Mẹ chồng - nàng dâu: Đại chiến muôn thuở

Dù là mẹ chồng và nàng dâu, thì họ vẫn là những người phụ nữ, họ ít nhiều có những tương đồng trong số phận và rất dễ tìm được tiếng nói chung nếu chịu khó gần nhau và lắng nghe nhau hơn.

  • Dù là mẹ chồng và nàng dâu, thì họ vẫn là những người phụ nữ, họ ít nhiều có những tương đồng trong số phận và rất dễ tìm được tiếng nói chung nếu chịu khó gần nhau và lắng nghe nhau hơn.

“Nhật ký mẹ chồng” là tựa đề cuốn sách thuộc thể loại tiểu thuyết gia đình của tác giat Maria Metlitskaya (Nga). Cuốn sách được viết như dạng một hồi ký cá nhân, mà người viết đứng ở chủ thể là một mẹ chồng kể lại câu chuyện của chính mình và câu chuyện của những người xung quanh.

Toàn bộ cuốn sách trung thành vời chủ đề đặt ra, xoay quanh trục quan hệ bất hủ: Mẹ chồng – nàng dâu.

Có thể nói, xung đột mẹ chồng – nàng dâu là một xung đột gia đình rõ ràng không phải là “đặc sản” của bất cứ quốc gia nào. Người ta có thể tìm thấy những câu chuyện trong cuốn sách hình ảnh gia đình mình, dù là con dâu hay mẹ chồng. Cũng hoàn toàn có thể đưa ra những kiến giải nho nhỏ vì sao sự xung đột này lại là sự xung đột điển hình trong nhiều gia đình như vậy, bên cạnh đó cũng là những câu chuyện thấm đẫm nhân văn, những bài học giá trị để cân bằng mối quan hệ phức tạp ấy.

Không phải đến cuốn sách này mà nhiều ý kiến khác cũng chỉ ra, một trong những nguồn cơn châm ngòi cho cuộc chiến mẹ chồng – nàng dâu thường được phát động bởi mẹ chồng. Nguyên do có yếu tố quan trọng là tình cảm mà người mẹ ấy dành cho đứa con của mình, một đứa con mà bà vất vả nuôi dạy, yêu thương và rồi được trân trọng. Ấy thế nhưng, khi một người đàn bà chẳng có liên quan gì về huyết thống bỗng dưng xuất hiện, người đàn bà với tư cách là vợ, là con dâu ấy trở thành người chia tách mối quan hệ huyết thống giữa mẹ và con trai.

giai ma 'dai chien' me chong nang dau - 1

Trong nhiều cuộc chiến, người đàn ông hoặc đứng về phía vợ phê bình mẹ, hoặc đứng về phía mẹ để phê bình vợ. (ảnh minh họa)

Âm ỉ trong người mẹ là một cảm giác bị đẩy ra bên ngoài của sự quan tâm. Nguyên do này cũng ít nhiều được nhân vật xưng tôi, mẹ chồng trong tiểu thuyết kể trên đề cập. Trong đó, nhân vật tôi đã dẫn lại câu chuyện tiếu lâm: Người mẹ mất 20 năm để nuôi dạy đứa con trai thành người, còn cô gái của nó chỉ mất 20 phút để biến nó lại thành một thằng ngốc.

Bà mẹ nào cũng muốn đứa con trai của mình khôn lớn trưởng thành, đến tuổi muốn nó lấy vợ và có một đứa con. Ấy thế nhưng người mẹ ấy cũng luôn canh cánh một nỗi lo thường trực: Sau khi có vợ thằng con trai ấy còn nghe lời mình không? Thực tế chứng minh, đàn ông khi có vợ thường có diễn biến theo hướng đáng lo ngại của các bà mẹ. Đàn ông sợ vợ lại là điển hình của điều này.

Trong cuốn sách này, nhiều câu chuyện cũng được kể ra về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Dĩ nhiên, theo phương thức phổ biến đó thường là mối quan hệ bất thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhưng nó đồng thời cũng đưa ra nhiều lời khuyên khéo léo. Một người đàn ông bị đặt vào tình huống một bên là vợ, một bên là mẹ. Người mẹ ấy yêu quý khu vườn của mình và muốn nó là một thảm cỏ xanh non, nhưng người vợ lại có ý tưởng thực tế hơn, cô xới nó lên và trồng vào đó những luống rau. Xung đột nổ ra. Người đàn ông bị kẹt vào thế phải lựa chọn. Anh lặng lẽ đi thuê những người lao động tự do về nhổ bỏ đi những luống rau, hậu quả do vợ gây ra để vừa lòng mẹ mình, nhưng anh cũng đồng thời tinh tế để lại một luống rau nho nhỏ để làm vừa lòng thú vui trồng rau của vợ. Xong xuôi đâu đấy, anh gặp hai người phụ nữ quan trọng của mình để nói về những điều chưa đúng trong cách hành xử của cả hai. Rất nhanh chóng, chiến tranh được tháo ngòi ở những phút căng thẳng nhất.

Ấy là một người đàn ông thông minh. Nhưng những người đàn ông thông minh, khéo ứng biến và đủ dũng cảm để đứng ở giữa hai người đàn bà như thế lại rất hiếm ngày nay.

Trong nhiều cuộc chiến, người đàn ông hoặc đứng về phía vợ phê bình mẹ, hoặc đứng về phía mẹ để phê bình vợ. Người nhút nhát hơn thì tìm cách tránh né nó và nhường cuộc chiến lại cho hai người phụ nữ. Dĩ nhiên, cả hai người phụ nữ chẳng mấy khi tự điều hòa được mối quan hệ không êm ấm đó.

Cuối cuốn sách, tác giả đưa ra nhiều lời khuyên cho mẹ chồng. Lời khuyên có tính phổ quát nhất đó chính là mẹ chồng trước khi phán xét con dâu của mình hãy nghĩ về vụng dại của bản thân. Đừng xét nét những gì con dâu làm, đừng trở thành một thanh tra viên thường xuyên đến nhà một cách bất thình lình không báo trước, tôn trọng khác biệt và điều chỉnh cảm xúc….

Đằng sau những cuộc chiến còn là những câu chuyện mẹ chồng nàng dâu đẫm đầy cảm động. Một cô con dâu chia tay chồng nhưng vẫn khẳng định, chỉ có chồng cũ chứ không có mẹ chồng cũ, còn mẹ chồng thì luôn động viên con dâu của mình đi thêm bước nữa. Có cô con dâu khi đã chia tay chồng vẫn tình nguyện ở lại chăm sóc mẹ chồng đến hết đời bằng sự thương xót của một người đàn bà với một người đàn bà khổ hạnh khác.

Dù là mẹ chồng và nàng dâu, thì họ vẫn là những người phụ nữ, họ ít nhiều có những tương đồng trong số phận và rất dễ tìm được tiếng nói chung nếu chịu khó gần nhau và lắng nghe nhau hơn. Hãy là những người mẹ chồng tốt, là người con dâu tốt, đừng bị áp lực chuyện con dâu, mẹ chồng mà hãy đối xử chân thành với nhau như hai người đàn bà thật sự yêu mến vì đã có thời gian gắn bó...

Theo Khám phá



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.