Mẹ ơi, con ghét đi học

Trẻ con một khi đã thích trường học thì chúng sẽ tập trung vào việc học và đạt kết quả tốt. Thế nhưng nếu vào một ngày đẹp trời, con của bạn đột ngột "tuyên bố":"Đi học chán lắm!" hay tệ hơn thế là "Con ghét đến trường" thì bạn nên xử trí thế nào?

Kết quả học tập của con bạn không tốt là do bé không hề có hứng thú, cũng có thể là vì bé chưa học đúng sức mình. Đã bao giờ bạn để ý rằng việc ghi nhớ đối với trẻ này là dễ dàng nhưng lại rất khó khăn đối với một trẻ khác? Một ví dụ cụ thể là con gái bạn có thể hình dung bản đồ địa lý trong đầu sau khi nhìn bằng mắt, trong khi con trai bạn lại cắn đầu bút chì không dứt, khó có thể ngồi yên và tập trung.

Bé học theo cách nào?

Một số trẻ học bằng thị giác. Khi nhìn thấy thứ gì đó mới lạ, chúng dễ dàng ghi nhớ vào đầu. Những trẻ này tập trung và học tốt nhất nếu chúng được nhìn những hình ảnh nhiều màu sắc, vẽ, đọc truyện...những thứ kích thích thị giác.

Nhóm trẻ khác lại thích học bằng cách nghe và nói. Các bé phải được nghe và nhắc lại thông tin mới có thể ghi nhớ được. Bé thích mấp máy môi nhẩm lại điều được học. Các bé cần tập nói với một người bạn, phát âm thành tiếng, tham gia vào nhóm thảo luận nhỏ...

Có những trẻ lại chỉ thích được thực hành trong suốt quá trình học. Vì vậy mà những bài toán, thí nghiệm, game, ghép mô hình hay những vở kịch ngắn lại trở nên hấp dẫn với trẻ. Ngược lại, ngồi trên ghế để học theo lối thị giác hay thính giác lại trở thành cực hình.

Không may rằng khi bậc cha mẹ thấy trẻ như vậy lại nghĩ rằng con mình quá hiếu động và tìm cách ngăn cấm. Nếu bạn giúp con mình tìm hiểu và khám phá cách học phù hợp, chắc chắn bé sẽ thành công trong lớp học. Việc học nhờ vậy mà trở nên nhẹ nhàng hơn, bé ghi nhớ nhanh hơn và nhớ được lâu. Và bé sẽ không còn cảm thấy ghét đi học nữa.

Môi trường học tập giúp bé yêu thích việc học

Để giúp con bạn bộc lộ được khả năng học tập tốt nhất, điều quan trọng là cần xem môi trường học tập như thế nào là phù hợp với bé nhất.

Thời gian: Con bạn càng lớn thì thời điểm phù hợp cho việc học cũng dần thay đổi, đó là lí do bạn thường xuyên để ý xem những bài tập về nhà của con được hoàn thành vào sau bữa tối hay ngay bữa sáng. Hãy sắp xếp thời gian của con sao cho các bé làm những bài tập khó nhất vào lúc chúng cảm thấy thích học nhất, còn bài dễ hơn thì "để dành" khi cảm hứng đã vơi đi.

Đồ ăn vặt: Hãy thử con bạn bằng cách đưa cho bé đồ uống hay bánh snack một vài lần rồi ngưng. So sánh qua những lần như vậy sẽ giúp bạn biết được thức ăn vặt sẽ là động lực hay trở ngại đối với con bạn. Tuy nhiên, với con trẻ, một thỏi sô-cô-la tuyệt hảo cũng là cách khuyến khích đấy!

Ánh sáng: Có trẻ thích học ở nơi sáng đèn và đồng thời cũng có những trẻ không thích ánh sáng trực tiếp chiếu vào nơi mình học. Vậy sao bạn không hỏi trong hai cách, bé chọn cách nào?

Bàn học và sàn nhà: Bạn có thấy thắc mắc khi con gái bạn có thể ngồi khoanh chân trên sàn nhà trong lúc bé trai lại thích ngồi vào bàn hàng tiếng đồng hồ? Cho dù cả hai vị trí này khiến bạn thấy không thoải mái thì không có nghĩa là trẻ cũng thấy khó chịu. Ngay cả việc tựa tay trên một chiếc ghế cũng có thể giúp bé có thành tích tuyệt vời nếu điều đó giúp con bạn tập trung thật tốt.

Hãy là người mẹ thấu hiểu: Hãy là một nhà thám tử tài ba để khám phá tính cách của con mình và xác định đâu sẽ là môi trường học tập tốt nhất cho bé. khi biết cách tập trung vào khả năng học tập của con, bạn sẽ giúp con trẻ trở thành những con người tài giỏi và có ích cho xã hội. Và trên tất cả, đây chính là nghĩa vụ thiêng liêng của bậc làm cha làm mẹ.

Theo Ngô Hòa



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.