Mẹ xây, con phá!

Tiêu tiền không chớp mắt là thói quen của một số cậu ấm, cô chiêu. Có lẽ họ cho rằng của cải là từ trên trời rơi xuống...

Tôi nhận được tin nhắn của chị Ngọc Thương, mời đến nếm thử món ăn của nhà hàng món Huế vừa khai trương. Chị là một trong những người phụ nữ có tiếng tăm trong làng kinh doanh ẩm thực Việt. Lúc đó, tôi đang đi công tác ở Thái Lan. Ngay khi về thành phố, tôi vội đến nhà hàng để chúc mừng chị.

Lạ thay, nhà hàng đóng cửa im ỉm, trước sân những chậu cây chúc mừng vẫn còn ngổn ngang. Trên cửa dán tờ giấy thông báo: “Nhà hàng đang tạm ngừng để sửa chữa”. Tôi vội lấy điện thoại ra gọi cho chị xem nhà hàng có chuyện gì mà mới khai trương đã phải sửa chữa. Bên kia đầu dây, giọng chị uể oải: “Chán lắm em ạ! Nó lại phá tiền của chị, hơn ba tỷ chứ ít ỏi gì. Con với cái, số chị sao cứ lận đận chồng con mãi thế này?”.

Trong bốn ngày mất hơn ba tỷ đồng

Nó ở đây chính là Thành Trung, một trong hai cậu ấm nhà chị. Năm nay Trung đã 28 tuổi, nhưng cậu vẫn không bỏ tính ham vui, giỏi tiêu tiền hơn làm việc.

Chồng chị bỏ theo người đàn bà khác khi Trung còn đang ẵm ngửa. Lý do duy nhất anh đưa ra là: “Tôi không thể chịu nổi cảnh chạy cơm ngày hai bữa cũng không đủ ăn, mở mắt là nghĩ đến tiền. Tôi muốn một cuộc sống thoải mái hơn”. Thế là anh theo một người phụ nữ khác lên máy bay đi định cư ở nước ngoài.

Hận chồng, ghét cái nghèo và muốn cho hai con một tương lai tốt nhất, chị dồn hết tâm sức làm giàu. Không bằng cấp, chị đem tài nấu ăn ra để làm giàu. Chị nhận nấu cỗ, học nâng cao tay nghề và xin làm trợ giảng ở trường nghề. Nhờ uy tín và tài nấu nướng, chị ngày càng được nhiều người ủng hộ và theo học. Những bài viết dạy nấu ăn của chị trên báo, đài cũng được nhiều người yêu thích do lối giảng dạy chân thật, dí dỏm. Chị kiếm được nhiều tiền hơn.

Để bù đắp sự thiếu thốn tình phụ tử của con, chị dồn hết tiền bạc đầu tư cho chúng. Các con muốn gì chị cũng chiều.

Vì thế, năm 16 tuổi, Trung đã ham chơi hơn ham học. Chị Thương thường phải lên trường xin cô giáo chủ nhiệm và ban giám hiệu bỏ qua tội trốn học cho con.

Trung theo bạn bè học đua xe, đi vũ trường và dính cả vào bồ đà. Mẹ vừa sắm cho chiếc Chaly đèn vuông, loại xe đắt nhất thời bấy giờ, Trung đã cùng bạn bè kéo nhau ra khu vực Thanh Đa “rửa xe”. Không chỉ thế, cậu còn mở tủ lấy của mẹ 1.000.000 đồng để “rửa xe” bằng bia.

Cậu không hề quan tâm đến chuyện mẹ phải đi dạy nấu ăn, nấu bao nhiêu mâm cỗ mới kiếm được 1.000.000 đồng. Thời điểm đó, chị nấu bữa cỗ gồm 20 thồi (mâm) chỉ lời nửa chỉ vàng, tức chưa đến 200.000 đồng.

18 tuổi, Trung bỏ học và nhất quyết không chịu thi vào trường đại học hay trường nghề nào. 22 tuổi, Trung vẫn đàn đúm bạn bè, ăn chơi rồi về xin tiền mẹ.

Mặc cho chị Thương khuyên nhủ, năn nỉ đến quát mắng, Trung kiên quyết: “Nhà mình đâu thiếu tiền mà phải học. Mai mốt mẹ cho con kinh doanh cái gì đó là được. Mẹ cũng có học nhiều đâu mà vẫn kiếm ra tiền đấy thôi!”.

Nghe con nói thế, chị vắt tay lên trán, suy nghĩ mấy đêm. Vài tuần sau, chị đưa Trung vào bếp của cơ sở nấu ăn gia đình do chị làm chủ. Bao bí quyết nấu ăn và nghệ thuật kinh doanh ẩm thực, chị truyền hết cho con. Nhờ lúc mẹ thúc giục, Trung cũng học được từ từ.

Ba tháng sau, chị Thương mở một nhà hàng món Việt ngay trung tâm thành phố. Khi mở nhà hàng này, mục đích chính của chị không phải để làm giàu thêm mà để con trai có việc làm, không lông bông nữa.

Chị nâng đỡ con trai hết lòng bằng tiền bạc và cả tên tuổi của mình. Để tạo nấc thang đầu tiên cho con, chị bỏ tiền để quảng bá nhà hàng và cả tài năng chẳng tới đâu của cậu con trai trên các phương tiện truyền thông. Chị nhường bước để Trung nổi bật. Đâu ai biết rằng phía sau hào quang “ông chủ nhà hàng trẻ tuổi, tài năng, khéo kinh doanh” của Trung là hình ảnh người mẹ suốt ngày bận rộn trong bếp nhà hàng.

Thế nhưng, cái hào quang đó cũng chỉ giữ chân Trung được chưa đầy nửa năm. Làm một thời gian, Trung quẳng hết cho mẹ liền. Chị Thương như kẻ há miệng mắc quai, không thể bỏ nơi mình đã đầu tư bao nhiêu vốn. Người mẹ ấy lại tất tả ngược xuôi, vừa quản lý nhà hàng vừa theo sát các lớp dạy nấu ăn, các chương trình hợp tác kinh doanh cùng các công ty thực phẩm...

Khi nhà hàng bắt đầu kinh doanh ổn định, chị chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, Trung đòi mở thêm một nhà hàng món Huế. Chị phản đối vì đó không phải là sở trường nhưng Trung tỏ ra rất kiên quyết và hào hứng nên chị cũng chiều con, hy vọng lần này Trung làm thật.

Thế rồi, một mình chị lại tất tả tìm mặt bằng, xây nhà hàng, tìm thợ thầy, nhân viên. Đến ngày khai trương, chị bị tăng xông máu và ngất xỉu phải vào bệnh viện. Vì vậy, cả nhà hàng loạn cả lên, khách than phiền, nhân viên thụt két, hóa đơn xuất sai, Trung rối vô cùng. Cuối cùng, cậu gom hết tiền hàng trong ba ngày khai trương bỏ đi Hà Nội. Không người trông coi, chị nản lòng, quyết định đóng cửa nhà hàng mới để sang nhượng. Chỉ trong bốn ngày, chị mất hơn 3 tỷ đồng.

Nằm trên giường bệnh, chị tâm sự với tôi mà nước mắt rơi ướt gối. Tay chị vẫn không thôi bấm điện thoại gọi con trai. Bên kia đầu dây vẫn chỉ là câu nói lạnh lùng: “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...”.

1001 kiểu phá của các cậu ấm

Câu chuyện nước mắt chảy ngược, mẹ xây con phá của chị Thương chỉ là một trong hàng trăm nỗi lòng của những bà mẹ có con “thiếu gia”.

“Lúc trước phải canh chồng có bồ nhí, đánh ghen rồi rơi bao nước mắt. Tưởng rời xa ông ấy mình nhẹ nhõm, ai dè cảnh cũ lặp lại. Bây giờ, tôi phải đi canh con trai”, chị Mai Thanh, 47 tuổi, chủ một cơ sở nhựa ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Cậu con trai 24 tuổi của chị dính vào khoản “trai gái” trong tứ đổ tường. Cậu ta liên tục đem tiền dâng cho các cô gái ở những quán bar, karaoke ôm...

Yêu cô nào cậu cũng cưng phụng từ A đến Z trong khi công việc thì không chịu làm. Kết quả, cậu thường xuyên thụt két nhà để dâng tặng người yêu.

Chị phải mướn thám tử theo dõi con và tìm đến nhà nói chuyện với những cô gái đó, xin buông tha con trai. Không ít lần chị phải bỏ tiền ra để gọi là “phí chia tay” cho các cô.

Công việc đình trệ, chị thường phải một mình rơi nước mắt bên mâm cơm nguội lạnh. Chị tâm sự: “Tôi nghe nói con trai hưởng đức mẹ. Tôi nhớ mình làm ăn lương thiện, thường cúng dường mà sao con trai tôi lại thế này...”.

Mỗi người một câu chuyện khác nhau nhưng điểm chung là tài sản do mồ hôi công sức của cha mẹ tích cóp đã theo các cậu ấm, cô chiêu bay ra cửa sổ. Không chỉ thế, tai tiếng của con cái còn khiến công việc và sức khỏe của họ bị ảnh hưởng.

Như trường hợp của chị Thương, sau khi nhà hàng đóng cửa, uy tín của chị trong lĩnh vực ăn uống cũng bị giảm sút. Chị bị hủy một số hợp đồng làm ăn và cũng không còn tâm trí nào tập trung vào công việc. Suy nghĩ nhiều khiến chị bị suy nhược thần kinh, sức khỏe ngày càng giảm sút. Chị bảo: “Chỉ cần thằng Trung nó tu tâm dưỡng tính, chịu khó làm ăn, mất bao của cải tôi cũng không tiếc...”.

Đi tìm nguyên nhân của “căn bệnh” phá của

Có một nghịch lý, khi cuộc sống phát triển, cơ hội làm giàu tăng lên cũng là lúc xuất hiện ngày càng nhiều kiểu cậu ấm, cô chiêu vung tay trên mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Đặc biệt, những trường hợp này thường xảy ra ở các gia đình không có đủ bố mẹ.

Tuổi của các “con phá của” thường không giới hạn. Không chỉ các cậu ấm, cô chiêu tuổi trẻ chưa suy nghĩ mà ngay cả những quý cậu, quý cô tuổi từ 25 trở lên vẫn khiến các bậc phụ huynh đau đầu vì tốc độ “phá két sắt gia đình”.

Theo chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai, “căn bệnh” phá của trước tiên xuất phát từ những gia đình khá giả trở lên.

Sự thành công trên thương trường thường đồng nghĩa với việc bố mẹ không dành nhiều thời gian cho con cái. Dù cố gắng sắp xếp và tự nhắc nhở mình, những ông bố, bà mẹ này vẫn không sao cân bằng thời gian cho công việc và gia đình. Đặc biệt, một khi đã lao vào vòng xoáy của đồng tiền và danh vọng, không ít người nảy sinh tâm lý “nghiện kiếm tiền”, do đó, càng khó sắp xếp thời gian gần gũi con cái.

Tiếp theo, những người con phá của thường rơi vào gia đình chỉ có mẹ hoặc cha, nhất là những gia đình mẹ phải thay vai trò của cha.

Hôn nhân tan vỡ, người phụ nữ thường mang tâm lý có lỗi với con cái hơn người đàn ông. Họ tự dằn vặt mình vì cái tội “làm con thiếu cha”. Vì thế, để chứng tỏ bản lĩnh “mẹ có thể thay thế vai trò của người bố” với con và cả chồng cũ, người phụ nữ thường dốc hết công sức để làm giàu và sẵn lòng chiều con mọi thứ. Họ che giấu sự cơ cực, không muốn con nhìn thấy.

Kết quả, sự bù đắp đó khiến những cậu ấm, cô chiêu không hiểu được nỗi vất vả của mẹ, cha. Từ đó, những người trẻ này không biết trân trọng những đồng tiền cha mẹ họ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt.

Để trị “căn bệnh” này của những người con, bản thân cha mẹ phải tự chấn chỉnh và luôn ghi nhớ nguyên tắc: “Thuốc đắng giã tật”.

Nếu cứ nhân nhượng, sợ con buồn, bỏ nhà đi... bạn sẽ mất một đứa con ngoan. Ngay từ khi con còn nhỏ, bạn phải cho con thấy sự vất vả của mình khi lao động để kiếm tiền lo cho gia đình. Có như thế, con mới ý thức được giá trị của đồng tiền cha mẹ làm ra.

Tiếp theo, khi con đã lỡ “mắc bệnh” phá của, bạn không nên tiếp tay bằng cách chiều theo mọi đòi hỏi. Bạn nên cương quyết nói không và chỉ đưa một số tiền phù hợp để con cái tiêu dùng. Nếu dùng hết, con bạn phải tự có trách nhiệm với những chi tiêu của mình. Dần dần, con bạn sẽ không dám vung tay quá trán nữa.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.