Đau đầu vì con đến tuổi... "ương"

Có hai con đã bước vào cấp 1, cấp 2, đáng lẽ phải "tung tẩy" vì bắt đầu được rảnh rang chút ít, nhưng chị Thủy (Chung cư 71 Nguyễn Chí Thanh, HN) lại nhìn những đứa con nhỏ của nhà khác mà... thèm.

"Trẻ con lứa tuổi mẫu giáo là đáng yêu nhất đấy, chứ con mình bắt đầu bước vào tuổi ương rồi, ghét lắm!", chị Thủy bảo.

Trẻ dưới 6 tuổi, dù có đến lớp mẫu giáo đi nữa, vẫn chịu sự ảnh hưởng của cha mẹ là chủ yếu. Cha mẹ nói đúng nhất, cha mẹ cái gì cũng làm được, cha mẹ là thần tượng là "thượng đế" trong cái thế giới nhỏ xíu của tuổi thơ. Nhưng khi bắt đầu đi học, cùng với những kiến thức dần tiếp thu được là vô số những câu hỏi "tại sao", là những lần "cãi và dỗi", là việc thần tượng hóa thầy cô giáo, là sự ảnh hưởng ngày càng lớn của bạn bè... Chả thế mà có một nhà văn, trong một tác phẩm tả văn của cô, đã nói vui rằng khi con bắt đầu vào lớp 1 là ta đã dần... mất con rồi!?

Điệp khúc "không" và "kệ"

Với tốc độ phát triển chóng mặt của lối sống đô thị và công nghệ thông tin, trẻ con bây giờ "dậy thì" sớm hơn trẻ con của mấy chục năm trước. Trong đó, do đặc thù về giới, các bé gái lại sớm có những biểu hiện của lứa tuổi "dở dở ương ương" hơn so với các bé trai chỉ mải nghịch, cả ngày lăn lê đất cát với đám bạn, hoặc cùng lắm là "mê chơi điện tử", thì các cô bé ở tuổi này đã biết làm điệu, đã bắt đầu có những mơ mộng giới tính và dùng sự chống đối như là một cách khẳng định "Con đã lớn!".

Bé Giang, con gái lớn của chị Thủy, vừa bước vào tuổi lên 10. Nếu nhận xét một cách chung chung theo những chuẩn mực xã hội, thì Giang là một cô bé ngoan. Giang chăm học và ý thức để điểm số của mình luôn nằm trong top 10 của lớp. Cô bé cũng biết làm một số việc nhà, và thường ngày cũng hay tranh rửa bát, lau nhà để giúp bà ngoại. Tuy nhiên, nếu là bà ngoại sai bảo thì không sao, nhưng cứ là bố hay là mẹ mà nhờ Giang giúp việc gì, là y như rằng... Không.

Giang ơi, nhân thể con xuống bếp uống nước thì cầm giúp mẹ cái đĩa lên đây nhé. Không, con không uống nước nữa! Giang ơi, con tắt TV đi. Không, mẹ xem chứ con có xem đâu! Giang ơi, con không đi tắm à? Không, con vẫn sạch đấy chứ!... "Mình vốn là người tốt nhịn, chẳng mấy khi to tiếng với ai, thế mà tối nào hai mẹ con cũng cãi nhau ầm cả nhà", chị Thủy kể. "Mình quát nó xong, thấy bực mình, nhưng nó thì cứ nhơn nhơn như chẳng có chuyện gì, thế mới tức!".

Cùng công ty với chị Thủy còn có chị Hồng (Quán Thánh, Hà Nội). Vốn là bạn cùng học đại học, ra trường đi làm cùng nhau, hai bà mẹ lại cùng có con gái đầu 10 tuổi, nên phải nói là đã thân lại càng thân hơn. Mỗi khi nghe chị Thủy than phiền, chị Hồng lại phụ họa: "Trời ơi, sao con chị... giống con em thế!".

Bé Hà, con chị Hồng, cũng có một cách rất riêng để khẳng định "cái tôi" của mình với cha mẹ. Câu cửa miệng của bé Hà là "Kệ". Ai nói gì, Hà cũng bảo "Kệ", chẳng thèm quan tâm. Trời ơi, sao hôm nay con lại được có 6 điểm Toán thế hả Hà? Kệ! Này Hà, bố nhắc bao nhiêu lần là học xong con phải dọn bàn học cho gọn vào cơ mà? Kệ! "Cho đến một hôm mình bảo con gái phải làm bài tập về nhà sớm, để tối xuống mừng thọ bà nội. Nó chẳng thèm nghĩ đến 1 giây, đáp gọn lỏn: Kệ! Mình mới... điên tiết lên, cầm chổi đánh cho nó một trận. Từ đấy về sau, nó mới giảm bớt mật độ những câu "kệ" ấy đi đấy!", chị Hồng ấm ức kể.

Nắng mưa bất chợt

Khi con còn nhỏ, người mẹ thường lo lắng vất vả vì con ốm con đau, rồi lo chuyện con ăn uống, lên cân hay còi cọc... Khi con lớn hơn một chút, lại đến nỗi lo kèm con học, dạy bảo nết ăn nết ở, canh cho con khỏi sa đà vào những tệ nạn nguy hiểm. Nhất là trong nhà có con gái cũng đã (hơi hơi) lớn, nào là dạy cho con ăn nói biết thưa gửi "không có ra đường người ta cười cho", nào là dạy con biết vun vén dăm ba việc nội trợ "kẻo rời mẹ ra thì không nấu nổi bát mỳ mà ăn", nào là dạy con biết tự bảo vệ bản thân - "ngoài đường kẻ xấu đầy ra đấy con ạ"... Trăm nỗi lo như thế, ấy vậy mà con còn không biết lòng mẹ, lại cứ bé không ra bé, lớn chẳng ra lớn, không bực mình sao nổi.

Nghe chị Diễm Hoa (ngõ Hàng Hương, Lý Nam Đế, Hà Nội) kể chuyện về con mình mà người viết bài này không biết là chị đang bực hay đang... buồn cười. Số là chị cũng có một cô con gái, năm nay hơn 9 tuổi rồi, và đã từ 2 năm trước chị Hoa phải nhượng bộ con trong chuyện chọn quần áo đi học. Mặc áo gì, đi giày nào, buộc tóc gì, cô bé sẽ tự quyết định, bởi vì "mặc như mẹ bảo trông buồn cười lắm".

Ngay cả việc đi mua quần áo, chị Hoa cũng phải dẫn cô bé đi cùng, để tránh trường hợp áo mua về rồi mà con gái kiên quyết không chịu xỏ tay. "Con gái mình thông minh, nhưng không tập trung, nên học lực không phải là xuất sắc lắm. Buổi tối ở nhà, bố mẹ phải hy sinh không xem TV, lại phải thò đầu vào phòng giục luôn miệng, thì mới hy vọng nó làm xong bài tập về nhà", chị Hoa than phiền. "Có hôm, con bé tắm xong, cứ để đầu tóc ướt lướt thướt và rối bù như thế mà ngồi vào ban học. Bố quát, mẹ thì dỗ, nó vẫn không chịu chải đầu lau tóc gì cả. Đành mặc kệ. Tưởng nó ngồi học, nào ngờ một lúc sau bố nháy mẹ, hai người khe khẽ thò đầu vào phòng con. Trên bàn, sách vở vẫn mở, nhưng cô con gái rượu thì đang đứng tạo dáng trước gương, vẫn mái tóc ướt rối bù. Và xoay trái, xoay phải, ngắm nghía mình trong gương, cô bé vừa lầm bẩm: Ồ, sao mình xinh thế nhỉ?!! Bố mẹ vừa muốn cười lại vừa muốn mếu...".

Trong khi đó, anh Vũ (Tập thể Giảng Võ, HN) lại không vui về chuyện cô con gái anh "con nhà tông" một cách quá mức. Anh Vũ là một nhà báo rất yêu nghề, nhưng như anh tự nhận thì không bao giờ anh mang công việc ra bàn luận trong bữa cơm chiều. Bận đến mấy thì cũng chờ vợ con đi ngủ mới mang tài liệu ghi chép và băng ghi âm sang phòng khác làm việc. Thế mà, cô con gái anh chẳng biết có phải do có gene trội của bố, được cả khu phố phong cho danh hiệu "chuyên gia sưu tầm chuyện vụ án".

Trong lúc các cô bạn cùng lớp đã biết thích diện quần áo đẹp, thích đi xe đạp màu hồng hay sưu tập ảnh thần tượng thì với con anh Vũ, dù đã học lớp 6, mối quan tâm đầu tiên của cô bé vẫn là... những mẩu chuyện pháp luật. "Bố ơi, con nghe nói ở vườn hoa cạnh hồ Giảng Võ mới có vụ cướp dây chuyền hả bố? Thế thì bố con mình có ra đấy chạy bộ nữa không? Bao giờ thì người ta bắt được kẻ cướp hả bố? Nếu con có thể chỉ ra kẻ tình nghi thì con nên báo với đài truyền hình hay báo với công an phường?..." Anh Vũ kết luận: chỉ mong cho giai đoạn dở dở ương ương này của con gái chóng qua, để nó bước hẳn vào tuổi teen, chứ cứ như thế này thì bố mẹ lắm phen... hết hồn.

Học kiên nhẫn vì con

Giáo dục con cái ở tuổi dậy thì là một thử thách đối với cha mẹ. Ngoài việc chủ động đối phó với những thay đổi từ chính bản thân đứa trẻ, cha mẹ cần phải biết lắng nghe và quan sát xung quanh xem trẻ sẽ gặp những rắc rối gì để có cách can thiệp và giúp đỡ. Thạc sĩ Phạm Minh Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nuôi dạy một đứa trẻ ở tuổi "tiền dậy thì" cũng giống như bố mẹ đang tham gia học một lớp yoga vậy.

Khi cảm thấy tức giận vì những hành vi của trẻ, cần thở đều để nén cơn giận xuống, tốt nhất là tỏ vẻ thờ ơ để trẻ không thấy những chống đối của mình là điều gì hay ho. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần "căng" hết mọi giác quan để có thể cảm nhận được những hành vi của trẻ là bắt nguồn từ tính khí thất thường của tuổi mới lớn, hay là do những lo âu bực dọc mà việc học hành hoặc cuộc sống gia đình gây nên. Nếu có thể, hãy thường xuyên gợi ý để trẻ mời bạn bè đến nhà chơi. Một khi trẻ cảm thấy mẹ và bạn của mình có thể thoải mái với nhau, thì trẻ cũng có thể dễ dàng đi đến việc coi mẹ như một người bạn.

Theo Lưu Hà



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.