Đối phó với ...mọc răng

Từ tháng thứ tư đến thứ bảy nếu bé cưng nhà bạn bỗng dưng hay quấy, sốt nhẹ và lười ăn thì rất có khả năng là bé bắt đầu mọc răng rồi. Mẹ bé hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để giúp con vượt qua thời kỳ phiền toái này.

Những chiếc răng sữa thường mọc từng đôi và diễn ra trong khoảng 1-2 tháng (ở bé trai thường lâu hơn so với bé gái). Đầu tiên, vào tháng 6-8, từ lợi dưới nứt ra hai chiếc răng cửa dưới, sang tháng thứ 8-10, hai răng cửa trên mới nhú lên.

Đến tháng 10-11, kề hai răng cửa dưới sẽ mọc thêm hai chiếc răng cửa nữa. Một tháng sau đến lượt hai cậu "lính mới" xuất hiện cạnh hai răng cửa trên. Sau đó là một quãng nghỉ kéo dài chừng vài tháng trước khi nhú lên hai răng hàm dưới, rồi hai răng hàm trên. Đến khi được hai tuổi thì bé đã có đầy đủ một đội hình với 20 chàng răng sữa rất oai phong!

Chặn dòng dãi dớt

Có những bé răng sữa "nảy mầm" khá chầy chật, mất gần một tuần. Nhưng có bé thì ngược lại: rất chóng vánh và chẳng phiền toái gì, ban đêm bé chỉ trằn trọc, í ới một tẹo, rồi sáng ra bố mẹ đã phát hiện thấy hai "vị khách mới" thấp thoáng trong miệng bé rồi.

Nhưng dù mau hay lâu thì trước khi mọc những chiếc răng đầu tiên, tuyến nước bọt của bé cũng hoạt động mạnh hơn để chuẩn bị cho việc hấp thu loại thức ăn cứng hơn. Dù đã biết nuốt đồ ăn nghiền rồi nhưng bé vẫn chẳng biết đối phó thế nào với nước dãi cứ tứa ra ầm ầm nên đành để chúng nhễu xuống cằm, xuống cổ. Và đây chính là thứ khiến làn da nhạy cảm của bé cực kỳ khó chịu. Để giúp bé, mẹ hãy đeo cho bé một chiếc yếm bằng sợi cotton và thi thoảng lấy khăn giấy mềm thấm bớt dãi cho bé. Cũng nên làm dịu vùng da quanh miệng cho bé bằng kem Johnson hoặc các loại dầu dừa, dầu hạnh nhân.

Còn khi ngủ, hãy đặt dưới gối bé một chiếc khăn mặt bông. Nếu bé nằm ngửa, nước dãi có thể sẽ chảy ngược vào cổ họng, khiến bé sặc và ho. Tốt nhất là xoay nghiêng đầu bé để bé ngủ yên giấc.

Làm lạnh cho nướu

Trong vòng 12 ngày trước khi chiếc răng nhú lên, bé thường quấy hơn và trằn trọc trước khi ngủ. Nếu ngó vào miệng bé, bạn sẽ hiểu ngay nguyên do - vùng nướu nơi răng bé sắp nhú ra sưng tấy lên! Tuy sưng nướu không có gì đáng ngại nhưng nó khiến bé khó chịu và đâm ra biếng ăn. Lúc này các món hoa quả nghiền (táo, lê, đào...) hay sữa chua để lạnh sẽ giúp bé ngon miệng hơn so với các món thông thường.

Có bài "thuốc giảm đau" khá hiệu quả sau: lấy miếng gạc dài chừng một gang tay, tẩm trà hoa bạch cúc, vắt ráo đi rồi đặt vào tủ lạnh. Khi bé khó chịu, bạn cầm lấy một đầu gạc, đầu kia để cho bé nhá một lúc, bé sẽ thấy dễ chịu ngay.

Coi chừng bị ...gặm

Bé sẽ gặm bất cứ thứ gì để "gãi" cho chỗ nướu đang ngứa ngáy. Đối tượng mà bé "tấn công" có thể là những ngón tay, cái ti giả, cái ly, chiếc thìa và đôi khi là... đôi bầu ti mẹ. Nếu có bị "tấn công", xin mẹ đứng đét đít bé mà tội nghiệp. Bé chỉ biết là bé đang ngứa thôi chứ có biết là đang làm cho mẹ đau đâu. Mẹ hãy bình tĩnh để ngón tay trỏ lên cằm bé là bé phải nhả ra liền à.

Để thỏa cơn thèm gặm của bé, mẹ hãy mua vài món đồ chơi bằng nhựa hay cao su (được kiểm định an toàn) để bé tha hồ gặm. Việc dùng cục đường hay đầu chiếc muỗm "gãi" nướu cho trẻ như các bà mẹ xưa vẫn làm thì chớ áp dụng vì chúng có thể sẽ gây viêm nướu và làm tổn hại đến những chiếc răng non nớt. Cũng cần cảnh giác với các loại bánh kẹo, vỏ bánh mì, hạt nhỏ, chúng có thể chui tọt vào họng bé và làm tắc đường thở.

Có một cách trấn an bé đang ngứa nướu khá hữu hiệu: Nhúng đầu ti giả vào mật ong trước khi cho bé ngậm. Vì ngọt của mật sẽ làm cảm giác khó chịu ở nướu giảm đáng kể. Thời điểm bé bắt đầu mọc răng cũng là lúc sữa của "bò mẹ" giảm đi đáng kể. Bởi vậy nếu mẹ không để ý cho bé ăn thêm cho dù no thì hãy liều liệu mà mua ... "áo giáp" để đề phòng những chiếc răng nhé.

Có cần dùng thuốc?

Khi những chiếc răng đầu tiên nhú lên, bé nóng sốt là chuyện thường tình. Nhưng nếu nhiệt độ lên trên 38,30 C và bé bỏ ăn hơn hai bữa liên tục thì cần gọi bác sĩ. Có thể là bé bị nhiễm trùng và cần dùng paracetamol để hạ sốt, đôi khi bé còn được kê một liều thuốc giảm đau nữa. Nói chung dùng bất cứ loại thuốc nào bạn cũng cần hỏi bác sĩ.

Nếu răng bé mọc một cách tùy hứng - với quãng nghỉ quá lâu và không thành từng đôi - bạn cũng nên đưa bé đi khám. Đây có thể là bằng chứng về bệnh còi xương (do thiếu vitamin D) hoặc có vấn đề khác về sức khỏe.

Còn việc răng sữa mọc thưa hay xiên xọe thì đừng có lăn tăn gì. Bé còn thay răng cơ mà và răng vĩnh viễn của bé sẽ không giống răng sữa đâu.

Khi nào sẽ đánh răng?

Theo Howard Reinstein, phát ngôn viên của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, bạn nên bắt đầu vệ sinh răng cho bé ngay từ khi những chiếc răng đầu tiên nhú lên. Ban đầu chưa cần dùng kem mà chỉ lấy một mẩu gạc thấm nước để lau sạch bựa bám trên răng và nướu cho bé ngày hai lần. Bạn cũng có thể mua loại bàn chải chuyên dụng có hình dạng như cái đê (để lồng vào ngón tay trỏ) và trên bề mặt có những hạt silicone nổi lên vừa giúp làm sạch răng vừa mát xa nhẹ nhàng cho vùng nướu của bé.

Khi răng bé đã mọc khá đầy đủ, bạn có thể sử dụng loại bàn chải nhỏ với 2-3 hàng lông rất mềm. Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa xem có nên dùng kem đánh răng không, và nếu có thì dùng loại nào (nếu bạn sống ở khu vực mà nước có clorua, bác sĩ có thể tư vấn không nên dùng loại kem có florua). Lưu ý: florua trong kem đánh răng có thể gây ngộ độc nếu bé nuốt vào với số lượng lớn. Bởi vậy hãy để kem đánh răng tránh xa tầm tay bé và mỗi lần chỉ cho bé sử dụng một lượng kem bẳng nửa hạt đậu. Thay bàn chải cho bé hai tháng một lần, thậm chí nên thay cả trong trường hợp bé bị cảm cúm hay nhiễm trùng.

Theo Kim Thu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.