Ngủ chung hay ngủ riêng?

Nên cho bé con ngủ riêng hay ngủ cùng với ba mẹ vẫn luôn là cuộc tranh luận không có hồi kết: Ngay cả những chuyên gia về trẻ em cũng không còn quá gay gắt về vấn đề này nữa.

Sự thật là quyết định về "sự ngủ" của bé là quyết định riêng của mỗi gia đình, phụ thuộc vào điều kiện sống, cách suy nghĩ của các thành viên trong gia đình và nhiều yếu tố khác nữa.

Giường có 3 người

Từ hàng ngàn năm nay, việc con ngủ cùng giường với ba mẹ đã trở thành điều hết sức tự nhiên, đặc biệt là ở các gia đình châu Á. Che chở, bao bọc con là thiên chức thiêng liêng của những người làm cha mẹ, và hầu hết phụ huynh đều cho rằng ôm ấp, dỗ dành con ngủ là một trong những hành động thể hiện rõ ràng nhất thiên chức này.

Dù cũng có một vài bậc phụ huynh tân tiến bị thuyết phục bởi quan niệm tạo dựng tính tự lập cho bé ngay từ giấc ngủ của các nước phương Tây và đủ quyết tâm để thực hiện "nguyên tắc ngủ riêng", hầu hết các phụ huynh khác đều không nỡ lòng "tách" con khỏi chiếc - giường - gia - đình.

Thật ra hoàn toàn không có việc đúng - sai trong quyết định này, vì những điều đó có thể áp dụng ở một nền văn hóa này không nhất thiết hoàn toàn phù hợp với nền văn hóa khác, một quyết định có thể thành công tốt đẹp ở gia đình này nhưng không chắc là sẽ thích hợp ở một gia đình khác. Và sự thật là khi bé dưới 1 tuổi (đặc biệt là với những bé bú mẹ), việc bé được ngủ chung giường với ba mẹ có rất nhiều ưu điểm:

- Bé bú mẹ nhiều hơn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy các bé ngủ chung với mẹ thường "ăn" nhiều hơn (vào ban đêm), và những mẹ ngủ chung với con thì thường có khuynh hướng nuôi dưỡng con bằng sữa mẹ lâu hơn.

- Trong giai đoạn bé còn bú đêm, việc ngủ chung giúp cả mẹ và bé có thể ngủ được nhiều hơn, đỡ mệt hơn: Mẹ sẽ không phải ngồi dậy, ra nôi bế bé lên, cho bú, ầu ơ để ru bé ngủ, chờ cho bé ngủ say mới đặt lại vào nôi...

- Các bé sơ sinh thường sẽ rất dễ quay lại giấc ngủ sâu sau một bữa ăn sữa đêm nếu bé được ôm ấp ấm áp trong vòng tay ba mẹ: Cả về tinh thần lẫn thể chất, bé đều cảm thấy yên tâm hơn vì biết chắc rằng ba mẹ luôn kề bên để bảo vệ, che chở cho bé.

- Bé sơ sinh thường đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn nếu bé có thể cảm nhận được những tiếng động thân quen của sinh hoạt gia đình. Cũng chính vì nguyên nhân này mà các chuyên gia thường lưu ý phụ huynh về việc tránh cho bé nhỏ ngủ trong một khu vực quá tách biệt - một căn phòng yên lặng với cửa đóng kín mít chẳng hạn.

- Nếu ba mẹ đều đi làm, ngủ chung giúp bé và ba mẹ có điều kiện để gần gũi, gắn bó hơn.

- Một cuộc khảo sát trẻ em ở độ tuổi Trung học ở Anh gần đây cho thấy những bé hoàn toàn chưa bao giờ ngủ chung với ba mẹ có thiên hướng khó bảo, ít vui vẻ, dễ cáu giận hơn các bé đã từng có trải nghiệm về việc chiếc - giường - gia - đình.

Bên cạnh những ưu điểm này, cũng có một vài băn khoăn về việc ngủ cùng con, nổi bật nhất là nỗi lo "đè con" của phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh trẻ tuổi. Thật ra, "sự cố" này rất hiếm khi xảy ra vì khi ngủ chung, cả bé và ba mẹ (đặc biệt là các mẹ cho con bú) đều rất "nhạy cảm" với cử động của "đối phương" cho dù có ngủ say đến mấy! Nhưng dù sao thì cũng có một vài điểm ba mẹ cần lưu ý khi ngủ chung giường với con:

- Không nên ngủ chung giường với bé con nếu ba mẹ có hút thuốc hay sử dụng bất kỳ chất kích thích nào (rượu, bia...).

- Sự "nhạy cảm" về cử động trong lúc ngủ của các bà mẹ thường "dồi dào" hơn ba, thế nên, em bé nên được đặt nằm cạnh hơn là nằm giữa ba và mẹ.

- Đặt bé nằm ngửa để tránh hội chứng đột tử ở trẻ em (SIDS).

- Bé cần tránh xa mép giường.

Con cũng nên "ra riêng"

Đúng là việc chia sẻ chiếc - giường - gia - đình có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên, đến một độ tuổi thích hợp, bé con vẫn nên dọn ra riêng. Vì sao ư?

- Bạn sẽ phải đợi rất lâu trước khi bé chủ động đề nghị được "ra riêng", và nếu đằng nào cũng phải "ép buộc" thì tại sao không bắt đầu sớm một chút - thói quen càng lâu càng khó bỏ!

- Ba mẹ chắc chắn cũng cần có không gian riêng - Rõ ràng là có một số "hoạt động" mà ba mẹ sẽ không muốn bé chứng kiến, đúng không?

- Ba mẹ chắc chắn sẽ có giấc ngủ tốt hơn, vì như đã nêu ở trên, khi ngủ chung với con, ba mẹ thường rất "tỉnh".

- Việc ngủ riêng sẽ giúp bé bớt quen hơi ba mẹ, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho giai đoạn bé bắt đầu đi Nhà trẻ (hay Mẫu giáo) hoặc trong trường hợp ba mẹ phải đi công tác qua đêm, dài ngày.

Giúp con "ra riêng"

Tách con "ra riêng" không bao giờ là quyết định dễ dàng, ngay cả với các bậc phụ huynh phương Tây - nơi mà chuyện bé con ngủ phòng riêng là một điều hiển nhiên. Phụ huynh Anh, Mỹ thường cho con "ra riêng" khi bé được 2 - 3 tuổi, và công cuộc thuyết phục con giúp con làm quen với không gian riêng cũng thật lắm gian nan. Cùng tham khảo một số bí quyết của những "người đi trước" nhé!

- Gấu bông: Trước khi tách bé ra ngủ riêng, ba mẹ nên khuyến khích bé có một "người bạn" giờ ngủ: gấu bông, búp bê, gối ôm... để lúc phải "ra riêng", bé không có cảm giác là mình "một mình".

- Dỗ bé ngủ: Những ngày đầu tiên, mẹ hãy nằm trên giường cùng bé cho đến khi bé ngủ. Sau đó, mẹ không nằm nữa, mà ngồi trên giường, rồi ngồi trên ghế cách xa giường... dần dần bé sẽ quen với việc tự lên giường đi ngủ thôi.

- Chuyển từ từ: Cho bé ngủ trên một chiếc nệm đặt cạnh giường ba mẹ. Mỗi ngày đẩy cái nệm xa hơn một chút. Bé sẽ nằm trong phòng bé lúc nào không hay!

- Bật cassette: Để một cái cassette trong phòng bé cùng một số băng yêu thích - Ngủ trong phòng là điều kiện bắt buộc nếu bé muốn nghe băng.

- Túi ngủ: "Nếu muốn ngủ trong phòng ba mẹ, con chỉ có thể ngủ dưới đất, trong túi ngủ thôi, vì con đã có giường riêng rồi mà" - Những lần "ngủ ké" cứ thưa dần, thưa dần, và bé sẽ yêu quí cái giường của bé vô cùng.

Ba mẹ thử áp dụng xem nhé!

Theo Song Hân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.