Làm cha mẹ cũng phải học

Ở đời để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải học. Duy nhất có việc "làm cha mẹ", "nhiều người cho rằng tự nhiên thành cha mẹ tốt. Nhưng trong việc giáo dục con cái, nhất là việc sử dụng các biện pháp kỷ luật, cha mẹ cũng cần phải học hỏi.

Kỷ luật khác với trừng phạt thân thể

Dù trong gia đình, ở trường học, hay ngoài xã hội cũng đều cần có những hình thức kỷ luật đối với những người vi phạm những quy tắc, luật lệ được đề ra. Không có kỷ luật, mọi thứ sẽ lộn xộn.

Mục đích của các hình thức kỷ luật là giúp người mắc lỗi nhận ra sai trái của mình, từ đó có ý thức hơn trong việc chấp hành. Đứa trẻ không cẩn thận, làm đổ cốc chè xuống sàn nhà, nó phải tự mình dọn dẹp chỗ chè đã đổ để "thấu hiểu tác hại" của việc không cẩn thận, từ đó "rút kinh nghiệm" cho lần sau.

Một học sinh không chăm chỉ học bài, bị cô giáo tước quyền ra chơi, phải ngồi trong lớp hoàn thành bài mà em đó chưa làm ở nhà. Một nhân viên làm vỡ, hỏng đồ đạc của cơ quan, bị phạt tiền, trừ lương để "xót ruột", lần sau chú ý hơn. Đó là những hình thức kỷ luật.

Trừng phạt thân thể không có mục đích giáo dục. Nó chỉ là sự "trút giận" của người lớn lên trẻ nhỏ, của bề trên lên những người dưới quyền mình. Trừng phạt thân thể mang tính bạo lực, khiến người bị phạt đau đớn về thể xác, nhục nhã, xấu hổ về tinh thần. Nó không khiến người có lỗi nhận ra lỗi lầm, mà chỉ gieo rắc oán hờn, căm giận, có ý trả thù.

Rất nhiều trường hợp cha mẹ đánh đập, sỉ nhục, hành hạ con cái là sự trừng phạt thân thể, mang tính bạo lực, nhưng được núp dưới danh nghĩa "giáo dục con nên người", bởi lý giải "yêu cho roi cho vọt"!

5 điều nên làm khi con có lỗi

Cho con cơ hội trình bày

Phần lớn trẻ phạm lỗi đều do vô ý, sơ suất. Nếu đứa con về muộn bởi bị lỡ chuyến xe buýt, vừa về đến cửa đã bị bố ra đánh, tát, vì cho rằng nó la cà, mải chơi... thì oan cho trẻ quá. Nếu đứa trẻ muốn tự khẳng định mình đã lớn, lấy dao gọt trái cây cho em hay cho bản thân, sơ ý bị đứt tay, lại bị mẹ quật roi vào mông, nó sẽ không hiểu "tại sao lại thế".

Đứa con lỡ làm mất tiền đóng học, bản thân nó cũng xót xa, tiếc của, lo lắng, sợ hãi bị bố mẹ mắng, chửi, đánh đạp. Vậy mà không được ai thông cảm, lại còn bị bố bồi thêm cho trận đòn, mẹ "thưởng" cho "bài ca la lối" thì khác nào nó vừa bị đá, lại còn bị thêm một cái đạp, đau dớn sẽ nhân lên!

Hãy cho con cơ hội giãi bày lý do "tại sao lại thế". Nghe xong, có khi "cơn hỏa" trong cha mẹ sẽ dịu đi, đứa trẻ tránh được cơn trút giận vô lý. Có những người mẹ mắng oan con, sau lại ân hận, xót thương, xin lỗi. Những lúc ấy, sự ân hận của cha mẹ khó lòng bù đắp sự đau đớn của con.

Hãy thương lượng với trẻ

Đứa trẻ lười ăn bị mẹ đánh, nó đòi mua đồ chơi đắt tiền bị bố tát tai, giành ăn với em bị người lớn sỉ nhục... chỉ khiến nó sợ hãi, chứ không làm nó tiến bộ.

Nó không ăn, mẹ hãy nói: "Con không ăn thì thôi, mẹ không ép. Mẹ để thức ăn ở bàn (trong tủ lạnh), khi nào con thích ăn tự lấy mà ăn". Nó muốn chơi tiếp ở công viên, không chịu về, bố mẹ có thể thương lượng: "Bố mẹ cho con chơi thêm 10 phút nữa. Nếu sau 10 phút con không về, bố mẹ sẽ ra về. Con phải tự về nhé!".

Khi bé nghịch cát, bạn không nên quát mắng hay đánh bé mà đơn giản là bế bé đi ra chỗ khác. Đương nhiên, là bé sẽ khóc và nằng nặc đòi quay lại chỗ đó để nghịch tiếp. Lúc đó bạn nên tiếp tục bế con và ôm chặt vào lòng và thì thầm vào tai: "Nếu con cứ tiếp tục nghịch ở chỗ đó, bố mẹ sẽ không thả con ra và đưa con về nhà không cho chơi ở đây nữa".

Lúc này, chắc chắn bé sẽ trả lời là "không ạ", vì trẻ con đứa nào cũng muốn được nô đùa, chơi bời.

Hãy vận dụng nguyên tắc: "Nếu con không... thì bố mẹ sẽ...". Bí quyết của bạn khi vận dụng kỹ năng này là kiên trì, cương quyết nhưng không lớn tiếng hoặc đánh bé.

Kiên trì nói "không"

Khi trẻ mè nheo đòi một thứ gì đó, hãy nói "không" bằng một giọng hết sức nhẹ nhàng. Nếu con tiếp tục, bố mẹ cũng lặp lại bằng một giọng nhẹ nhàng như thế. Tuy nhiên, trẻ sẽ không dễ dàng chấp nhận lời từ chối đó của bạn. Nó có thể khóc lóc, vòi vỉnh, hờn dỗi, bỏ cơm, dọa bỏ đi...

Đối với những tình huống này bạn khong nên dễ dàng mủi lòng mà chiều theo ý con, như thế thì lần sau muốn đòi cái gì bé sẽ áp dụng... biện pháp đó. Bạn cứ để nó được làm điều nó muốn, không dỗ dành, không quát nạt hay dọa dẫm. Tất nhiên là phải nhớ để mắt đến con. Một lúc không thấy yêu cầu của mình được đáp ứng, trẻ sẽ phải "xuống thang". Để thành thạo được kỹ năng này, bạn cần hết sức kiên nhẫn, làm chủ cảm xúc chức đừng để bé dẫn dắt tình cảm của mình. Trẻ rất "khôn" trong việc nắm bắt tình cảm của cha mẹ.

Sai đâu phạt đó

Nơi trút giận của cha mẹ thường là những vùng nguy hiểm trên thân thể con cái như mặt, đầu, tay, chân. Tại sao trẻ lười nuốt, ngậm thức ăn, lại bị cha mẹ tát vào miệng? Làm như thế nó sẽ có liên tưởng xấu, nghĩ đến hai tiếng "ăn uống" là nghĩ đến "đòn roi". Như vậy chỉ khiến trẻ ác cảm hơn với sự ăn uống, coi ăn uống là cực hình, như vậy phản tác dụng.

Không nên đánh nếu trẻ vô ý làm hư hỏng đồ đạc, vì như thế, trẻ sẽ cảm thấy đồ đạc quan trọng hơn con người... Cần cho trẻ hiểu trẻ bị phạt về lỗi gì, chỉ có lỗi đó đáng bị phạt chứ không phải toàn bộ con người trẻ đáng bị "ăn đòn".

Cha mẹ cũng cần học cách kiềm chế cảm xúc bị phạt trẻ. Mục đích của bạn không phải là cho con một bài học nhớ đời mà muốn nhắc con nhớ, hành động sai trái nào cũng sẽ có những hình phạt tương xứng, vì thế cần biết điểm dừng và nhìn ra cái sai của mình, bạn đừng nhắm mắt, quát con túi bụi.

Lấy công chuộc tội

Người phạm tội mà thành khẩn khai báo còn được hưởng "khoan hồng", phạm nhân phạm tội còn được "cải tạo lao đồng". Tại sao con cái chúng ta khi mắc lỗi lại nhất thiết bị hưởng đòn roi, sỉ nhục?

Thay vì la mắng hay đánh trẻ, cha mẹ hãy yêu cầu con làm vài việc tốt để chuộc lỗi. Nhưng trước khi yêu cầu con làm việc gì đó, hãy giải thích cụ thể về hành vi sai của con, sau đó đưa ra vài việc nhà để con lựa chọn. Chẳng hạn đi chợ cho mẹ một buổi, nấu cơm cho cả nhà trong ba ngày, lau phòng của mình cả tuần... hay đơn giản hơn là sắp xếp lại tủ sách, tủ quần áo. Ngay cả khi dùng biện pháp "lấy công chuộc tội" cũng không cưỡng bức, mà đưa ra nhiều việc khác nhau để trẻ lựa chọn.

Người lớn cần thường xuyên tự kiểm tra xem mình có thường xuyên giận dữ không? Nếu bạn liên tục mất bình tĩnh, thường hay cáu gắt, đánh đập con vô cớ chỉ vì những lỗi rất nhỏ, chứng tỏ vấn đề ở "cái đầu" của bạn, cần điều chỉnh ngay. Hãy nhớ rằng nếu bạn nổi nóng, đánh mắng con thì con bạn sợ bạn chứ không hề hình thành ý thức tự sửa lỗi.

Theo Duy Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.