Mẹ bất lực vì con nóng tính như lửa

Con nóng tính là một trong những tình huống khiến bố mẹ mất ăn mất ngủ.

Con nóng tính là một trong những tình huống khiến bố mẹ mất ăn mất ngủ.

Stress vì con nóng tính

Cứ 7 ngày bé Su đi học, thế nào trong đó cũng có tới phân nửa số ngày là chị Nhàn (An Dương, Hà Nội) được cô giáo gọi điện mời tới để nói chuyện. 

Dù mới 3 tuổi nhưng bé nóng tính, cục cằn, cứ không ai làm vừa ý bé điều gì là bé sẽ quát nạt, đánh thậm chí là cắn lại ngay. 

Đó chính là nguyên nhân chị Nhàn được cô giáo gọi tới để nói chuyện. Cô giáo nói rằng có nhiều nguyên nhân khiến bé nóng nảy nhưng đa số quy tụ lại hai nguyên nhân chính: gia đình có “tiền sử” hay mâu thuẫn, bé được chiều chuộng quá. 

Cô giáo không cần nói thêm vì chị Nhàn cũng thừa biết tính này từ đâu ra. Chị thừa nhận luôn: “Do cả hai. Bố nó chiều con kinh khủng, con thích gì, muốn gì là bố nó đáp ứng hết. Khi con sai, mẹ có nhắc nhở, tét vào mông là bố nó lại hầm hầm lên như lửa mắng mình xơi xơi. Thế là từ bé tới lớn, nó có biết sợ ai đâu”.

Càng lớn, Su càng dễ cáu mà khi cáu thì bé thường quát tháo, cắn, cấu, đánh, đủ thứ trò. 

Anh Bắc – chồng chị là một nạn nhân thường xuyên của bé. Không vừa ý điều gì là bé lấy tay đánh tới tấp vào mặt bố. Chị can, mắng nhẹ bé: “Con làm thế là hư, sao lại đánh bố?”.

Con nóng tính là một trong những tình huống khiến bố mẹ mất ăn mất ngủ (Ảnh minh họa)


Chưa dứt lời, bé đứng như trời trồng, mặt đỏ phừng phừng, miệng thì hét um lên như tầu hỏa. Thấy con khó chịu, anh mắng lại chị: “Nó đánh yêu bố nó, sao em cứ to tiếng thế nhỉ? Nhà như cái chợ”.

Nghe thế, Su đang khó chịu bỗng thoải mái hẳn ra, bé cứ nghĩ là hay, cắn bố tới tấp.  

Cũng có con nóng tính như lửa là nhà chị Thùy (Bạch Đằng, Hà Nội), bé không cắn, cấu hay đánh người khác nhưng bé thường làm vậy với chính bản thân mình. 

Lần vừa rồi, vợ chồng chị Thùy cho con về quê thăm ông bà. Nhìn thấy con chó to ở nhà ông bà, bé thích lắm, bé cứ chạy theo cầm đuôi nó. 

Chị tâm sự: “Lúc đó, sợ con bị bẩn, lại ngộ nhỡ con chó lồng lên cắn, mình ngăn không cho con trêu nó, ngay lập tức, bé lấy tay đập lấy đập để vào đầu mình rồi còn bảo ‘chó này, ra cắn Mi đi, cho chết đi’. Thế mới sợ chứ!”. 

Rồi có lần, thấy bạn hàng xóm có con búp bê đẹp, bé đòi mẹ mua. Khi mua về, thấy “bạn này không giống bạn kia”, thế là bé ngắt luôn đầu búp bê quăng qua ban công. Chị giận quá, đét vào mông con thì bé đập đầu xuống thành giường, nôn trớ dữ dội.

Chị tâm sự: “Nhìn bạn bè nuôi con dễ dàng mà mình ghen tị vô cùng, mình không biết phải xử lý tính như lửa của con như thế nào?”

Cách hạ hỏa cơn bực dọc của con

Đứng trước tình huống con không nghe lời, giận dỗi, cấu, cắn, đánh người lớn, ăn vạ, tự đánh bản thân mình, la hét… bố mẹ không nên nhượng bộ, đồng tình, trước hết cha mẹ cần phải bình tĩnh, kiên nhẫn. Việc nhượng bộ theo sẽ khiến bé không phân biệt được hành động nào là đúng, hành động nào là sai, bé sẽ luôn làm vậy để được thỏa mãn yêu cầu của mình.  

Điều bạn có thể làm vào lúc này đó là lờ đi, hoặc đánh lạc hướng bé sang một vấn đề mới. Bạn hãy dũng cảm cho bé khóc, thậm chí nôn trớ, lúc cơn giận lắng xuống, lúc này bạn an ủi vỗ về bé cũng chưa muộn. Khi trẻ có biểu hiện nóng nảy, bạn có thể nói với bé rằng: “Mẹ sẽ ra ngoài khoảng 5 phút và sẽ trở lại”. 5 phút đó bé sẽ giúp bé thư giãn và trấn tĩnh lại.

Bên cạnh đó, cha mẹ thường xuyên nên nói chuyện, lắng nghe điều bé nói. Thực chất, hành vi nóng nảy của con là do bé con nhỏ, chưa biết cách cư xử đúng mực, chưa làm chủ tốt được hành vi của mình.

Cha mẹ nên thường xuyên kể cho con nghe những câu chuyện ngụ ngôn về loài vật, về những cách hành xử tương tự để “mưa lâu thấm dần”, bé sẽ tự điều chỉnh mình. 

Một khi bé có những bước tiến bộ vượt bậc, bạn hãy đừng tiếc lời khen tặng chúng. Bên cạnh đó, bạn nên dạy con cách biết tự mình kiểm soát bản thân. 

Chị Mai (Quận 1, TP HCM) chia sẻ cách hạ hỏa con mình như sau. Bé Bo, con chị cũng khá nóng nảy, một hôm hai bố con đang ngồi chơi xếp hình, Bo xếp chậm hơn bố thế mà bé cũng gắt gỏng, hết tung cả bộ xếp hình lên, bố đánh thì bé khóc. 

Lúc đó, chị Mai khuyên nhủ con: “Con có thể tức giận, nhưng ném hay phá bĩnh như thế này thì không được”. Tuy câu nói cũng nhẹ nhàng, không mạnh mẽ như những cái đánh của bố, nhưng có vẻ bé hiểu dần ra một điều: hành vi nóng nảy của mình không được hưởng ứng.

Theo TTVN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.