Khi trong nhà có con tuổi mới lớn

Trong nhà có con tuổi mới lớn, bố mẹ thường có nỗi lo chung là không biết khi nào con họ mới có thể đối mặt được với những trách nhiệm của cuộc sống.

Lo lắng

Trước giờ họp phụ huynh lớp 8 ở một trường THCS, các bà mẹ ông bố rôm rả chia sẻ với nhau chuyện con cái. Một bà mẹ than phiền: "Quần áo ném ngổn ngang, sách vở bày bừa, những cái bát đĩa bẩn của bữa trưa hôm qua còn nằm nguyên trên bàn, thùng rác đầy ắp... là cảnh thường thấy mỗi chiều tôi đi làm về. Con gái tôi đã 13 tuổi mà vẫn như khách trọ trong nhà. Biết bao nhiêu lần tôi phê bình nó về cái tính bừa bãi, cẩu thả nhưng nó cứ thờ ơ. Cứ đà này đến khi nào con bé mới trở thành người lớn, làm sao đủ khả năng đối mặt với những trách nhiệm cuộc sống. Tôi không lo sao được!".

Bà mẹ khác: "Tôi lo lắng nhất là thời gian này thằng bé nhà tôi có dấu hiệu lơ là việc học. Ngồi vào bàn một lúc là nó lại bỏ ngang với điện thoại, máy nghe nhạc... Tôi cũng đã phân tích tương lai của nó sẽ như thế nào nếu không chịu học hành đến nơi đến chốn, nó có vẻ nghe ra, nhưng được một hai bữa rồi đâu lại vào đấy. Đúng là không có một chút trách nhiệm nào với bản thân!".

Một ông bố khác góp chuyện: "Chưa bao giờ con tôi nói được một lời cảm ơn những gì bố mẹ làm cho nó. Ngày sinh nhật mẹ cũng không biết mua quà tặng. Ông bà nội ở quê lên thăm, thấy quà cáp là nó chén tì tì, không một lời hỏi han ông bà. Vô trách nhiệm với người khác vậy, con tôi lớn lên sẽ trở thành loại người thế nào?".

Bình thường?

Những lo lắng của các ông bố bà mẹ trên là chính đáng. Bố mẹ nào cũng muốn con đến tuổi trưởng thành phải biết chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác. Tuổi học thì học tốt. Học xong có nghề nghiệp ổn định, có gia đình tốt đẹp. Mà để làm được những việc đó, phải bắt đầu từ những hành vi ứng xử, thái độ, nếp sống hàng ngày.

Tuy nhiên, họ sốt ruột trông mong sự trưởng thành của đứa con mà quên mất một điều là để đạt đến độ trưởng thành, bọn trẻ nhất thiết phải trải qua thời điểm "khó bảo" này. Thời điểm này còn được gọi là sự "nổi loạn" của tuổi mới lớn. Những biểu hiện nói trên ở trẻ tuổi 13, 14 được coi là những hành vi thiếu trách nhiệm chứ không nên quy kết thành thói vô trách nhiệm.

Một điều quan trọng mà bố mẹ cần biết là nhận thức về "trách nhiệm" của con cái ở độ tuổi này và của bố mẹ là khác nhau. Những việc bố mẹ cho là quan trọng, với bọn trẻ đôi khi chỉ là chuyện nhỏ và ngược lại. Chẳng hạn, cô bé 14 tuổi đang suy nghĩ có nên nhận lời mời đi chơi của bạn trai vào cuối tuần không. Nếu đi sẽ ảnh hưởng đến việc học ra sao, nếu từ chối phải từ chối thế nào cho "lịch sự". Với cô, đó là một việc lớn. Lần đầu tiên cô đối mặt với trách nhiệm trước những việc mình làm.

Trong khi cô đang đắn đo thì mẹ cô lại đang ca thán về việc cô đã quên lời hứa lên sân thượng tưới cây và cất quần áo. Lời ca thán đó, lúc này với cô "chẳng nghĩa lý gì”! Hoặc, cậu con trai đang học ngày học đêm, phấn đấu đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố vào kỳ thi sắp tới thì nếu nó "bỏ ngoài tai" việc bố mẹ giục viết thư về hỏi thăm ông bà, đi thăm họ hàng hay ném khăn tắm bừa bãi trong chậu quần áo cũng là điều dễ hiểu.

Các bậc phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận khi đánh giá con cái. Nếu cứ dựa vào cái mẫu con phải luôn răm rắp nghe lời để xác định đứa con có ngoan, có trách nhiệm hay không e rằng không còn phù hợp với thời đại. Một đứa con luôn được coi là ngoan, tương lai có thể là đứa con thiếu bản lĩnh khi bước vào đời. Đứa con vẫn bị bố mẹ to tiếng là "vô trách nhiệm" có thể sẽ vững vàng, trưởng thành sớm hơn những đứa cùng độ tuổi, vì quá trình "vô trách nhiệm" lại là quá trình các em tự khám phá mình.

Việc của bố mẹ

Những hành vi thiếu trách nhiệm cho phép: bừa bộn, cẩu thả, lười việc nhà, không hỏi han bố mẹ...

Những hành vi vô trách nhiệm đáng lo ngại, cần thái độ quyết liệt: bỏ học, bài bạc, rượu chè, ma túy, ăn chơi trác táng, qua đêm với bạn trai...

Bố mẹ cần phân định rõ ràng giữa những biểu hiện thiếu và vô trách nhiệm nói trên.

Với những hành vi thiếu trách nhiệm cho phép, bố mẹ cũng chỉ nên "can thiệp" bằng sự nhạy cảm và những "điều chỉnh" nhẹ nhàng, kín đáo. Những biểu hiện của bọn trẻ có thể khiến bạn thất vọng, buồn lòng, nhưng thay cho việc trách mắng, tốt nhất là bạn nên "lùi lại" để con tự xử sự, hành động, từ đó học cách chịu trách nhiệm trước những việc mình làm. Có thể rồi các em sẽ gặp những thất bại, nhưng những thất bại tạm thời đó cũng là một phần cần thiết trong quá trình trưởng thành.

Theo Xuân Ca



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.