Khi bé đi học

Ở độ tuổi đến trường, trẻ có cơ hội để thưởng thức nhiều món ăn đa dạng hơn, vì thế bạn cần mở rộng sự chọn lựa về ăn uống của trẻ bằng nhiều loại thức ăn, đa dạng hóa các món, màu sắc và mùi vị trong một bữa.

Từ 2 tuổi trở lên, khi trẻ bắt đầu đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo cũng là lúc trẻ phải thay đổi cách ăn uống và tâm sinh lý, không còn được nuông chiều như khi ở nhà nữa. Ở giai đoạn này, chế độ ăn của trẻ vẫn phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng nhưng có sự điều chỉnh để thích hợp với cả khi ở nhà lẫn đến trường.

Nhu cầu về ăn uống

Dinh dưỡng rất cần thiết để trẻ có thể phát triển. Sự tăng năng lượng theo tuổi của trẻ nhỏ nhằm đáp ứng các nhu cầu chuyển hóa cơ bản, và cũng đểgia tăng sự phát triển của các mô cơ và mô mỡ do hoạt động cơ thể tăng lên. Năng lượng cần thiết cho trẻ ở giai đoạn này khoảng 1.300kcal. Thông thường, khi ăn đủ năng lượng, trẻ đã đạt được nhu cầu cần thiết về vitamin và khoáng chất, ngoại trừ trường hợp thức ăn của trẻ quá đơn điệu, chỉ với một vài món lặp đi lặp lại. Vì thế, trẻ cần ăn nhiều loại thức ăn khác nhau để đạt được nhu cầu thiết yếu về dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày vì dạ dày của trẻ còn nhỏ, không thể chứa được một lượng thức ăn lớn cho một lần.

Thông thường, trẻ cần ăn ba bữa chính và hai bữa phụ. Bữa ăn chính của trẻ bao giờ cũng gồm có: Nhóm bột như cơm, nếp, phở, khoai, bún...; nhóm béo như dầu, bơ, mỡ...; nhóm đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng...; nhóm rau bao gồm cả rau lá và rau củ. Bữa ăn phụ gồm sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô-mai; bánh, chè. Bữa ăn phụ cũng có thể là thức ăn, thức uống chứa nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe như trái cây hoặc nước trái cây. Thông thường, bữa ăn phụ không quá gần với bữa ăn chính kế tiếp vì dễ làm cho trẻ bị đầy bụng và mất cảm giác thèm ăn vào bữa chính. Bên cạnh nhu cầu về các chất dinh dưỡng, trẻ rất cần được uống nước đầy đủ bao gồm nước chín và các loại nước uống khác.

Khi trẻ ở nhà

Những ngày không đi học, bạn có thể cho trẻ ăn cùng bàn với người lớn. Nếu trẻ đã cai sữa, bạn cần bảo đảm cho trẻ đầy đủ calori và các dưỡng chất cần thiết bằng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Ở độ tuổi đến trường, trẻ có cơ hội để thưởng thức nhiều món ăn đa dạng hơn, vì thế bạn cần mở rộng sự chọn lựa về ăn uống của trẻ bằng nhiều loại thức ăn, đa dạng hóa các món, màu sắc và mùi vị trong một bữa.

Nấu cho trẻ ăn là cách tốt nhất, vì sẽ tạo cho trẻ thói quen ăn uống hợp vệ sinh ngay tại nhà khi không đến lớp. Bạn cũng đừng quên tạo cho trẻ thói quen ăn uống hợp lý và khoa học. Đừng bắt trẻ ăn món súp lơ, uống sữa khi trẻ vừa ăn xong món khoai tây chiên trước đó không bao lâu. Nếu trẻ có thói quen ăn vặt ở nhà, bạn cũng đừng nóng vội buộc trẻ phải thay đổi trong một hoặc hai ngày, thay vào đó hãy kiên nhẫn và dạy trẻ cách chọn lựa thực phẩm trong những lúc bạn chuẩn bị đồ ăn. Với những thực phẩm ăn ngay như rau sống và hoa quả còn tươi, bạn hãy chọn những loại có thể cắt nhỏ và để được trong tủ lạnh. Khi trẻ đòi ăn vặt, có thể cho trẻ ăn một số món ăn nhanh có lợi cho sức khỏe như: bắp nổ chế biến trong lò vi sóng, sữa ít béo hoặc lấy một phần chất béo, sữa chua hoặc phô-mai, các món ăn từ ngũ cốc nguyên cám... Hãy trình bày các món rau và hoa quả sao cho hấp dẫn, cuốn hút trẻ nhất để trẻ ăn được nhiều hơn.

Khi trẻ đến trường

Thời gian đầu đi học, trẻ có thể có những chấn động về thể chất và tâm lý dẫn đến sụt cân, lười ăn, bệnh vặt và rối loạn giấc ngủ. Nhưng dần về sau, khi đã quen với môi trường mới, tốc độ tăng trưởng của trẻ sẽ nhanh hơn để bù vào những thiếu hụt trước đó và trẻ sẽ theo kịp sự phát triển của các bạn cùng lứa tuổi. Nếu có thể, nên rèn luyện cho trẻ chế độ sinh hoạt gần giống với giờ giấc của nhà trường.

Một buổi sáng đưa trẻ đi học, nên dành ít thời gian trao đổi với cô giáo vê tình hình ăn học của bé, nhưng tránh trò chuyện quá lâu, sẽ không hay. Trẻ con cần hiểu trường học là nơi không hề có bóng dáng của cha mẹ. Thời gian đầu đi nhà trẻ, bạn không nên đón trẻ muộn hơn các trẻ khác vì sẽ tạo cho trẻ tâm lý bị cha mẹ bỏ rơi, hắt hủi.

Nên dành nhiều thời gian trò chuyện với trẻ: Những thói quen trao đổi, kể lại chuyện trường lớp sẽ góp phần giúp trẻ hình thành và phát triển cả phương diện tích cách lẫn ngôn ngữ sau này.

Theo Thùy Như



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.