghiêm mặt, quát lớn là đã sợ. Có bé tỏ ra ngoan ngoãn khi cha mẹ giải thích lý do không được làm việc đó. Có bé biết ăn năn khi mẹ làm mặt dỗi, không thèm chơi với con. Tuy nhiên, có bé rất cứng đầu, cha mẹ phải dùng đến đòn roi. Thậm chí, một số bé bị đánh đòn liên tục mà vẫn phạm phải lỗi cũ.

Để phạt con hiệu quả, cha mẹ cần biết rõ mục đích của việc trách phạt. Nếu bé làm vỡ cốc (do sơ ý), cần nhắc nhở để lần sau con biết giữ cốc an toàn. Nếu bé thích đòi hỏi, cần giải thích lý do vì sao con bị từ chối. Nếu bé có hành vi bạo lực như đánh vào mặt bạn chơi, cần tìm hình phạt ở mức cao hơn. Cha mẹ cần tránh dạy con trong lúc nóng giận vì khi ấy, bé có thể bị phạt đòn oan.

Nhiều phụ huynh thừa nhận, chuyện đánh đòn con là không nên nhưng vẫn áp dụng. Nguyên nhân là vì đã nhắc nhở nhiều lần nhưng con vẫn không sửa. Không ít bé mắc cùng một lỗi liên tục trong thời gian dài, không có dấu hiệu tiến bộ. Cũng có bé gan lỳ, cha mẹ giải thích hay quát mắng thế nào cũng không nghe. Việc “tét” vào mông con có thể được chấp nhận trong những hoàn cảnh đặc biệt và cha mẹ không nên lạm dụng nó.

Dạy con là cả một quá trình, vì thế, cha mẹ không nên vội nản lòng hay đầu hàng. Lần thứ nhất, có thể giải thích cho con việc đánh bạn chơi là không nên. Lần thứ hai, con mắc lỗi, không ít cha mẹ buông xuôi vì: “Nói rồi mà nó vẫn thế”. Nên nhớ, các bé có xu hướng hành động theo bản năng do nhận thức còn hạn chế. Ngay cả khi bé mắc lỗi đó hơn 10 lần, cha mẹ vẫn cần kiên trì nhắc nhở, tìm cách phạt con. Sau này, khi nhận thức của bé đầy đủ hơn, hành vi của bé sẽ tốt dần lên.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.