Giữ cái “góc” cho con

Khi thấy tóc trẻ rụng nhiều, những mảng vảy trắng bong ra thành từng lớp, mẹ cần lưu ý. Đó có thể là triệu chứng của bệnh nấm tóc.

“Mẹ ơi! Mẹ ơi”, bé Huệ, 8 tuổi, quăng vội chiếc lược, chạy xuống bếp, giọng hốt hoảng. Trên tay cô bé là một nắm tóc lẫn với những hạt vảy trắng đục lấm tấm. Tay còn lại vẫn không ngừng gãi liên tục vào đầu.

Ngứa đầu do dơ?

Chị Minh ôm con vào lòng, trấn an: “Đừng gãi nữa con. Để mẹ đưa con đến bác sĩ khám?”. Hơn một tháng nay, bé Huệ con chị Minh, có biểu hiện da đầu bị ngứa. Đi học về, bé cởi ngay chiếc mũ bảo hiểm ra, ngồi bệt xuống đất gãi đầu.

Nghĩ con bị ngứa do đầu bẩn, chị Minh tăng cường gội đầu cho bé. Thế nhưng, mọi chuyện chẳng được cải thiện.

Một tuần trở lại đây, tóc con bé rụng rất nhiều. Chỗ da đầu bong nhiều vảy trắng giờ lại xuất hiện mủ.

Sau khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa Da liễu của bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, con gái chị Minh bị mắc bệnh nấm tóc. Bệnh tuy được phát hiện ở giai đoạn đầu, nhưng bé Huệ vẫn phải điều trị trong thời gian khá dài.

Tóc rụng, nguyên nhân vì đâu?

Theo các bác sĩ chuyên khoa Da liễu, bệnh nấm tóc chủ yếu do các loại nấm Microsporum, Piedra Hortai và Trichophyton gây ra. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ từ 5 đến 15 tuổi.

Những trẻ theo học chương trình bán trú có nhiều nguy cơ mắc bệnh từ việc sinh hoạt chung với những bạn mắc bệnh.

Trong sinh hoạt hàng ngày, người lớn thường chủ quan cho trẻ dùng chung khăn, lược, khẩu trang… với mình. Thói quen này đã vô tình tạo cơ hội cho các loại vi nấm từ người lớn di cư sang, gây bệnh cho trẻ.

Mũ bảo hiểm kém chất lượng, phần lót bên trong không thoáng khí, không được làm vệ sinh thường xuyên, tóc bị ẩm hoặc vừa gội đầu xong, chưa kịp hong khô đã đội mũ, đi ngủ cũng là nguyên nhân làm bé bị nấm tóc.

Khi trẻ bị nấm, tóc thường rụng thành từng mảng hoặc gãy khúc cách da đầu 3 – 4 mm. Chỉ cần đưa tay giật nhẹ, tóc sẽ rụng ngay. Ngoài ra, vùng da đầu bị tổn thương sẽ có vảy màu trắng xám. Khi bé gãi, vảy sẽ rơi từng chấm nhỏ li ti hoặc bong thành từng mảng.

Loại nấm Piedra Hortai còn gây ra bệnh trứng tóc ở trẻ. Đó là những hạt tròn, nhỏ bằng hạt kê, màu nâu hoặc đen.

Không nên tự đoán và chữa bệnh

Trẻ bị nấm tóc, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, tình trạng sẽ ngày càng nặng hơn.

Ngứa ngáy khiến trẻ gãi nhiều làm cho da đầu bị tổn thương, gây nhiễm trùng tạo thành mủ. Nếu để lâu, nấm tóc sẽ biến chứng sang các vùng bẹn, mông, kẽ tay, chân. Lúc đó, việc chữa trị càng khó khăn hơn.

Khi thấy trẻ bị ngứa đầu, mẹ thường mua các loại thuốc trị nấm về chữa cho con. Thế nhưng, không phải trường hợp nào cũng do các loại vi nấm gây nên.

Da đầu trẻ có thể mắc các bệnh như lupus đỏ, viêm chân tóc, á sừng… Vì vậy, khi phát hiện những triệu chứng bất thường vùng đầu của con, mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa Da liễu để được thăm khám kịp thời.

Trẻ bị nấm tóc phải được cách ly khỏi những trẻ khác. Cho bé dùng đồ vệ sinh cá nhân riêng để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.