"Đừng chở mùa hè của con đi đâu!"

Sáng sáng, tôi thường ra cái hồ nhỏ gần nhà tập thể dục, dạo bộ. Từ độ hè, ngoài đám hưu trí, quanh hồ có thêm một nhóm mấy cậu bé tuổi teen đua đến đánh cầu lông rồi ngồi tán ngẫu.

Một lần nghỉ chân gần đó tôi nghe một cậu bạn than thở - "Chán quá, chưa kịp biết mùi mùa hè là gì thì bố mẹ đã lên cho tớ một lịch học hè kín mít. Nghe nói sang năm có thêm môn lý khó nên mẹ tớ bắt phải đến nhà cô học trước. Bố thì dẫn tớ đến trung tâm vinh xuân quyền gì đó bảo học cho khỏe người. Thứ 2-4-6 học lý, 3-5-7 học võ, còn mỗi chủ nhật, lại bảo đi học tiếng Anh. Chán quá, tuần sau chẳng biết tớ có ra hồ được không nữa"

"Thôi Long ơi cậu vẫn còn sướng chán đấy. Tớ đây này, ngay ngày mai mẹ tớ bắt đi học thêm toán, văn. Tớ bảo từ từ cho con xả hơi, để đọc nốt cuốn Bá Tước của Quý cho mượn đã nhưng mẹ cứ khăng khăng bắt học ngay, sợ vào muộn cái cô giáo gì nổi tiếng lắm không nhận. Mà có phải mỗi toán, văn đâu. Cả lý, cả tiếng Anh, tiếng Nhật gì đó, mẹ tớ đều đang "tầm sư" cho tớ học hè. Chắc đầu tớ vỡ mất"

Thấy nỗi niềm "học kỳ III" của mấy cậu bé này y chang cảnh ngộ hai đứa cháu nội ở nhà (đứa thì đang luyện thi vào lớp một, đứa thì hè mà vẫn học đủ toán, văn, Anh, rồi thêm cả viôlông nữa), tôi tò mò lắng nghe.

"Tiếng Nhật thì cậu học làm gì?" - Cậu tên Long thắc mắc.

"Mẹ tớ bảo đó là ngôn ngữ quý hiếm, biết nó thì mới hơn được thiên hạ. Nhưng tớ chỉ muốn làm trẻ con bình thường chứ đâu muốn thành Anhxtanh mà mẹ tớ bắt tớ phải hơn thiên hạ chứ. Quý ơi, chắc phải trả cậu cuốn Bá Tước Môngtơ Cristoo, chứ thời gian đâu mà đọc nữa".

Cậu bé thứ ba tên Quý nãy giờ chưa thấy than vãn gì, xua tay: "Thôi Minh, cậu cứ giữ đấy, lúc nào trả cũng được. Cuốn đó hay lắm, nội dung ly kỳ mà lại bổ ích vì nó giúp mình hiểu thêm nhiều về đời sống của giới quý tộc xưa ở Pháp. Đọc nó tớ còn rút ra vô khối bài học sâu sắc về ứng nhân xử thế nữa. À tớ vừa nghiền xong cuốn Tuổi Thơ Dữ Dội của Phùng Quán, cũng mê ly luôn. Mấy cậu bé chỉ cỡ tuổi bọn mình mà đã tham gia Vệ Quốc Đoàn. Thông minh, dũng cảm ghê gớm, đọc mà phục sát đất. Từ hôm nay tớ bắt đầu chuyển sang ngâm cứu bộ Kính Vạn Hoa của Nguyễn Nhật Ánh. Thú vị cực kỳ, toàn là chuyện về tuổi teen bọn mình".

"Thôi cậu đừng nói nữa tớ thèm"! - Minh, cậu bé không muốn thành Anhxtanh thở dài thườn thượt. Chị tớ cũng mua cho Kính Vạn Hoa, nhưng tình hình này thì tớ chẳng mơ đụng vào.

Long quay sang hỏi Quý:

"Thế cậu không phải học hè à?"

"Tháng đầu tiên tớ được xả hơi thoải mái, đọc sách, đi chơi đây đó. Mẹ tớ thấy mọi người cho con học hè, cũng hơi sốt ruột, nhưng bố tớ phân tích là đọc sách, đi chơi cũng là học nên mẹ tớ lại thôi. Sang tháng bảy tớ mới phải đụng đến sách vở, nhưng bố tớ bảo chỉ ở nhà tự ôn kiến thức cũ thôi, không đi học trước, kẻo vào năm học lại chán vì toàn nghe những thứ biết rồi".

"Bố cậu nói hơi bị đúng đấy. Thế cậu đi chơi những đâu rồi, kể cho bọn tớ nghe với"! - Long vẻ háo hức.

"Tháng sau tớ mới xuyên Việt, vào tận Sài Gòn nhé. Nhưng mới tuần nghỉ hè đầu tiên tớ đã được du hí hai chuyến rồi đó. Chủ nhật vừa rồi nhà tớ đi Khoang Xanh. Đang nóng nực, lên đó tắm suối, thích lắm. Còn hồi đầu tháng, có chị họ tớ ở miền Nam ra chơi, bọn tớ đã được bố dẫn đi tham quan một vòng quanh Hà Nội. Đừng tưởng mình ở ngay thủ đô thì citytour chả có gì hấp dẫn nhé. Đi một buổi đã thấy Hà Nội có bao thứ thú vị mà lâu nay mình ít để ý.

Đầu tiên, bố tớ dẫn đến khu thành cổ. Xem những món đồ được khai quật ở đây mới thấy nghệ nhân Hà thành giỏi thật. À, ở đó còn có mấy căn phòng nằm sâu dưới đất là chỗ làm việc của tướng lĩnh ta thời đánh Mỹ nữa. Tớ đã chui vào căn phòng mà đại tướng Võ Nguyên Giáp từng sống, không khí thì bức bí, còn giường nằm thì cứng như đá vậy, đứng một lúc đã thấy khó chịu, vậy mà mọi người làm việc ngày đêm ở đó được thì tài thật"!

"Ôi nhất định tớ phải đến ngồi thử lên cái giường của Đại tướng xem sao. Mà cậu kể tiếp đi"..., - vẫn anh chàng Long láu táu giục giã.

Được bạn khích lệ Quý càng hào hứng:

"Điểm đến thứ hai là Bảo tàng Dân tộc học. Ở đó có đủ các kiểu nhà của các dân tộc nhé. Nhà Rông thì cao vút, nhà Dài thì dài dằng dặc vì mỗi khi con cái cưới vợ về thì họ lại dựng thêm một gian nối vào mà. Nhà của người Kinh thì có cái sân rộng để phơi lúa, có cối xay thóc, cối giã gạo, chuồng nhốt trâu bò. Bố tớ bảo nhà cụ nội tớ ngày xưa cũng như vậy. À, có dân tộc nào, tớ quên rồi, còn biết lợi dụng sức nước để làm cối giã gạo mới siêu chứ. Trong các ngôi nhà có đầy đủ các vật dụng khiến mình có thể hình dung ra cuộc sống hàng ngày của mỗi dân tộc, như là giáo mác, khung cửi, đồ sành sứ, nơm đó".

"Nơm đó là cái quái gì thế?" - Minh trố mắt.

"Là các vật dụng để bắt cá, ông ngố ạ! Mà thôi, tốt nhất là các cậu nên đến mà xem".

"Thì cậu cứ kể tiếp đi!" - Long nài.

"À ừ, sau đó tớ có ghé vào Bảo tàng Lịch sử nữa. Nhưng vì không còn thời gian nên mới tham quan được tầng một, nơi giới thiệu về các thời đại Vua Hùng. Chắc hôm nào tới phải đến đó lần nữa. À, tiện đường bố tớ chở hai chị em tớ băng qua sông Hồng để giới thiệu cho chị tớ về cầu Long Biên lịch sử. Nói chung đi chơi với bố tớ hơi bị thích, gặp gì bố tớ cũng giảng giải rất tỉ mỉ nên mình sẽ biết được rất nhiều thứ hay. Mà thôi, muộn rồi, về đã, mai tớ kể tiếp cho".

Khi ba cậu bé đứng dậy kéo nhau đi, tôi nhìn chúng và thấy rõ ba tâm trạng khác biệt: Minh vẻ rầu rầu, Long đầy thèm thuồng tiếc nuối, riêng Quý thật tự tin, phấn chấn. Trên chiếc loa phường vang lên bản nhạc "Em chở mùa hè của tôi đi đâu...". Còn tôi về ghi lại những dòng này với mong muốn nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh: Xin đừng biến mùa hè của chúng thành một thứ học kỳ III quái gở, hãy để các con được thưởng thức một mùa hè đúng nghĩa như cậu bé tên Quý. Bởi tôi biết thời nay, kiếm được một phụ huynh đủ tự tin mà "ngược dòng" như bố Quý thật hiếm lắm.

Các nhà nghiên cứu Australia tin rằng ánh sáng tự nhiên sáng hơn ánh đèn tới hàng trăm lần, sẽ kích thích sản xuất do-pamine, một chất có tác dụng ngăn chặn sự biến dạng của các nhân cầu (lồi ra), nguyên nhân dẫn tới tật cận thị. Bởi vậy chơi nhiều ngoài trời trẻ sẽ phòng được tật cận thị.

Ở các thành phố Đông Á, có khoảng 80-90% trẻ bị tật cận thị và theo các chuyên gia thì một trong những nguyên nhân phổ biến nhất chính là các bé có quá ít thời gian chơi đùa ngoài trời chứ không phải do đọc sách trong ánh sáng yếu. (Theo Dailymail)

Theo Nguyễn Đăng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.