Dạy con hay hại con?

Trong một buổi họp mặt bạn bè cũ, Lan đi cùng chồng và hai con, một bé gái 15 tuổi và bé trai 12 tuổi.

Hai cháu thật xinh và đáng yêu, ai gặp cũng thích. Lan cũng rất tự hào về các con, chỉ cần nghe bạn bè hỏi thăm, là cô có thể kể một thôi, một hồi về sự tài giỏi của con. Trong đó, ấn tượng nhất là điều mà cô cho là "hay lắm, mới tí xíu mà đã không chịu thua ai, lại còn biết tự lo cho mình".

Qua lời kể của Lan, mọi người đều bật ngửa vì điều Lan tự hào "không chịu thua ai" hóa ra là cách tranh đua, giành giật từng món đồ chơi từ khi hai cháu bé xíu, đến bây giờ thì chuyển thành biết ăn diện, đua đòi với bạn bè.

Lúc cậu nhỏ còn bé, mỗi khi muốn cho con uống hết sữa, Lan hay đùa như các bà mẹ khác: "Uống mau lên con, kẻo bạn hết trước bây giờ" là lập tức cu cậu tu liền một hơi hết sạch. Từ sự hoan nghênh, khuyến khích của mẹ: "Giỏi quá, mới tí xíu mà đã không chịu thua bạn bè, phải vậy chứ, đừng để ai qua mặt nha con". Dần dần, cậu bé trở thành "hung thần" đối với các bạn. Chơi cùng bạn bè, cậu không bao giờ chịu thua, nếu lỡ thua là sẽ khóc lóc, ăn vạ. Lớn lên một tí thì đánh lại bạn bè, cho đến khi nào bạn chịu thua mình.

Cô chị thì có phần "dịu dàng" hơn, không rượt đánh bạn bè để giành phần thắng trong các trò chơi, nhưng cuộc chạy đua để thành người có quần áo đẹp nhất, nơ đẹp nhất... của cô bé cũng không kém phần "kịch tính". Trong ngày, cô bé được bạn bè khen có cái váy đẹp, giày đẹp thì thôi, nhưng nếu có bạn nào "tranh mất" lời khen đó, thì y như rằng, về nhà cô sẽ mè nheo với ba mẹ để hôm sau xuất hiện ở lớp như một cô công chúa.

Lớn hơn một tí, hễ bạn bè có cái gì mới, hay, là hai con của chị liền đòi ba mẹ trang bị những thứ xịn và đẹp hơn. Quen chiều chuộng con từ bé nên nhiều lúc không đồng ý với những đòi hỏi quá đáng của con, nhưng vợ chồng Lan lại không thể từ chối, vì sợ "tụi nó buồn, khóc rồi bỏ ăn, tội nghiệp". Nói là thế, nhưng phần khác còn là do tính cách của anh chị lúc nào cũng muốn mình phải là người nổi trội hơn người.

Còn niềm tự hào của chị về các con tuy nhỏ đã biết "tự lo cho mình" chính là việc những lúc ở nhà, đi chơi hay tới những đám tiệc, "tụi nó biết tự giành chỗ tốt và lựa những món ăn ngon cho mình, không đợi ba mẹ phải nhắc".

Lúc còn bé, các cháu cũng rất ngoan, muốn ăn uống gì cũng xin phép và đợi ba mẹ gắp cho. Nhưng không hiểu sao, vợ chồng Lan lại dạy các cháu: "Con muốn ăn gì thì cứ lấy, không cần phải đợi ba mẹ. Món nào ngon, cứ ăn kẻo hết". Anh chị đã quen nhường món ngon cho con nên để hai cháu tự tiện giành hết món ăn mình thích. Không hiểu anh chị không để ý hay cố tình không biết đến việc khi ra ngoài xã hội, các con mình lại tiếp tục cư xử như thế? Hay lại vô tư nghĩ "đó là tốt, vì con mình biết tự lo cho bản thân". Vô tình, anh chị đã tạo thói quen xấu, hình thành sự vô phép khi các cháu không biết "ăn trông nồi, ngồi trông hướng".

Đến buổi tiệc hôm nay, các cháu là nhỏ nhất, xung quanh đều là cô chú, có cả thầy cô của ba mẹ mình, nhưng người lớn chưa kịp cầm đũa, thì hai cô cậu đã giành hết những thức ăn ngon. Mọi người vừa muốn trêu ghẹo, vừa muốn nhắc nhở nên đùa: "Các cháu chưa từng ăn những món này hay sao mà lấy nhiều vậy, phải biết mời người lớn chứ". Ai nấy lắc đầu khi nghe hai cô cậu trả lời: "Ba mẹ nói, nếu thấy món nào ngon thì cứ lấy cho nhiều, kẻo mọi người sẽ ăn hết, không thích thì bỏ chứ để hết rồi thì tiếc. Phải biết tự lo cho mình trước".

Nghe con nói, vợ chồng Lan chỉ còn biết đỏ mặt sượng sùng. Không hiểu họ có rút ra được điều gì về cách dạy con sau buổi tối này không.

Theo Bích Thuận



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.