Lời đề nghị quá sức chịu đựng của ông chồng cả năm chỉ đưa cho vợ đúng 100 nghìn

Sắp tới là đám cưới của em gái Bách, Trà đang đau đầu không biết phải mừng cưới thế nào cho phải. “Không có nhiều cũng phải cho được 5 chỉ vàng. Không thì người làm anh trai như anh biết giấu mặt vào đâu!”, Bách đáp thản nhiên.

Sắp tới là đám cưới của em gái Bách, Trà đang đau đầu không biết phải mừng cưới thế nào cho phải. “Không có nhiều cũng phải cho được 5 chỉ vàng. Không thì người làm anh trai như anh biết giấu mặt vào đâu!”, Bách đáp thản nhiên.

Vợ chồng Trà - Bách đến với nhau qua mai mối. Tuy kết hôn được hơn một năm nay nhưng vẫn đang "kế hoạch", chưa “dám” có con, dù tuổi tác hai người không còn quá trẻ. Nguyên nhân đương nhiên là vì kinh tế eo hẹp. Lương của hai vợ chồng không cao, bố mẹ hai bên gia đình cũng chẳng khấm khá gì. Đã vậy, chi tiêu trong nhà từ lúc cưới nhau tới giờ đều do một tay Trà lo liệu. Lương của Bách, anh nói một phần phải gửi về cho bố mẹ chữa bệnh, phần để bản thân tiêu, phần để trả nợ dần dần, vậy là hết sạch. Cứ thế thử hỏi sao Trà dám sinh con bây giờ?
 
Ban đầu Trà cũng thấy không thoải mái vì cô cảm giác Bách cưới vợ về không những không phải lo lắng cho ai mà còn được vợ nuôi. Nhưng Bách ngọt nhạt, hứa hẹn đủ điều, nào là bây giờ bố mẹ anh có bệnh nên cần tiền thôi, chứ ít nữa các cụ khỏe lên thì cũng không cần phải hàng tháng đều đặn biếu tiền như thế nữa. Nào là nợ của anh có một món từ hồi chưa cưới, anh cũng sắp trả xong rồi. Nào là anh sẽ cố gắng phấn đấu chăm chỉ làm việc để kiếm nhiều tiền, khi nào anh có anh sẽ chẳng tiếc vợ điều gì. Đến nước này thì Trà cũng chỉ còn cách ngậm ngùi chấp nhận. Thôi thì đã là vợ chồng, lúc hoạn nạn khó khăn cũng nên gánh vác, san sẻ với nhau chứ!
 
Cũng chính vì giao hẹn ấy mà cả một năm trời sau khi kết hôn, đồng lương của Bách thế nào Trà chưa một lần được thấy mặt. Mọi thứ chi tiêu trong nhà đều do Trà lo liệu, hết tiền thì ăn rau, tuyệt nhiên Bách không đóng góp hay chủ động mua sắm thứ gì. Quà cáp cho vợ những ngày lễ tết nọ kia cũng chỉ là giấc mơ xa vời tầm với.
 
À, nói vậy cũng không đúng. Có một sáng thứ Bảy, vừa hay cuối tháng hết tiền, cô lấy ví đi chợ nhưng chỉ còn vài đồng lẻ, bèn bảo Bách đưa tiền để cô đi chợ, buổi trưa có cậu em họ đang học đại học tới nhà chơi. Bách cau mày khó chịu, mãi mới rút ví đưa cho cô 100 nghìn, kèm theo lời dặn: “Mua bán tiết kiệm thôi, nhà mình có giàu có gì đâu!”. Trà cứng họng. Bách đưa có 100 nghìn, hỏi cô phải tiết kiệm với tính toán chi tiêu kiểu gì? Đấy, cả năm trời có đúng một lần duy nhất là Bách chịu rút ví như vậy. Thậm chí năm hết Tết đến, quà biếu cho bố mẹ hai bên cũng là cô lấy tiền thưởng Tết của mình ra mua, Bách thì vẫn điệp khúc “anh dồn trả nợ hết rồi”.

Lời đề nghị khủng khiếp của ông chồng cả năm chỉ đưa cho vợ được đúng 100 nghìn
Ảnh minh họa
 
Sắp tới là đám cưới của em gái Bách, Trà đang đau đầu không biết phải mừng cưới thế nào cho phải. Ít quá thì không được, vì dù sao cũng là người thân trong nhà. Mà nhiều quá, thì cô lấy đâu ra. Bỏ ra nửa tháng lương mừng cưới em ấy, rồi cả tháng hai vợ chồng ăn mì tôm vậy!
 
Đúng lúc Trà đang băn khoăn thì Bách bảo: “Em định mừng cưới em ấy nửa tháng lương á? Lương em được 5 triệu, vị chi mừng em ấy có 2,5 triệu á?”. Trà hỏi lại chồng: “Vậy theo anh mừng bao nhiêu thì được?”. “Không có nhiều cũng phải cho được 5 chỉ vàng. Không thì người làm anh trai như anh biết giấu mặt vào đâu!”, Bách đáp thản nhiên.
 
Trà giật nảy mình. 5 chỉ vàng? Cô hồ nghi hỏi lại anh: “Anh có nhiều thế à? Sao anh nói lương anh tháng nào hết tháng đấy?”. Bách lườm vợ: “Anh lấy đâu ra”. Trà tròn mắt: “Em cũng lấy đâu ra. Tháng nào xào hết tháng đấy, còn thiếu ấy chứ!”. “Em có vàng hồi môn đấy thây!”, Bách gợi ý. Trà sững sờ, nhìn chăm chăm vào chồng để tìm ra ý tứ đùa cợt trong mắt Bách nhưng rõ ràng cô đã phải thất vọng, anh chẳng có vẻ gì là đang đùa cả.
 
Thấy vẻ mặt của vợ, Bách có vẻ giận: “Em nhìn anh thế là có ý gì? Vàng hồi môn của em thì cũng là của cải chung của gia đình, giờ có việc phải mang ra dùng là đúng rồi còn gì. Hay em muốn phân chia tiền anh tiền em, tiền chung tiền riêng? Vợ chồng mà kiểu tính toán phòng thủ như thế thì còn gọi gì là vợ chồng nữa! Hay em khinh anh giờ không có tiền đưa em, nên cưới em gái anh em cũng không hết lòng?”.
 
Trà nghẹn lời không nói được gì. Bách nói thế, nếu cô không đồng ý, thành ra cô sẽ là kẻ mang đủ tội danh trên người mất. Nhưng thú thật, kể cả có cưới em gái cô, cô cũng chỉ cho 1-2 chỉ vàng là cùng, vì khả năng của cô chỉ đến vậy. Trà bảo chồng như vậy thì Bách nổi khùng: “Em gái em là việc em gái em, còn em gái anh thì phải mừng 5 chỉ mới được! Ở quê anh người ta toàn thế, mình không thế thì ra đường làm sao dám ngẩng mặt nhìn người nữa! Em có bỏ vàng hồi môn ra không, nếu không thì anh đi vay nặng lãi mừng em gái anh cũng được. Đúng là khác máu tanh lòng mà!”.
 
Nhìn chồng giận dữ bỏ đi, Trà chỉ biết cười khổ. Giờ cô bỏ vàng ra mừng em chồng cũng không đành, thứ nhất cô thấy số tiền mừng như thế quá lớn, thứ hai vàng hồi môn là kỉ niệm của cô, chẳng lẽ vì mừng cưới em chồng mà phải mang bán? Nhưng cô không đồng ý với yêu cầu của Bách thì cũng dở, anh đi vay nặng lãi rồi è cổ ra trả lãi cũng chết, nhất là không khí gia đình ắt hẳn sẽ căng như dây đàn, chẳng có phút nào được vui vẻ nữa cho mà xem. Trà bấn loạn vô cùng, cô phải làm sao mới được đây?

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.