Gia đình lục đục vì họ hàng ở nhờ

Với các gia đình có mức chi tiêu không được dư dả, mỗi khi có công việc lên thành phố, ở nhờ nhà họ hàng, dù họ xa hay gần cũng là một phương án thường được lựa chọn.

Với các gia đình có mức chi tiêu không được dư dả, mỗi khi có công việc lên thành phố, ở nhờ nhà họ hàng, dù họ xa hay gần cũng là một phương án thường được lựa chọn. Tiết kiệm được chi phí thuê trọ, họ còn được gia chủ hỗ trợ đắc lực về mặt thông tin ở thành phố.

Tuy nhiên, nếu không chú ý về cách ăn ở, sinh hoạt, việc ở nhờ có thể gây xáo trộn gia đình gia chủ, thậm chí khiến cho gia đình họ lục đục.

Những chuyện nhỏ mà không nhỏ

Vốn gia đình có hai vợ chồng và hai đứa con trai đều đang tuổi đi học, gia đình chị Hà (Trung Văn-Hà Nội) còn cho một cô em họ đang là sinh viên ở cùng. Căn nhà thuê cấp 4 có hai phòng ngủ, 4 người nhà chị ngủ một phòng, phòng còn lại nhỏ hơn dành cho cô em họ.

Không gian vốn đã chật, nhưng họ hàng ở quê nhà chị rất hay lên Hà Nội để chơi, khám bệnh hoặc cho con em ra ở nhờ để đi thi.

Gần đây, có cậu em rể ở Hải Dương lên Hà Nội đi làm. Do thời gian đầu chưa có điều kiện thuê nhà, nên xin ở tạm nhà chị, đến khi có tiền thì ra phòng ở trọ. Vì cô em họ đã ở một phòng riêng nên gia đình chị đành để em rể ngủ chung phòng. Chiếc giường 1,6m cả nhà chị 4 người nằm, còn em rể trải chiếu nằm dưới đất.

Việc thêm người ở chung vốn đã bất tiện, nhưng mọi việc cũng chẳng nên chuyện nếu người em rể của chị là người biết điều và giữ ý. "Gia đình tôi có trẻ con, tối nào cũng phải dạy cho hai đứa học mà cứ sau 8 giờ, ăn cơm xong là em rể ôm cái điện thoại chơi game rồi lăn ra ngủ. Nhiều lúc ngáy to, rất khó chịu và làm cho các cháu khó tập trung học bài." – chị Hà bức xúc.

Vợ chồng sống với nhau cũng cần có không gian riêng. Nhiều khi muốn nói với nhau mấy câu tình cảm hay âu yếm một chút, mà có em rể ở đó nên cũng chẳng dám. Vợ chồng chị hiếm có nổi phút riêng tư. Một vài ngày thì không sao, nhưng em rể ở cả tháng. Thế nên, nhiều khi chồng chị cũng khó chịu, bứt rứt trong người, có chuyện gì không hài lòng chút là mắng vợ, quát con.


Ảnh minh họa

Cũng có người bà con ở quê lên cho con nhỏ đi khám bệnh, Chị Linh (Định Công - Hà Nội) lại có tình huống khó chịu khác.

"Kể từ hôm người họ hàng lên, mọi thứ sinh hoạt gia đình mình cứ đảo lộn cả lên. Cả nhà có mỗi cái toilet, sáng nào anh ta cũng chiếm dụng hơn 30 phút đồng hồ. Đã vậy, anh ta không chịu dậy sớm, làm cho nhiều lúc hai vợ chồng mình cứ cuống cuồng để còn kịp đi làm." – chị Linh chia sẻ.

"Hôm trước, anh ta nhờ mẹ chồng mình trông giúp con cả buổi chiều để đi có việc, bà phải trông một lúc hai đứa nhỏ. Do chưa quen chăm trẻ con lạ nên con bé quấy khóc, rồi nhiều lúc hai đứa bé chí chóe tranh đồ chơi, cấu véo nhau, bà không kịp trở tay nên cứ quát tháo. Tâm trạng mẹ chồng mình cứ cáu kỉnh, ức chế rồi lẩm bẩm và cáu lây sang cả hai vợ chồng mình."

Nhà chị Tuệ (Pháo Đài Láng – Hà Nội) thì lại khác. Có người anh họ bên chồng ra xin ở nhờ để tìm việc làm. "Ở nhà tôi hơn hai tuần, chi phí sinh hoạt ăn uống, gia đình tôi chi trả cả. Tôi cũng không đòi hỏi gì, vì giúp được người thì giúp. Nhưng đến quà quê, hay cái bánh cái kẹo, hai đứa con tôi cũng chả bao giờ thấy chú cho", chị Tuệ nói.

"Rồi thói quen sinh hoạt khác nhau, nhà tôi thì ngủ muộn, nên sáng cũng dậy muộn hơn. Anh ta thì sáng nào cũng thức dậy từ sớm, mà lại không nhẹ nhàng gì, khua láo cả nhà. Không nói được anh họ, tôi than phiền với chồng. Chồng tôi đi làm cả ngày vất vả, thấy vợ nói nhiều, rồi lại bảo tôi nhỏ nhen, ích kỷ. Hai vợ chồng lại thành to tiếng với nhau.”

Ý thức đừng coi nhẹ

Việc người nhà ở xa, có công việc đến ở nhờ là trường hợp không hiếm, nhất là đối với các gia đình tỉnh lẻ ra lập nghiệp ở thành phố. Việc này thể hiện sự hỗ trợ, cưu mang, tình thân và cũng là nét văn hóa đáng quý của con người.

Tuy nhiên, không nên vì thế mà coi chuyện được giúp đỡ là việc đương nhiên. Ông bà ta đã dạy “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, làm việc gì cũng nên nhìn trước ngó sau, xem thái độ của người khác mà hành xử cho phù hợp.

Hãy đề nghị giúp đỡ gia chủ, kể cả khi họ không yêu cầu. Hãy đóng góp chi phí sinh hoạt, như thể hiện sự chia sẻ tài chính với họ. Hãy tỏ rõ sự biết ơn của bạn, bởi nhiều khi thái độ cảm kích của bạn còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Hãy chú ý cung cách sinh hoạt của họ để điều chỉnh lại bản thân.


Chủ động giúp đỡ cả khi gia chủ không yêu cầu.

Không nên tùy tiện trong thói quen sinh hoạt như khi đang ở nhà của mình. Có những việc tưởng như rất nhỏ, nhưng lại khiến người khác không hài lòng.

Sống trong môi trường thay đổi, mỗi người cần đổi thay, ý thức được bản thân mình và quan trọng là phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hành xử cho đúng mực.

Thu Trang/Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.