Khi con vòi vĩnh

Mỗi khi nhà có khách, bé Chuột (gần 4 tuổi) lại hỏi: "Cô (bác) có quà gì cho cháu không?". Những lúc như thế, cả chủ nhà và cả khách đều cười vì sự lém lỉnh của bé.

Lần nào được mẹ dẫn qua cửa hàng đồ chơi, bé Chuột cũng đứng lại, chân dậm dậm, mặt phụng phịu đòi hỏi: “Mua cho con búp bê váy hồng”. Nếu Minh (mẹ bé Chuột) kéo tay con, giải thích: “Ở nhà có búp bê rồi con ạ” thì bé giãy nảy: “Không, con thích con này cơ”. Nếu Minh không bằng lòng, kéo tay con đi thì càng kéo bé càng khóc thét lên. Có khi, bé Chuột ngồi bệt xuống đất mặc mẹ lôi đến đỏ cả tay.

“Lúc này không đòi được thì lúc khác, cháu lại nhắc. Gặp ông bà hay bố, cháu lại nằn nì mua búp bê váy hồng. Ông bà hoặc bố thương, lại mua cho ngay” – Minh tâm sự.

Bé Tin (4 tuổi rưỡi, Đà Nẵng) cũng luôn đòi cho bằng được thứ bé thích. Hôm hai mẹ con đi tàu từ Đà Nẵng vào TP HCM thăm ông bà ngoại, thấy cô chú ngồi ghế dưới đang nhai kẹo cao su, bé Tin ra hiệu cho mẹ, ý muốn được xin kẹo. Khi Hoa (mẹ bé Tin) bảo: “Con tự xuống xin cô chú đi” thì bé mạnh dạn bước tới, chỉ tay vào mấy chiếc kẹo vẫn còn được đặt trên khay nhựa, rồi ngoái đầu quay lại nhìn mẹ.

“Nếu thấy ai đang ăn thứ mà cháu thích, cháu sẽ dừng lại, vừa chỉ tay vào đó vừa nhìn mẹ đòi. Người xung quanh hiểu ý nên thường chia phần cho cháu” – Hoa nói. Nhiều lần muốn rèn giũa con vào khuôn phép, cô quyết định bỏ mặc, không đoái hoài đến sự đòi hỏi của con.

Hoa cho biết tiếp: “Mặc kệ thì cháu khóc lăn ra, ai dỗ cũng không được. Có khi cháu còn khóc rất dai, kêu gào đến cả chục phút. Khóc cho đến khi nào mẹ xuất hiện mới thôi”. Không ít lần, Hoa quát mắng con; thậm chí, còn đánh cả vào mông con nhưng không có kết quả. Để phản ứng lại mẹ, bé Tin tỏ thái độ giận dỗi, không nói năng gì, vứt đồ chơi, bỏ ăn uống. “Cháu thường dỗi rất lâu nên tôi không chịu được, đành phải đầu hàng” – Hoa chia sẻ.

Tránh đầu hàng khi bé vòi vĩnh

Trong quá trình phát triển, các bé luôn có nhu cầu đòi hỏi. Phần lớn các bé ở tuổi mẫu giáo đều thích đòi bánh, kẹo, đồ chơi… Trước thái độ của bé, nhiều cha mẹ lúng túng, nửa mềm lòng muốn đáp ứng bé; nửa cứng rắn muốn chối từ. Không ít bậc phụ huynh chiều theo ý con để khỏi “mè nheo điếc tai”; một số khác vì thương con nên cũng không ngại chiều…

Nếu quá yêu chiều khi bé vòi vĩnh, bé sẽ nảy sinh tâm lý “thích gì được đấy”, “muốn gì có đó”. Điều này hoàn toàn không tốt cho bé, nhất là khi lớn lên. Do đó, ngay từ sớm, cha mẹ cần vạch cho bé những quy tắc, tức là có thứ bé sẽ được đáp ứng, có thứ thì không.

Trước tiên, cha mẹ cần cứng rắn và cương quyết hơn. Phần lớn cha mẹ thương yêu các bé đến mức “chịu thua” khi bé mè nheo hoặc giận dỗi. Chính điều này là điểm yếu khiến phụ huynh thiếu tính kiên định khi giáo dục con. Khi đối mặt với những đòi hỏi vô lý của bé, cha mẹ cần nói “không” cương quyết, giải thích cho bé lý do và không được “xuống nước” sau đó. Nếu lúc trước thì ngăn cấm nhưng sau lại chấp thuận, bé sẽ nắm được “điểm yếu” đó của cha mẹ. Sự vòi vĩnh một khi không được đáp ứng sẽ đẩy bé đến tâm lý cực đoan, chán nản, giận dữ…

Nếu bé đòi một món đồ như điện thoại (máy ảnh) của mẹ, người mẹ có thể cho bé mượn nhưng cần luôn nhắc nhở: “Con sử dụng như thế này. Chỉ chơi một chút thôi, lát nữa phải đưa cho mẹ”. Phương pháp này có thể áp dụng khi bé muốn một món đồ chơi của bạn chơi hoặc đòi đồ đạc của người thân khác trong nhà.

Cha mẹ cũng không nên ngay lập tức nói bé “hư” hoặc “còn đòi là mẹ đánh đấy”. Như đã nói, vòi vĩnh là một phần phát triển tính cách của bé. Cha mẹ hãy giải thích lý do cho bé, để bé không cảm thấy oan ức hay buồn bã. Sau đó, cần khẳng định lại đòi hỏi của bé có được chấp thuận hay không.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.