Giải mã cử chỉ của bé dưới 1 tuổi

Bên cạnh tiếng khóc, bé còn biết giao tiếp với mẹ qua nhiều âm thanh, cử chỉ khác nhau. Trong năm đầu đời, các bé tạo ra rất nhiều tiếng ồn để bày tỏ niềm vui thích hoặc sự buồn bực.

Cùng tìm hiểu 6 hành động của bé dưới đây:

1. Kêu ré lên

Mục đích gây ôn ào ở cường độ âm thanh cao là muốn hướng sự chú ý của mẹ. Kêu ré lên cũng là dấu hiệu khi bé phấn khích (như chơi trò “ú òa”) nhưng nó cũng biểu hiện sự lo lắng như lúc bạn cắt móng tay cho bé. Nếu bé kêu thét không ngừng, có thể bé đang gặp rắc rối.

Để ứng phó, bạn không cần kêu lên như bé. Hãy phản ứng bằng ngôn từ cụ thể như: “Con thích quả bóng này à?” hoặc “Hai mẹ con cùng chơi ú òa nhé”. Bé chưa hiểu những gì bạn nói nhưng bé có khả năng đoán biết tâm trạng mẹ thông qua giọng nói và nét mặt của mẹ. Nếu được mẹ giao tiếp bằng lời, bé sẽ có cơ hội tăng khả năng ngôn ngữ. Bạn hãy dùng từ vựng để diễn tả thứ mà bé muốn thể hiện, bạn sẽ hiểu được cảm xúc của bé, còn bé sẽ thu thập được nhiều từ vựng từ mẹ.

2. Bé ọ ẹ khó chịu

Bạn có thể nghe thấy những âm thanh “ẹ ẹ” phát ra từ sâu trong yết hầu khi bé đi tiêu nhưng nó cũng là cách bé giải tỏa căng thẳng hoặc biểu hiện sự buồn bã. Gần một tuổi, nếu bé liên tục “ọ, ẹ” thì có thể bé đang muốn một thứ gì đó nhưng chưa thể diễn đạt bằng lời. Nếu chú ý đến trạng thái cảm xúc của bé thường xuyên, bạn có thể hiểu được điều bé muốn.

3. "Ư ư’", giống tiếng gầm gừ

Âm thanh “ư ư” phát ra từ cổ họng không phổ biến, cho đến khi bé được khoảng 6 tháng tuổi. Lúc này, âm thanh “ư ư” thường đi kèm với “grừ, grừ”, giống như một cách luyện tập cho cơ vùng cổ họng. Khi lớn hơn, cử chỉ “ư ư” là biểu lộ sự không hài lòng như khi bé không thích phải thơm vào má ai đó, theo yêu cầu từ cha mẹ.

4. Cười một mình

Khoảng 4 tháng tuổi, bạn sẽ phát hiện thấy có lúc bé cười một mình hoặc cười vui khi trò chuyện với mẹ. Cười thầm hoặc cười thích thú là phản ứng tự nhiên của cơ thể, nhất là khi bạn thổi vào bụng bé hoặc chuyển động đôi chân bé theo kiểu đi xe đạp.

Khi lớn hơn, kiểu cười một mình biểu hiện sự lém lỉnh; chẳng hạn, bé mỉm cười, quay đi khi bé lén bốc đồ ăn trong bát của mẹ - phát triển khiếu hài hước khi bé biết hành động đó sẽ khiến mẹ ngạc nhiên. Khuyến khích óc khôi hài cho bé thật dễ: hãy vờ như bạn đang làm điều buồn cười.

5. Thở dài

Khoảng vài tuần tuổi, bé đã có dấu hiệu thở dài tự nhiên – phản ứng hài lòng với những gì bạn mang lại cho bé. Ngoài ra, thở dài còn giúp bé thư giãn và bày tỏ tâm trạng bằng lòng.

6. Bập bẹ

Khoảng 4-6 tháng tuổi, bé bắt đầu bập bẹ những âm thanh nghe như phụ âm hoặc nguyên âm, phổ biến là “p”, “b” và “m”. Bạn cũng có thể nghe được những âm thanh như “ pu pu” hoặc “bu bu” trước tiên. Nếu bé càng thực hành nhiều, bạn càng nghe được các âm thanh đa dạng và “sản phẩm” của nó có thể là một cụm âm thanh như: “tata bebe baba” . Nó cũng là tín hiệu báo trước cho ngôn ngữ của bé sau này là “bà” hoặc “ma ma” (mẹ).

Để bé sớm biết nói, ngay khi bé bị lỗi, bạn hãy bập bẹ lại với bé. Cố gắng thử nghiệm những âm thanh khác nhau để bé dễ bắt chước hoặc tạo nên một “bài hát bập bẹ”.

Theo Ngọc Huê



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.