Đừng đùa với... "Thủy thần"

Đừng tưởng chỉ có biển, hồ hay sông ngòi mới đe dọa con trẻ. Không ít bé ở độ tuổi mẫu giáo đã tử nạn ngay trong hồ bơi, các bé nhỏ hơn thậm chí đã chết trong bồn tắm nhà mình. Hãy nhớ, với trẻ nhỏ, nước là một trong những tử thần đáng sợ nhất.

Thực tế đau lòng

Trong lúc hai vợ chồng chị Lan đang mải dỡ đồ đạc trên xe xuống sau chuyến đi chơi xa, bé Thiên Kim 17 tháng tuổi lon ton chạy ra ngoài cổng, đến bên chiếc hồ nhỏ trước nhà. Khi không thấy bé đâu, hai vợ chồng chị và Linh, cô con gái lớn, tá hỏa chạy đi tìm. Phát hiện ra em mình đang chấp chới ngay ven hồ, Linh kêu ầm lên. Người cha lập tức nhảy xuống kéo con gái lên và hô hấp nhân tạo trong khi người mẹ gọi cấp cứu. Nhưng rốt cuộc họ đã không thể cứu được cô bé. Thiên Kim đã ở dưới nước quá lâu!

Với trẻ nhỏ, chết đuối diễn ra rất chóng vánh và lặng lẽ bởi các bé không tạo ra được tiếng động lớn khi quẫy đạp dưới nước cũng như không biết kêu cứu như bạn vẫn thấy trên... ti vi. Trong thực tế trẻ thường cắm đầu xuống trước và chìm nghỉm xuống đáy như một hòn đá vậy. Khi ở dưới nước trẻ sẽ bất tỉnh chỉ sau hai phút, và trong vòng 4-6 phút coi như vô phương cứu chữa.

Đáng nói là không ít bé đã chết đuối ngay khi có người lớn canh chừng. Ai cũng nghĩ rằng chuyện ấy sẽ không thể xảy ra bởi mình ngồi ngay ở đó. Nhưng họ quên rằng các bé nhanh như cắt và có thể té xuống nước trong tích tắc khi họ mải nghe điện thoại hay chỉ quay đi để tìm một chiếc khăn.

Ngay cả khi biết chắc con vừa ngã xuống nước, bạn cũng không dễ tìm thấy bé ngay. Hồi 13 tháng tuổi, bé Kem con chị Xuân đã xuýt chết ngay trong bể bơi nhà mình. "Khi đó Kem mặc một bộ đồi bơi màu xanh nhạt và bể chỉ sâu 1,2m thôi mà tôi không thể nào trông thấy bé", chị Xuân kể. May sao, ba Kem lúc đó đang ở dưới nước và anh đã kịp thời tìm thấy con để kéo lên. Hôm sau, chị Xuân lập tức đi mua cho Kem một bộ đồ bơi màu sắc thật rực rỡ.

Làm sao tránh hiểm họa?

Để con mình không trở thành nạn nhân của hiểm họa đến từ...nước, bạn hãy tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản sau:

Luôn dõi mắt theo con dù con ở dưới nước hay bên mép nước. Nếu cần đi đâu dù trong chốc lát, hãy đem con theo. Đừng nhờ người khác trông giùm nếu bạn không biết chắc họ có khả năng "dán mắt" vào bé như bạn không.

Chỉ đưa con đến những bãi biển hay hồ bơi có nhân viên cứu hộ và chỉ cho con bơi trong phạm vi an toàn đã quy định. Nếu thấy những dòng xoáy đáng ngờ hay sóng lớn thì chớ có cho con xuống nước.

Đừng có trăm sự nhờ... các chú cứu hộ, bởi đâu phải lúc nào họ cũng chỉ chú trọng vào mỗi cục cưng nhà bạn. Cũng chớ có đặt niềm tin vào những chiếc phao, nhất là loại phao bơm hơi có thể xì hay van hỏng bất ngờ. Hãy chuẩn bị cho con một chiếc phao xịn mỗi khi xuống nước hay ở trên tàu bè, nhưng cuối cùng, chiếc phao an toàn nhất cho bé vẫn là sự giám sát không mệt mỏi của chính bạn.

Thương con thì "rào giậu" bể bơi...

Bể bơi gia đình ngày càng trở nên phổ biến nên "thủy thần" càng có điều kiện để áp sát con trẻ hơn. Khi nhà có bể bơi bạn cần:

Luôn biết rõ bọn trẻ đang ở đâu. Có khi bạn mải buôn điện thoại thì bé đang vùng vẫy tuyệt vọng trong hồ. Nếu không thấy con đâu, nơi đầu tiên bạn cần chạy đến kiểm tra chính là hồ bơi. Khó mà dõi theo bé 24/24 giờ mỗi ngày, nhưng nếu nhà bạn có bể bơi thì bạn buộc phải như thế.

Dựng hàng rào bảo vệ. Theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ thì chính hàng rào bảo vệ bể bơi đã giúp giảm đến 50% các vụ trẻ chết đuối ở Mỹ. Hãy lưu ý là hàng rào này phải cao từ 1,2 - 1,5m, còn khoảng không giữa tường rào với mặt đất phải hẹp hơn 10cm.

Đặt nhiều "chướng ngại vật". Đó là các loại khóa, chuông báo động cho mọi cánh cửa có thể dẫn đến bể bơi; là thiết bị "phát hiện tàu ngầm" để nó réo ầm ĩ lên mỗi khi nước trong bể bơi bị khuấy động; là nắp cứng an toàn đậy trên mặt bể khi không sử dụng.

Không để đồ chơi quanh bể. Vì bé con có thể chạy theo một trái bạn hay hăm hở đạp một chiếc xe ba bánh và lăn tòm xuống bể.

Sẵn sàng cấp cứu. Hãy để một điện thoại cạnh bể bơi để khi cần là gọi ngay 115. Nhưng trước tiên, bạn cần học cách hô hấp nhân tạo để thực hiện thao tác này ngay khi kéo bé lên khỏi mặt nước trong khi chờ xe cấp cứu.

Coi chừng đường xả. Ít ai ngờ trẻ có thể chết trong hồ bơi chỉ vì bị cuốn xuống và mắc kẹt vào nơi ống xả. Tóc hoặc quần áo bơi của bé cũng có thể bị vướng vào nơi này. Ở Mỹ, tính từ năm 1985 đến nay đã có 130 trẻ từng là nạn nhân của đường xả và 34 trẻ trong số đó đã tử vong. Năm 2002, khi bé Graeme 7 tuổi ở Virginia "sập bẫy" bởi đường xả ở một hồ bơi công cộng, dù mẹ bé đã nhìn thấy và lao vào kéo bé ra, nhưng chị đành bó tay vì lực hút quá mạnh.

Nghe tiếng chị kêu cứu, hai người đàn ông lao đến thì mới kéo được Graeme ra. Tuy nhiên tất cả đã quá muộn. Sau cái chết của con gái, người mẹ này đã đứng lên làm cuộc vận động dùng ống xả an toàn cho bể bơi.

Hãy giúp con tránh thảm họa này bằng cách đảm bảo rằng hồ bơi mà con dang sử dụng có đường xả được đậy nắp an toàn. Nhưng tốt hơn cả là bạn phải giám sát chặt chẽ để nhắc nhở con không đến gần vị trí ống xả. Ngoài ra nên cho con mặc một bộ đồ bơi đơn giản, không có dây dợ loằng ngoằng, tóc con cần được buộc lên cho thật gọn, hoặc cho con đội mũ bơi.

Cẩn thận với bể phao. Loại bể bơi mi ni này thực ra rất không an toàn bởi không có hàng rào bảo vệ. Bể phao cũng không có nắp đậy nên nếu vô ý không tháo nước ra sau khi sử dụng hay để ngoài trời, bể tích đầy nước mưa thì rất nguy hiểm cho trẻ. Với bé 3-4 tuổi thì ngay cả khi múc nước trong chiếc bể này chỉ ngang đầu gối bé thôi bạn cũng phải trông chừng. Bình thường bé có thể đứng dậy và trèo khỏi bể, nhưng nếu lỡ ngã và uống đầy mồm nước thì bé sẽ hoảng hồn, không biết xoay sở ra sao và có thể chết đuối trong gang tấc.

Nhất định phải học bơi

Hẳn nhiên là bạn phải cho con học bơi rồi. Nhưng không cần thiết cho bé học bơi khi chưa được 5 tuổi. Vì dưới 5 tuổi dù bé có "nổi" được trên nước thì nguy cơ chết đuối cũng không hề giảm, thậm chí còn tăng lên vì ba mẹ chủ quan. Hãy chờ đến lúc bé đủ cao để có thể leo lên leo xuống bể, đủ khôn để làm theo chỉ dẫn của huấn luyện viên, thì hãy cho con tham gia một lớp học bơi bài bản. Sau đó, hàng năm nên cho con đi ôn luyện những gì đã học cũng như học thêm những kỹ năng mới.

Xin nhắc lại, dù bé biết bơi, bạn cũng không được mất cảnh giác. Lúc hốt hoảng, bé có thể quên béng mọi kỹ năng đã học. Cái chết dưới nước chỉ có thể ngăn chặn nếu bạn luôn ở vị trí sao cho con có thể với tay là đụng đến con.

Theo Trung tâm Kiềm chế và Phòng bệnh Hoa Kỳ, mỗi năm nước này có 800 trẻ bị chết đuối. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tai nạn với trẻ độ tuổi từ 1-3, và là nguyên nhân thứ hai với trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, chỉ có 34% bố mẹ biết rằng nước là một trong những kẻ giết người hàng đầu với trẻ nhỏ. (Theo Parents.com)

Bệnh viện Nhi Đồng 1, cảnh báo: 75% trẻ em chậm nói không rõ nguyên nhân mắc bệnh nhưng có hoàn cảnh giống nhau như cha mẹ ít trò chuyện cùng con, trẻ thường xem TV một mình. Phần lớn trẻ là con của các cặp vợ chồng đam mê công việc. (Theo Đất Việt)

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.