Gian nan khi dạy con chào hỏi

Bé Bin (2 tuổi, Hà Nội) nhất định không chịu khoanh tay lại "ạ" ông bà ngoại như lời mẹ dạy. Oanh (mẹ bé Bin) càng ra sức quát mắng, bé càng khóc to hơn. Thấy vậy, bà ngoại ra bế bé, dỗ dành một lúc. Khi về, bà ngoại chỉ nhắc: "Con ạ bà nào" là thấy bé đưa tay lên vẫy vẫy, mồm "ạ" rất to.

“Bé rất ngoan nhưng ít thích khoanh tay khi chào. Ép bé làm lại, bé tỏ ra không thích. Có lúc, bé phản ứng bằng cách khóc, có lúc bé lảng ra chỗ khác” – Oanh tâm sự.

Con gái nhà Phương (Từ Liêm, Hà Nội) đã nói rất sõi. Hôm trước, nhà có người bác ruột ở quê lên chơi. Cô nhắc con gái đang chơi búp-bê dưới sàn nhà “chào bà” nhưng bé không chịu. Động viên mãi nhưng con chỉ nhìn bà, nhìn mẹ rồi cười chứ không chào. “Có lúc, bé chào nhanh lắm nhưng cũng có khi nhắc mỏi miệng mà con chỉ im thôi. Chẳng biết làm thế nào với con nữa” – Phương cho biết.

Thục (Đà Nẵng) cả đêm mất ngủ vì nghĩ cách dạy con gái 5 tuổi. Lúc bé lớn được 3 tuổi, Thục sinh thêm bé thứ hai. Khoảng thời gian ấy, do bận bịu chăm sóc bé thứ hai nên chuyện dạy dỗ bé lớn, cô giao cả vào tay ông bà nội. “Ông bà nội rất chiều nên cháu có nói hỗn, ông bà cũng bỏ qua. Gặp người lớn, mẹ nhắc, bé cũng không chào. Có lúc nào hứng lên thì chào, không thì thôi” – Thục chia sẻ.

Một lần, Thục bảo con chào bác hàng xóm nhưng bé cương quyết không làm theo yêu cầu. Sẵn tính nóng trong người, cô đánh con rất đau. Càng đánh, bé càng la hét.

Cuối cùng, chọn lúc bé đang xem phim hoạt hình, Thục nhẹ nhàng hỏi lý do bé không chào bác hàng xóm thì bé bảo: “Tại bác ấy hay mắng con”. Hóa ra, do bé hay ăn bim bim rồi vứt vỏ ra cửa nên bị bác hàng xóm nhắc nhở. Sau khi được mẹ phân tích, bé có vẻ nghe lời mẹ nhưng nhất định vẫn không chịu chào bác.

Chị Như (Đống Đa, Hà Nội) cũng hết cách với bé trai 8 tuổi. Chị cho biết: “Hồi 3-4 tuổi, bé ngoan lắm, gặp ai cũng khoanh tay chào. Từ ngày vợ chồng mải việc, cháu ở nhà với ông nội, cháu hư đi mà bố mẹ không kịp thời uốn nắn. Bây giờ, có quát con đến khản cổ, bé cũng không chào ai. Bé còn thích đá chị giúp việc, đấm vào lưng ông và nói bậy”.

Cũng thử đánh bé nhưng không có kết quả, bây giờ, chị Như đang tính xin giảm bớt việc ở công ty để dạy lại con từ đầu.

Kiên trì và linh hoạt khi dạy bé học chào

Chào hỏi là một trong những điều cha mẹ cần dạy bé ngay từ khi còn nhỏ; nhưng cha mẹ cũng nên linh hoạt trong cách dạy con. Nhiều bậc phụ huynh nhất định ép con phải khoanh tay, đứng thẳng người khi chào hỏi người lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, kiểu dạy chào gò bó như thế khiến bé không thoải mái, thậm chí nhiều bé còn thích chống lại. Càng lớn, bé càng ghét kiểu phải khoanh tay chào hỏi người lớn.

Thay vì bắt bé khoanh tay, cha mẹ nên dạy bé nhìn thẳng vào người đối diện, đứng thẳng người và chào theo đúng thứ bậc “cô, bác, ông, bà…”. Như thế cũng là một cách chào lịch sự, thể hiện sự tôn trọng dành cho người lớn.

Tình huống chào hỏi khác nhau, bản tính mỗi bé cũng khác nhau; do đó, có lúc bé rất hào hứng khi chào nhưng cũng có lúc, bé chống lại yêu cầu từ cha mẹ. Cha mẹ không nên ép buộc bé, nên trò chuyện với bé để tìm cách ứng xử phù hợp. Một số bé chưa đủ nhận thức để hiểu ý nghĩa của câu chào, một số bé khác vì ác cảm với người đối diện nên cũng không chịu chào.

Cha mẹ nên là tấm gương để bé noi theo. Trước khi đến nhà ai chơi, cha mẹ nên giới thiệu cho bé biết đó là nhà của ai, bé sẽ chơi với ai, chơi đến mấy giờ về, nhắc bé rằng khi nào mẹ giới thiệu mọi người thì bé sẽ chào theo mẹ. Sau đó, khi đến nhà người thân, bố mẹ có thể hướng dẫn: “Con chào ông đi”, “Con chào bà đi” là bé biết cách chào theo.

Không nên xem nhẹ hoặc bỏ qua khi bé không chào hỏi người lớn. Cha mẹ cũng nên kiên trì dạy con, làm sao cho quá trình giáo dục con không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do nào. Nhiều trường hợp cho thấy, do cha mẹ lơ là, một số bé có thể từ ngoan, biết nghe lời đã chuyển thành cứng đầu, khó bảo chỉ sau 1-2 năm.

Nếu bé bỗng trở nên khó bảo, cha mẹ cũng nên kiên trì uốn nắn lại cho bé. Giáo dục con là việc làm thường xuyên trong gia đình (giống như mưa dầm thấm lâu) và ở bất kỳ độ tuổi nào. Không quá nuông chiều, phải nghiêm khắc, mềm mỏng, trước sau như một, để bé không “nhờn”.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.