Lý do chàng sợ "lên chức"

Vợ sắp sinh em bé - nhưng thay vì cảm thấy hạnh phúc khôn xiết, ông bố tương lai lại chỉ cảm nhận được sự lo lắng, thậm chí sợ hãi, thử tìm hiểu lý do và cách khắc phục, giúp bố vượt qua những nỗi lo sợ của mình nào!

"Tôi đang đánh răng thì nghe thấy tiếng bà xã gọi - cô ấy có dấu hiệu sinh. Vịn một tay vào thành giường, khuôn mặt vợ tôi vừa nhăn nhó vì đau nhưng đồng thời cũng thế hiện sự vui mừng và hào hứng vì 9 tháng "mang nặng" đã sắp kết thúc. Tôi cố cười, trấn an bà xã, và hơn nữa, không lẽ sắp được gặp con mà lại không vui? Thật sự, lúc ấy tôi như hóa đá. Các lớp học tiền sản tham gia cùng vợ, những lần ngắm con gái qua màn hình siêu âm hay mua sắm vật dụng cho con dường như chưa từng hiện diện: Bây giờ, ngay phút giây này đây, cái sự "làm bố" mới thật sự "có thật". Và tôi sợ!". - Anh Tuấn, ông bố của một cô con gái 3 tuổi rưỡi nhớ lại. Và cảm giác của anh không phải là cá biệt, ngược lại, có rất nhiều ông bố thú nhận là mình cũng không "hạnh phúc 100%" trong những giây phút đầu tiên "lên chức".

Dùng từ "thú nhận" vì các bố cũng áy náy lắm, có con lẽ ra phải là giây phút tuyệt vời, phải thật sự vui mừng chào đón thiên thần nhỏ chứ! Bố sợ gì thế?

Vợ sắp sinh em bé - nhưng thay vì cảm thấy hạnh phúc khôn xiết, ông bố tương lai lại chỉ cảm nhận được sự lo lắng

Cảm giác vô dụng

Rất yêu vợ, và biết là vợ đang rất đau đớn: Bà xã thì la khóc, nước mắt và mồ hôi hòa chung, chảy ròng ròng trên mặt, thế mà mình chẳng làm được gì khác ngoài việc nắm tay, vuốt ve. "Ráng lên em". Bố thường sẽ có cảm giác bất lực, cảm giác là "người ngoài cuộc" mặc dù bé con là "thành quả" của cả hai vợ chồng.

Giúp bố thế nào? Để giảm bớt cảm giác này, bố cần được "tham gia" vào quá trình vượt cạn của bà xã. Ở những tháng cuối của thai kỳ, khi mẹ phải tham vấn bác sỹ về cuộc sinh nở, mẹ hãy tạo điều kiện để bố "đồng hành" - Bố có thể chủ động tìm hiểu về phương pháp giảm đau cho mẹ, cách thức gây tê ngoài màng cứng chẳng hạn, xem trước phòng, giường nằm của mẹ và con, hỏi thăm về quy trình sinh nở: Em bé khi vừa sinh ra sẽ được cắt dây rốn như thế nào, làm sạch đàm nhớt ra sao, bố có phải cho em bú bình trong khi chờ mẹ hồi sức...

Lo lắng về tài chính

"Trời sinh voi trời sinh cỏ" có lẽ không còn áp dụng được trong cuộc sống gia đình hiện đại. Sự thật là ngày nay, nuôi một em bé khá tốn kém: sữa (nếu bé không bú mẹ, hoặc bú không được lâu), tã, thêm người giúp việc, rồi quần áo, vật dụng, thuốc men... chưa kể trong những trường hợp bà xã quyết định nghỉ hẳn ở nhà để chăm con thì còn "nặng" hơn nữa, bố sẽ phải gánh trên mình chi phí cho cả nhà.

Giúp bố thế nào? Đừng để vấn đề tiền bạc làm giảm đi niềm hạnh phúc làm cha mẹ. Trước khi bé chào đời, bố mẹ hãy cùng ngồi liệt kê hết các khoản chi tiêu trong gia đình và đưa ra định mức phù hợp, ví dụ, bố mẹ có thể sẽ phải cắt bớt một vài thú vui của mình: Không sắm ti vi mới, bỏ bớt chuyến du lịch nước ngoài, không đi xem phim ở rạp thường xuyên như xưa... Bây giờ bố mẹ đã có bé là niềm vui rồi!

Chưa sẵn sàng làm phụ huynh

"Có con là dấu chấm hết của thời trai trẻ" - là suy nghĩ khá phổ biến của các ông bố tương lai. Các bố thường lo lắng khi phải trở thành người lớn với rất nhiều trách nhiệm, không còn được la cà với "chiến hữu", đi ăn khuya hay tham gia các sự kiện "đàn đúm" như đi đá bóng, bi-da, "họp lớp" chẳng hạn.

Giúp bố thế nào? Có con không có nghĩa là bố không thể tham gia các hoạt động của tuổi trẻ, chỉ có điều bố sẽ phải lên kế hoạch và thu xếp thời gian biểu cho hợp lý hơn thôi. Sẽ mất một khoảng thời gian tương đối để bố thật sự nhận ra rằng trưởng thành không có nghĩa là già đi.

Mình có là ông bố tốt?

Ngoại trừ những hoàn cảnh cá biệt, trong đa số các trường hợp, hiểu biết của bố tương lai về việc bế con, cho con bú, thay tã... là số 0 tròn trĩnh. "Bản năng" chăm sóc con của bố thường không mạnh mẽ bằng mẹ, nên dù cùng là "lần đầu tiên", mẹ kiểu gì cũng sẽ tự tin hơn bố. Mà, không bế được con thì có thể làm ông bố điểm 10 được không?

Giúp bố thế nào? Bố cần xác định tư tưởng: Không ai có thể trở thành chuyên gia sau một đêm hết. Bố hãy dũng cảm "thả" mẹ đi xả hơi đâu đó một ngày và ở nhà, một mình chăm sóc con. Càng có nhiều thời gian gần con, bố sẽ càng tự tin và mạnh dạn trong thao tác bố ạ.

Liệu mình còn có thể tập trung vào công việc?

Qua rồi cái thời "mẹ bù đầu chăm con, bố nằm gác chân xem bóng đá", các ông bố hiện đại ngoài giờ làm thường sẽ phụ giúp bà xã chơi với con, thậm chí xung phong "trực ca đêm" để cho con bú. Thế nên khi bé vừa chào đời, bố sẽ ngay lập tức băn khoăn "Liệu mình còn có thể tập trung vào công việc?" Không thể một tuần tiếp khách 5 buổi tối hay làm thêm giờ triền miên mỗi khi công việc bước vào giai đoạn "cao điểm" được, đi "biền biệt" như vậy, bé con cứ thấy bố lại khóc vì "lạ" thì sao?

Giúp bố thế nào? Bố thử chia sẻ kinh nghiệm với các mẹ đi làm xem sao. Từ bao lâu nay, phụ nữ vẫn có khả năng vừa quán xuyến việc nhà, vừa hoàn thành công việc đấy thôi, và bí quyết có lẽ không có gì ngoài sự linh hoạt: Bố có thể đi làm sớm hơn vào buổi sáng, tập trung cao độ để làm việc được hiệu quả và có thể về đúng giờ cơm, ăn uống và chơi với con vài giờ trước khi bé lên giường đi ngủ.

Mình có còn được bà xã quan tâm?

Kịch bản phổ biến: Mẹ mải mê chăm sóc con, thời gian rảnh thì tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức, bố thì cảm thấy bị bỏ rơi, thậm chí, mẹ và con có thể ngủ phòng riêng hoặc dọn hẳn về bên ngoại cho tiện, thế là bố càng cô đơn.

Giúp bố thế nào? Thôi thì bố nhường mẹ cho con trong 1, 2 tháng đầu nha. Nói thế thôi, chứ có rất nhiều cách để bố mẹ có thể gần gũi, kết nối trở lại, ví dụ như tranh thủ mỗi buổi chiều cho con đi dạo, bố có thể đi chung, cảm giác cũng không khác những buổi hẹn hò lúc xưa đâu bố ạ, vì thật ra bé sẽ thiu thiu ngủ trong xe đấy, chẳng làm phiền bố mẹ đâu.

Theo Bánh Mì

TIN LIÊN QUAN Những ông bố mắc chứng "nghiện"... con Khóc, cười chuyện lần đầu làm bố Thời gian của bố Những ông bố mê con gái 10 cách để trở thành ông bố tốt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.