Khi nào sinh mổ là cứu cánh?

Theo lẽ thường thì bạn không nên đi ngược với quy luật sinh nở tự nhiên. Nhưng trong một số trường hợp, sinh mổ được coi là cứu cánh cho sức khỏe, thậm chí sinh mạng của cả mẹ và bé.

1. Ngôi ngang

Đặc điểm: Thai không nằm theo trục dọc mà nằm ngang trong tử cung.

Dấu hiệu nhận biết: Thông thường, từ tuần thứ 32, ngôi thai bắt đầu quay đầu xuống phía tử cung để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ. Tuy nhiên, cơ chế này có thể thay đổi ở từng thai phụ và thai nhi. Có những em bé đến sát giờ chuyển dạ mới quay thuận chiều. Vậy nên chỉ khi đến gần chuyển dạ bạn mới biết chính xác tình trạng ngôi của con mình. Bạn có thể biết được ngôi thai qua siêu âm và thăm khám bác sĩ.

Vì sao không thể đẻ thường? Bạn hãy tưởng tượng tử cung người mẹ giống như một quả lê với một đầu mở (chính là cổ tử cung) để giúp đứa trẻ chui ra ngoài khi đến ngày đến tháng. Do đó, nếu muốn chui qua “lối thoát” duy nhất này em bé bắt buộc phải nằm theo trục dọc của tử cung. Chính vì vậy, tất cả những trường hợp ngôi ngang đều được coi là ngôi không có cơ chế đẻ, tức không thể đẻ được bằng đường dưới (đường âm đạo) khi thai sống, đủ tháng hoặc gần đủ tháng. Do đó, sinh mổ là chỉ định không thể thay thế khi bà mẹ mang thai có ngôi ngang.

Tỷ lệ người mang bầu ngôi ngang: Không lớn, chỉ có từ 0,3 – 0,5 các cuộc chuyển dạ.

Nguyên nhân dẫn đến ngôi ngang:

+ Tử cung nhão do mẹ đẻ nhiều lần, thai ở tư thế ngang không thể bình chỉnh về tư thế dọc.

+ Tử cung dị dạng như tử cung hai sùng, tử cung có vách ngăn, tử cung có đường kính ngang lớn hơn bình thường.

+ Khung chậu hẹp.

+ Khối u tiền đạo: u xơ tử cung vùng eo, u nang buồng trứng…

+ Đa ối làm cho ngôi thai không cố định trong tử cung.

+ Nhau tiền đạo, dây nhau ngắn, dây nhau quấn cổ, làm cho thai nhi bình chỉnh không tốt.

Biến chứng nếu không mổ kịp thời:

Ngôi vai buông trôi: chuyển dạ kéo dài, ối vỡ, tử cung co cứng, sa tay trong âm đạo hoặc ra ngoài âm hộ, thường kèm theo sa dây nhau.

Thai suy, thai chết: tử cung co bóp vào thai liên tục, dây nhau bị sa, làm cho tuần hoàn tử cung – rau – thai bị cản trở, thai suy nhanh chóng nếu không được xử trí dẫn đến chết thai, thai càng to càng suy và chết nhanh.

Dọa vỡ và vỡ tử cung: khi ngôi vai buông trôi, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến dọa vỡ rồi vỡ tử cung.

Nhiễm khuẩn ối, nhiễm khuẩn tử cung do ối non, vỡ sớm.

Làm gì khi biết mình có ngôi ngang? Bạn nên nghỉ ngơi, đặc biệt vào tháng cuối, đề phòng ối vỡ non, ối vỡ sớm, vào viện khi có dấu hiệu chuyển dạ.

2. Rau tiền đạo trung tâm

Đặc điểm: Là tình trạng bánh rau không nằm ở phần thân tử cung như bình thường mà bám vào đoạn dưới của tử cung và che kín toàn bộ lỗ trong cổ tử cung.

Vì sao không thể đẻ thường? Đường ra duy nhất, cổ tử cung, đã bị rau che kín nên bé không thể chui ra được khi mẹ chuyển dạ. Ngoài việc cản trở đường ra của bé, rau tiền đạo còn có thể gây nên chảy máu khi có sự bong tách, xóa mở cổ tử cung và có thể dẫn đến xuất huyết ồ ạt vô cùng nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ và bé. Do đó, trường hợp này, sinh mổ là biện pháp duy nhất.

Phát hiện khi nào? Khi siêu âm ở tuần thứ 32, bạn có thể biết chắc mình có rau tiền đạo hay hông?

Nguyên nhân:

+ Viêm niêm mạc tử cung

+ Sẹo mổ cũ ở tử cung

+ Thai đôi

+ Đẻ nhiều lần hoặc tiền sử nạo phá thai.

Biến chứng nếu không mổ: Sản phụ có thể tử vong do mất máu, thai nhi có thể suy tim do thiếu máu.

Làm gì khi có rau tiền đạo? Khi có các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là ra máu âm đạo cần đi khám ngay ở các cơ sở y tế có chuyên khoa sản.

3. Sẹo mổ lấy thai lần trước xấu

Đặc điểm: Sẹo ở tử cung mỏng, sẹo ở thành bụng không tốt.

Vì soa không thể đẻ thường? Khi tử cung co bóp để đẩy em bé ra ngoài, đặc biệt là khi sản phụ rặn nhiều, sẹo tử cung cót hể bị rạn nứt, thậm chí có thể gây vỡ tử cung nên rất nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ và bé. Mặt khác, việc rau bám chặt vào sẹo tử cung cũng có thể khiến mẹ bị chảy máu. Bởi vậy đây là lý do chỉ định mổ khá phổ biến.

Tỷ lệ người phải mổ sau lần mổ đầu: Quan điểm “một lần mổ lấy thai là suốt đời đẻ mổ” không hoàn đúng. Nhưng theo số liệu của bệnh viện phụ sản Trung ương thì cứ bốn người mổ lấy thai lần đầu thì ba người phải mổ ở lần đẻ sau.

Ai dễ có sẹo xấu: Người đã mổ hai lần; lần trước mổ khi tử cung đã vỡ hoặc bị nhiễm trùng hậu sản; có khoảng cách giữa kỳ mổ trước và kỳ thai này ngắn (18 tháng), trường hợp can thiệp đến tử cung như bóc tử cung, cất góc tử cung.

Làm gì khi vết sẹo mổ cũ xấu: Thường xuyên thăm khám để bác sĩ kiểm tra tình trạng vết sẹo và xử lý kịp thời.

4 .Bệnh tim

Đặc điểm: Những bệnh tim thường được chỉ định mổ là van tăng mạo (hẹp van tăng mạo, hẹp và hở van tăng mạo, hở van tăng mạo) và hở lỗ động mạch chủ, suy tim.

Vì sao không thể đẻ thường? Bệnh tim đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ, đặc biệt là khi sản phụ phải mệt nhọc hay phải gắng sức.

Làm gì nếu bạn mang thai khi có bệnh tim? Nên thăm khám thai định kỳ nếu bệnh tim của bạn ở mức độ nhẹ và khám hai tuần một lần nếu bệnh ở mức độ từ trung bình đến nặng, trong thai kỳ đầu cho đến tuần thứ 28 – 30. Sau đó bạn cần thăm khám hàng tuần cho đến khi sinh.

Những chỉ định sinh mổ

Ngoài những chỉ định tuyệt đối ở trên bạn cũng có thể được bác sĩ cho phép mổ nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

+ Bất xứng đầu chậu: khung chậu bị hẹp, hoặc thai quá to dọa vỡ tử cung.

+ Phát khởi chuyển dạ thất bại, không có được cơn co tử cung hoặc có song không hiệu quả.

+ Rối loạn cơn co nhưng không điều chỉnh được bằng cách dùng thuốc.

+ Nhau bong non.

+ Có các ngôi bất thường như ngôi mặt, ngôi trán, ngôi mông.

+ Suy thai trong khi chuyển dạ.

+ Thai quá ngày có chống chỉ định khởi phát chuyển dạ.

+ Đang mắc bệp Herpes đường sinh dục.

Sinh mổ an toàn không?

Tất nhiên là an toàn. Tuy nhiên, trong và sau khi sinh, cả bà mẹ lẫn thai nhi vẫn có thể gặp những biến cố và chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Những tuần đầu sau phẫu thuật mổ đẻ, Ngọc Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn trong tình trạng như người có bệnh: mất ngủ, mệt mỏi, phờ phạc, đau vết mổ, lưng đau cứng, thi thoảng lại ngây ngấy sốt. Lần đầu làm mẹ nên cô lo lắng vô cùng. Nhưng khi đem nỗi băn khoăn của mình ra thổ lộ với mẹ chồng, cô được bà trấn bằng một tràng kinh nghiệm có từ thời bà lâm bồn cho tới những câu chuyện cóp nhặt được từ con các bà bạn. Giải thích cho hiện tượng ngây ngấy sốt của cô bà dẫn chứng bằng thực tế của chính mình: “Ngày xưa mỗi lần phải gửi thằng Minh để đi dạy học, mẹ cũng chẳng phát sốt lên đấy, mà lúc đó Minh nhà con đã được ba tháng rồi đấy. Đằng này hai bầu ngực con còn căng cứng thế kia sao chả sốt cơ chứ”. Thấy cô nhăn nhó ôm bụng mỗi khi đứng lên ngồi xuống hay đi lại, bà chẹp miệng đầy thương cảm: “Đẻ mổ khổ thật đấy. Đau lâu lắm. Ai đời con dâu nhà bác Hiền, con đã sắp đầy tháng mà mẹ vẫn chưa bế được vì đau vết mổ”.

Nghe mẹ chồng nói vậy, Ngọc Lan thấy nỗi băn khoăn của mình ít nhiều được giải tỏa, phần vì chẳng có phút rảnh rỗi nào mà hỏi han nghiền ngẫm thêm, phần vì cũng tin tưởng mẹ chồng đã mấy lần chăm con gái đẻ mổ. Còn lo lắng về mấy cái vụ sản dịch có màu đỏ tươi hay bốc mùi… là lạ thì cô chỉ dám thủ thỉ với mấy bạn gái đã kinh qua cái nghĩa vụ của đàn bà này. Song kết cục cô chỉ nhận được cái cười rúc rích: “Cái của khỉ ấy lấy đâu ra mà… thơm được”. Mọi lo lắng cũng dần bị quên lãng, song thêm một tuần nữa mà cô vẫn thấy tình hình không được cải thiện. Rõ ràng hôm ra viện bác sĩ đã dặn rằng chỉ khoảng ba tuần là cơ thể người mẹ đã phục hồi cơ bản: sản dịch hết, vết mổ lành và tiêu hóa bình thường. Mà đúng rồi, bác ấy còn bảo đẻ mổ dễ mắc các chứng viêm nhiễm nên thấy có biểu hiện gì lạ là phải quay lại khám ngay. Chết thật, vậy mà!

Thế là sáng hôm sau lẳng lặng gửi con cho mẹ chồng với lý do đi mua mấy bộ quần áo mặc cho con bú, Lan đến khám ở bệnh viện phụ sản nơi cô sinh. Cô được chẩn đoán viêm niêm mạc tử cung phải điều trị bằng tiêm kháng sinh. Đây là bệnh không quá nghiêm trọng và không phải nằm viện. Song cô đã hết sức hoảng hồn khi biết rằng người phụ nữ sau sinh mổ có nguy cơ mắc những căn bệnh nhiễm trùng vô cùng nguy hiểm mà dấu hiệu bệnh của nó dễ khiến người ta chủ quan. Nguy hiểm hơn, sinh mổ còn có thể gây ra nhiều biến cố hết sức phức tạp, đe dọa đến tính mạng của cả bà mẹ lẫn thai nhi, chứ không hề an toàn tuyệt đối như Lan và mấy phụ nữ không thích chịu đau như cô vẫn nghĩ.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.