Dạy bé tự tin

Bạn có muốn bé của mình bước vào cuộc hành trình chiếm lĩnh thế giới bằng nụ cười luôn nở trên môi? Vậy hãy luyện cho bé sự tự tin. Nhờ sự tự tin bé sẽ biết cách làm quen với mọi người, biết kết bạn và dễ dàng thích nghi với tập thể mới.

Bé biết rất rõ bé muốn gì, nhưng chưa hiểu hết ý muốn và hành động của người khác. Bé thích “khám phá thế giới mới” tuy chưa lường được những thách thức sắp đến với mình. Nghĩa là bé đang “chập chững” bước vào đời, dưới sự đùm bọc, nâng đỡ, yêu thương của cha mẹ. Đó là hình ảnh một em bé nhỏ hai tuổi đầy tự tin. Làm thế nào để dạy bé được như thế nhỉ? Dưới đây là một vài lời khuyên của chúng tôi.

Hãy yêu thương bé hết lòng

Sự tự tin luôn gắn chặt với tình yêu thương. Nếu bạn thể hiện tình yêu với bé, thì chính bằng cách đó bạn đã nói với bé rằng, bé là một người rất quan trọng và xứng đáng được yêu. Như thế bé học cách yêu chính mình, tiếp nhận và đối xử tốt với bản thân và những người xung quanh, biết chấp nhận cả tính tốt và tính xấu của mình. Cũng chính nhờ điều đó bé cảm nhận được sự an toàn.

Chính cảm nhận này cho phép bé không sợ khi hành động (ví dụ, bước những bước đi đầu tiên trong đời, học đi xe đạp…). Tình yêu dành cho bé có thể và cần được thể hiện bằng những cách khác nhau. Chỉ nói rằng bạn yêu bé rất nhiều thì quá ít, cần có những cử chỉ âu yếm, ôm ấp bé dịu dàng, chơi cùng bé. Hãy làm cho bé cười và cho bé làm bạn cười. Hãy kể cho bé những câu chuyện vui. Bạn và bé sẽ gần nhau hơn. Không nên để em bé đang khóc thiếu sự chú ý, hãy tới giúp bé trong những tình huống khó khăn của bé.

Hãy luôn là chỗ dựa của bé

Một em bé mà lúc nào cũng có thể trông cậy vào người lớn, cảm thấy tự tin hơn và an toàn hơn. Em bé như thế dễ dàng tiếp xúc với cái mới, vì bé biết trong trường hợp không may bạn sẽ luôn giúp bé: bạn chỉ cho bé cách ghép một tòa lâu đài từ những miếng xếp hình, giúp bé giải quyết những vướng mắc với những bé cùng tuổi tại sân chơi tập thể. Bạn cũng nên nhớ, bé tìm sự ủng hộ tốt không chỉ trong những lời nói tốt, mà còn trong một không khí gia đình chan hòa và ấm cúng.

Hãy cho bé được thử nghiệm

Quan tâm tới sự an toàn của bé là tốt và cần thiết nhưng bạn đừng nhầm với sự bảo hộ quá mức. Bạn cần để cho bé tự có được những kinh nghiệm sống riêng: tự rót nước vào ly, tự xây tháp bằng những viên gỗ, tự xúc cơm ăn, tự đi xe đạp… Tất nhiên, những thử nghiệm đầu tiên không phải bao giờ cũng thành công ngay, nhưng không ai sinh ra là biết tự ăn ngay, biết tự mặc quần áo, hoặc tự biết leo cầu thang. Tất cả những cái đó đều cần phải có thời gian học hỏi và thành thục.

Hãy lắng nghe bé

Bé của bạn muốn nói điều gì đó? Hãy chú ý lắng nghe bé thật kỹ (thậm chí nếu một số từ bạn không hiểu), và trả lời tất cả các câu hỏi của bé. Chính nhờ vậy bé tự tin rằng, đối với bạn, bé là người quan trọng nhất trên đời.

Hãy luôn giải thích rõ ràng cho bé

Thế giới xung quanh thật phức tạp với bé. Ví dụ, làm sao bé biết giựt đồ chơi của những đứa trẻ khác là việc không hay, không nên làm? Bạn cần giải thích cho bé: "Con không được làm như vậy: Con lấy búp bê của bạn Nhím và bạn ấy đang khóc. Phải trả lại cho bạn ấy”. Bé càng lớn những lời giải thích của bạn càng phải cụ thể hơn. Theo thời gian bạn phải giải thích cho bé biết hành động nào là tốt, hành động nào là xấu.

Hãy đặt ra những nguyên tắc cụ thể

Những lời giải thích của bạn không mang lại kết quả? Thế thì bạn nên đặt những ranh giới rõ ràng, những nguyên tắc không vi phạm. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa chỉ có bạn mới có quyền quyết định. Ví dụ: bé gái của bạn có thể tự chọn váy mình muốn mặc khi đi chơi, nhưng không được từ chối không đội mũ nếu ngoài trời là một ngày nắng gắt hoặc đông lạnh. Khi bé biết rõ quy định rõ ràng, điều đó giúp bé lớn lên tự tin, vì bé hiểu cái gì không thể được, cái gì phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính bé.

Hãy thưởng cho bé

Bé tự mặc áo được, tự biết chia sẻ bánh cùng bạn, tự cất đồ chơi – hãy khen ngợi bé. Bằng những lời nói ấm áp và sự quan tâm chú ý tới những thành tựu của bé, bạn sẽ được nhiều hơn so với những lời to tiếng và mắng mỏ. Phản ứng tốt của người mẹ thuyết phục để bé hiểu được, cần phải học, cần phải tìm bạn, không sợ những việc mới hay phức tạp.

Hãy là tấm gương tốt

Bạn hãy thử xem lại cách cư xử của chính mình trong những tình huống không quen thuộc. Có thể chính bạn cũng tránh chúng, sợ phải giải quyết, hoặc sợ trông buồn cười trước mặt người khác? Nếu chính bạn không có sự tự tin, bạn sẽ khó mà dạy cho bé xông xáo và tự tin vào chính mình. Hãy tự rèn mình! Và hãy nhớ chính môi trường tiếp xúc xung quanh ảnh hưởng tới sự cởi mở của bé. Vì vậy, bạn nên dạy bé cách giao tiếp với các bạn cùng tuổi.

Hãy chiến thắng sự nhút nhát của bé

Một đứa trẻ nhút nhát khó có thể vượt qua ranh giới của sự không mạnh dạn. Bé cần có thời gian để tin chắc rằng những người xung quanh tốt bụng với bé. Để giúp bé chiến thắng sự nhút nhát hãy chơi với bé.

1. Chơi ở sân chơi: Đưa bé tới những nơi nhiều trẻ em cùng lứa tuổi chơi thường xuyên. Nghĩ ra những trò chơi chung cho tất cả các trẻ. Bé của bạn sẽ dễ dàng tham gia hơn nếu người chủ trì là mẹ của mình. Hãy đề nghị các em chơi trò tàu hỏa. Lúc đầu, đầu tàu là bạn, sau đó theo thứ tự tất cả các em bé cùng chơi. Vừa chơi vừa hát. Cái chính là tất cả cùng vui.

2. Đóng kịch: Ở nhà hãy chơi trò nhà hát múa rối với bé. Cho bé đóng vai con gấu dũng cảm, cứu bạn của mình là chú thỏ nhút nhát gặp nạn. Trước khi chơi, bạn phải kể cho bé nội dung của câu chuyện trước.

3. Cùng đua trên thảm: Trò chơi này em bé nào cũng thích. Bạn cùng bé nằm trên thảm nhỏ và cùng thi ai hất được ai ra khỏi thảm trước. Phải để cho bé thắng và hãy khen bé!

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.