Khi con bị bắt nạt

Bé Nấm (4 tuổi) rất hay nói chuyện và dễ làm quen với bạn mới. Tuy nhiên, nếu gặp phải bạn chơi "đanh đá", bé thường nhường nhịn và ít có phản ứng lại.

Một lần, bé Nấm bị em họ (kém hơn 6 tháng tuổi) quát lớn, kéo áo rồi giật mạnh làm bé suýt ngã vì tội cầm đồ chơi của em. Bé không nói gì, chỉ đứng lùi lại, trả đồ chơi cho em và tiếp tục chơi.

“Ở nhà, cháu rất nghịch, hét to với bố hay kéo tai em trai, cắn tay bà nội nhưng khi ra ngoài, cháu lại rất hiền. Có lần, cháu bị bạn chơi kéo đứt vòng cổ nhưng cũng không có phản ứng gì” – Thoa (mẹ bé Nấm) kể. Dù rất thương con nhưng Thoa không biết phải dạy con cách bảo vệ bản thân và ứng phó với những người bạn xấu tính.

Hương – mẹ bé Su (5 tuổi) phải động viên mãi, bé mới chịu đến trường. Hương cho biết: “Cháu khá nhát, hay bị các bạn lấy mất kẹp tóc. Có lần, cháu mếu máo khóc: ‘Các bạn hít-le con. Có phải vì con hư không hả mẹ?’”.

Hương rất buồn và lo lắng cho con. Cô muốn tìm cách để bé can đảm và cứng rắn hơn nhưng không biết phải dạy con thế nào. Nhiều lúc tức, Hương cáu giận, mắng con chỉ biết khóc, sao không tìm cách đánh lại người bạn kia. Tuy nhiên, ngay sau đó, cô lại sợ dạy con “trả đũa” là gây hại cho con.

Còn bé Kem đã học lớp một nhưng thường xuyên bị bạn lấy mất bút viết. “Lúc đầu, cháu hay bảo là để quên ở ngăn bàn nhưng sau mới biết, có bạn ngồi bên hay giành mất bút của cháu” – mẹ bé Kem kể lại.

Khuyến khích con phải đòi lại bút, phải thưa cô giáo nhưng không được nên mẹ của bé phải đến trường gặp cô giáo, mong được cô can thiệp giúp. Sau đó, tình hình có vẻ khả quan hơn nhưng một thời gian tiếp theo, bé Kem lại bị bạn lấy thước kẻ hoặc có khi là mũ đội đầu.

Dạy con tự bảo vệ bản thân

Khi bị bắt nạt, tùy mức độ, bé sẽ trở nên tự ti, lo lắng hay sợ hãi. Nếu bước vào tuổi đi học thì kết quả học tập của bé có thể bị giảm sút. Bé càng nhút nhát thì càng dễ hoảng loạn, có bé phản ứng bằng cách ngấm ngầm trả thù… Nếu không được cha mẹ, thầy cô lưu tâm, bé sẽ khó hòa hợp xã hội.

Các chuyên gia tâm lý phân thành 3 loại bắt nạt ở bé: Bắt nạt bằng hành động (gồm cấu, cắn, giật tóc…); bằng lời nói (bị chê xấu, bị gắn cho biệt danh xấu) và bằng cách tẩy chay. Có bé phải chịu một trong ba hình thức bắt nạt trên nhưng cũng có bé phải đối mặt với cả ba hình thức.

Để dạy con biết bảo vệ bản thân, trước hết cha mẹ cần bình tĩnh. Tránh tâm lý “xót con” mà dạy con cách trả thù, cách ly với con hoặc tận tay “trừng phạt” bạn chơi của con. Cha mẹ cần nhớ, vài rắc rối có thể xảy đến khi bé đi nhà trẻ (đi học) vì khi đó, bé đã hòa nhập với môi trường mới. Cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh, giám sát và bảo bọc bé mà thay vào đó, cần hướng bé cách tự giải quyết rắc rối, dù bé nhút nhát.

Trước tiên, cha mẹ cần hỏi han và lắng nghe bé trình bày. Tránh phê phán hoặc chê con “ngu dốt” vì bị bắt nạt. Tiếp đến, tùy trường hợp, phụ huynh phân tích cho bé và dạy bé cách ứng xử; chẳng hạn, nếu con bị bạn chơi giật tóc, người mẹ có thể dạy con nói: “Không được giật tóc tớ. Cậu làm thế, tớ không chơi nữa đâu”. Trường hợp khác, cha mẹ có thể trao đổi với giáo viên để tìm trợ giúp hoặc gặp người “bạn xấu” của con để nhắc nhở.

Những kiểu bắt nạt ở bé thường quanh quẩn ở việc giành đồ chơi, giành bút, hiếm lắm là đánh nhau. Vì thế, khi chuẩn bị cho bé đi nhà trẻ (đi học), cha mẹ cần dạy bé bảo vệ đồ dùng của mình như kẹp tóc, dây buộc tóc, thước kẻ, bút viết… Hãy nhấn mạnh với bé đó là “tài sản riêng”, không bạn nào được phép lấy của bé. Mỗi ngày, cha mẹ sẽ kiểm tra đồ dùng của bé, thông qua đó sẽ biết được bé có làm mất hay bị bạn nào lấy đồ vật hay không.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.