Giúp da bé hết nứt nẻ ngày đông

Sau mấy ngày hanh khô và ngồi gần quạt sưởi, hai má của bé Bi đỏ rực, nứt nẻ khiến con khó chịu, thỉnh thoảng lại quấy khóc.

Sau mấy ngày hanh khô và ngồi gần quạt sưởi, hai má của bé Bi đỏ rực, nứt nẻ khiến con khó chịu, thỉnh thoảng lại quấy khóc.

Chị Xuân, mẹ bé Bi sợ dùng kem bôi có thể gây hại cho con vì bé mới 3 tháng, còn nếu không chữa sớm, da  bé ngày càng nứt, gây đau và khó chịu cho con.

Không chỉ sợ con nhiễm lạnh, những ngày đại hàn này, nhiều bà mẹ có con nhỏ còn lo lắng khi bé bị khô da, nứt  nẻ. Đón con từ trường mẫu giáo về, chị Thúy (Mai Dịch, Hà Nội) xót xa nhìn khuôn mặt cô con gái 2,5 tuổi đỏ bừng. Cô bé thỉnh thoảng còn lấy tay gãi mặt vì ngứa ngáy, khó chịu. "Có lẽ do trong lớp các cô để điều hòa quá ấm, quá khô suốt ngày", chị Thúy nói.

IMG-6787-JPG-1357707076-1357707110-13577
Thời tiết khô lạnh khiến da bé dễ khô, nứt, ửng đỏ. Ảnh: MT.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Nho, khoa Da liễu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết, vào mùa đông, không khí lạnh và độ ẩm ít khiến ngay cả da người lớn cũng dễ khô, nứt. Da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất mỏng, chưa có lớp bã nhờn nên càng dễ mất nước, nứt nẻ khi bị ảnh hưởng bởi tác động môi trường, thời tiết.

Ngoài ra, trong những ngày lạnh, nhiều gia đình hay sử dụng quạt sưởi, điều hòa nóng... càng khiến da bé thêm khô. Nhiều bà mẹ sợ con lạnh, dùng nước nóng rửa mặt, tắm cho bé cũng là nguyên nhân gây nẻ cho con.

Một số yếu tố khác khiến da bé trở nên nhạy cảm, đỏ hơn là tiếp xúc với gió, có sự ma sát của áo vào cằm, chảy nước dãi, chảy nước mũi...

Theo bác sĩ, để chữa nẻ cho con, bố mẹ nên lau sạch da bé bằng nước ấm (tránh nước nóng) rồi bôi lớp mỏng các sản phẩm chứa cetafin lên da bé, tạo thành lớp màng mỏng ngăn da trẻ bị mất nước hoặc chọn những loại kem giữ ẩm dành riêng cho trẻ em. Nên tránh các sản phẩm có mùi thơm, chứa cồn vì có thể làm da thêm khô và có nguy cơ dị ứng.

Chị Như (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm chữa nẻ cho con bằng sữa mẹ. "Khi thấy da bé khô, hoặc bình thường, trước khi con ngủ, lau sạch mặt bằng nước ấm rồi vắt chút sữa mẹ vào cục bông, xoa nhẹ nhàng lên má con, da bé sẽ dịu ngay vết nẻ và mềm mại hẳn", chị nói.

Bác sĩ cho biết, cách này có thể sử dụng khi da bé khô và chưa nẻ quá nặng, đồng thời cần đảm bảo vệ sinh tay mẹ và bông gòn để không gây nhiễm trùng cho da con. Trong sữa mẹ có chứa nhiều chất kháng thể và vitamin không chỉ tốt cho sức khỏe mà cả làn da của con.

Để tránh cho con bị nẻ vào đông, các bậc phụ huynh cần chăm sóc da bé đúng cách:

- Dù lạnh cũng nên mặc quần quần áo thoáng, dễ thở cho con, không để bé quá nóng vì có thể gây phát ban.

- Với những bé hay chảy dãi, liếm môi có thể làm môi khô nẻ, mẹ có thể bôi một chút vaseline.

- Khi cho bé ra ngoài trời nên bôi  một lớp kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ.

- Nên tắm gội cho bé thường xuyên, không dùng nước quá nóng, không dùng các loại dầu gội sữa tắm chứa nước hoa và cồn. Sau khi tắm cho con có thể bôi một lớp kem dưỡng dành cho bé.

Bác sĩ khuyến cáo, nhiều bà mẹ khi thấy con bị nẻ tự ý mua thuốc về bôi cho bé, thấy nhanh khỏi nên dùng thường xuyên mà không biết đó là những thuốc chứa corticoid - có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ nếu dùng lâu dài như teo da, giãn mạch...

Những bé bị chàm, ngứa (thường có yếu tố gia đình) dễ nặng bệnh hơn vào mùa đông khi da khô. Khi tắm rửa dùng các loại sữa tắm không chứa xà phòng để làm sạch các vùng như nách, cổ, háng và nên khám bác sĩ để được kê đơn thuốc chống viêm.

Theo Vnexpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.