Khó dạy con lễ phép vì ông bà

Bé Nhím (4 tuổi) rất hay giơ nắm đấm vào mặt người lớn khi trò chuyện. Phương (mẹ bé Nhím) cho rằng, đó là hành vi hỗn và cần được dạy dỗ nghiêm khắc.

Cô thường quát con không được làm thế, dùng tay phát vào mông con. Tuy nhiên, bà nội bé Nhím lại nghĩ, đó là chuyện bình thường của trẻ con, khi lớn lên, bé sẽ ngoan hơn.

“Bà nội luôn bênh cháu. Vì thế, cháu càng được thể, cháu thích hét to vào mặt bà, dùng tay kéo tai hoặc giật tóc bà. Lúc đó, bà cười vui vẻ khiến cháu càng nghịch mạnh hơn” – Phương cho biết. Cô đã nhiều lần góp ý cách dạy bé Nhím với bà nội nhưng bà luôn chép miệng, bảo: “Kệ nó. Trẻ con đứa nào chẳng thế”.

Cũng được bà nội chiều nên bé Chít (3 tuổi rưỡi, Hà Nội) hay nhăn nhó, kêu lên: “Nào” khi có người lớn kéo bé lại để hỏi chuyện. Một lần, bà ngoại bé Chít đến nhà chơi. Lúc bé đi ngang qua bếp, bà ngoại hỏi: “Chít có ăn cam không?” thì bé chỉ quay đầu lại, rồi tiếp tục bước đi mà không trả lời. Bực mình, Thu (mẹ bé Chít) quát to: “Chít, bà hỏi con kìa” nhưng bé vẫn làm ngơ. Thu kéo con lại rồi tét cho con vài cái vào mông. Thấy vậy, bà ngoại vội vã can, bảo cháu còn bé, chưa biết gì.

Thu kể: “Ăn cơm, bảo con mời ông bà thì cháu quắc mắt nhìn mẹ. Ông bà lại bảo, thôi không sao, cháu còn nhỏ, phải ăn nhanh kẻo đói”. Nếu được ai cho món quà bé thích, bé sẽ tự ý cầm lấy ngay mà không cần hỏi ý kiến của mẹ; nếu đó là món quà bé không thích, bé sẽ nhắm mắt, nhăn mặt, hét lên: “Không”.

Giúp con biết lễ phép

Không ít các bé được ông bà nuông chiều nên tỏ ra ương bướng, ngang ngạnh. Chính vì thế, việc đưa con vào khuôn phép của cha mẹ vấp phải khó khăn.

Khoảng 3 tuổi, hiếm khi bé nói được một câu hoàn chỉnh như: “Con chào ông bà ạ” hoặc “Con không ăn món này đâu ạ” (trừ khi có sự chỉ dẫn cụ thể từ cha mẹ). Nguyên nhân là do bé mới hiểu được nghĩa và mới biết sử dụng những câu ngắn như: “Con không ăn món này” hoặc “Con chào bà”… Đặc biệt, bé rất thích dùng những từ đơn giản như “Không” kèm theo cái lắc đầu; “Có” kèm theo cái gật đầu…

Tham khảo những gợi ý sau để bé biết lễ phép từ khi còn nhỏ:

Thực hiện việc dạy một cách từ từ: Nếu người mẹ nôn nóng dạy bé quá nhiều kỹ năng giao tiếp, cha mẹ sẽ khó thu được kết quả. Thay vì đó, phụ huynh nên liệt kê những điều bạn cần dạy cho bé, thực hiện lần lượt từng cái một. Ví dụ: dạy bé cách cảm ơn khi nhận quà, dạy bé cách trả lời điện thoại…

Tán dương bé khi bé thành công: Bé có cách cư xử lễ phép ở trong nhà hay ở nơi công cộng, cha mẹ nên khen, khuyến khích bé. Bé sẽ vô cùng thích thú khi thấy cha mẹ tự hào về mình.

Tỏ ra bao dung với bé khi bé sai lầm nhưng không được cho qua: Cha mẹ tránh quở trách bé trước chỗ đông người. Sự ngọt ngào có tác dụng hơn là những lời trách mắng và sự kiên nhẫn của cha mẹ sẽ giúp bé hiểu và nghe lời hơn.

Khi bé quên, cha mẹ hãy nhắc cho bé: Ví dụ, nếu bé gặp người lớn mà không chào, phụ huynh nên hỏi lại bé “Con có nhớ đây là ông (bà) gì không? Con chào ông (bà) đi”. Bé không có cảm giác bị phê bình và lần sau chắc chắn bé sẽ làm tốt.

Cha mẹ là tấm gương cho bé: Bé luôn nhìn vào những hành động của bạn. Muốn bé nghe theo lời, cha mẹ cũng phải tôn trọng mọi người xung quanh và lịch sự ngay cả với bé.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.