Nhận diện đồ chơi an toàn

Những tiêu chuẩn bạn nên cân nhắc khi chọn mua đồ chơi cho con.

Phù hợp lứa tuổi

Một đồ chơi chỉ được coi là an toàn khi nó phù hợp với độ tuổi. Do vậy điều đầu tiên cần chú ý khi chọn đồ chơi là xem độ tuổi ghi trên bao bì. Đó là thước đo sự an toàn cho bé chứ không phải là căn cứ cho biết đồ chơi có phù hợp với sự phát triển tinh thần ở độ tuổi của bé không.

Một đồ chơi chỉ được coi là an toàn khi nó phù hợp với độ tuổi

Tuy vậy, bạn cũng không thể phó mặc hoàn toàn vào chỉ dẫn về độ tuổi ghi trên bao bì sản phẩm mà cần phải dựa vào khả năng và mức phát triển thực tế của con để chọn đồ chơi. Chẳng hạn, những chiếc xe đạp hai bánh không bao giờ nên đưa cho các bé dưới 3 tuổi nhưng ngay cả khi con bạn đã 5 tuổi mà chưa đủ độ cao với xe hoặc chưa đủ kỹ năng điều khiển thì cũng không nên chơi xe này. Tương tự, nếu con bạn 4 tuổi mà vẫn có tật đưa mọi thứ vào miệng thì hãy tiếp tục tránh xa những đồ chơi có các bộ phận hay mảnh nhỏ.

Trọng lượng nhẹ và kích thước lớn

Với những bé dưới ba tuổi, trọng lượng và kích thước của đồ chơi là điều rất cần chú ý. Những đồ chơi có kích thước quá nhỏ có thể khiến bé nuốt vào bụng hoặc làm bé nghẹt thở khi nuốt. Đồ chơi có trọng lượng quá lớn có thể gây hại nếu chẳng may rơi vào người bé. Do đó không nên chọn loại có kích cỡ nhỏ dưới 4cm và phải đảm bảo không bộ phận nào của đồ chơi có thể gây rủi ro cho bé nếu nuốt phải. Có một cách dễ để biết được kích thước an toàn cho bé đó là lấy miệng bé làm tiêu chuẩn.

Những đồ chơi hoặc bộ phận của nó khi lớn hơn miệng trẻ sẽ đảm bảo bé không bị hóc, nghẹn. Hoặc bạn có thể lồng thử đồ chơi qua lõi cuộn giấy vệ sinh, nếu đồ vừa được bên trong thì có nghĩa không an toàn với bé. Và có một thứ đồ chơi mà bạn đặc biệt phải chú ý đến kích thước, đó là dây.

Rất nhiều trường hợp bé bị nghẹt thở bắt nguồn từ thứ đồ chơi thông dụng này khi bé thắt vào cổ. Một chiếc dây được xem là an toàn khi nó có độ dài không quá 30cm. Nếu bé biết bò, bạn nên tránh tất cả những sợi dây trong nhà hoặc vừa tầm tay bé. Bạn cũng nên cất bỏ những loại đồ chơi nhỏ treo xung quanh cũi của bé.

Còn với trọng lượng của đồ chơi, bạn nên đo bằng cảm giác của mình. Nếu thấy nặng thì tốt nhất nên chuyển qua món đồ chơi khác. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh mua các loại đồ chơi có góc, cạnh sắc nhọn vì điều này có thể làm da bé trầy xước.

Âm thanh thích hợp

Đồ chơi ồn ào luôn là con dao hai lưỡi. Nó có thể cải thiện trí não, kích thích sáng tạo, cải thiện thể chất, xây dựng lòng tự trọng. Song nó lại cũng chính là tác nhân gây nên những tổn thương cho thính giác của trẻ nếu âm lượng quá lớn. Theo các bác sĩ tai mũi họng, âm thanh quá lớn có thể làm cho các tế bào thính giác trong tai bị tổn thương, thậm chí chết và mất chức năng. Âm thanh ở mức độ mạnh hoàn toàn có thể khiến tai trẻ mất hẳn khả năng nghe. Âm thanh đồ chơi được coi là an toàn nếu nó không vượt quá 90 đề xi ben.

Đồ chơi không gắn nam châm

Các thanh nam châm có trong đồ chơi có thể rời ra và bé sẽ bị hóc khi bỏ chúng vào miệng. Sẽ rất nguy hiểm nếu bé nuốt phải các thanh nam châm này vì chúng có thể dễ dàng gây xoắn, kẹp ruột bé nếu không được điều trị kịp thời.

Chất liệu không gây độc hại

Một chất liệu được xem là cấm kỵ trong sản xuất đồ chơi nhưng lại được tìm thấy trong đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, đó là nhựa có chứa phthalate. Hóa chất này từ lâu đã bị nghi có liên quan đến sự tổn thương hệ sinh sản và sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và ung thư. Một nghiên cứu của Đại học Rochester (Mỹ) cho biết, phthalate còn có thể gây dị thường ở bộ phận sinh dục của bé trai. Vậy nên khi trẻ cầm, ngậm, mút những đồ chơi được làm từ loại nhựa này sẽ vô cùng nguy hiểm.

Ngoài chất liệu nhựa, màu để sản xuất đồ chơi cũng được xem là thứ rất cần phải an toàn. Nhiều loại phẩm màu công nghiệp có chứa thành phần kim loại nặng nên khi trẻ ngậm vào, chất độc dễ dàng ngấm vào cơ thể. Bạn càng tìm hiểu kỹ về chất liệu, thành phần làm nên đồ chơi ấy bao nhiêu thì nguy cơ bé không bị nhiễm độc càng lớn bấy nhiêu. Chọn đồ chơi có xuất xứ rõ ràng và của những thương hiệu lớn là một cách giảm thiểu rủi ro cho bé.

Đồ chơi có công dụng

Đồ chơi mà thiếu vai trò định hướng con trẻ phát triển thì cũng trở nên vô nghĩa. Bởi đồ chơi không đơn thuần là vật dụng để trẻ nghịch, chơi mà là thứ để trẻ khám phá thế giới xung quanh, thực hành những bài học đầu đời để kích thích trí não phát triển. Đồ chơi càng đòi hỏi trẻ vận dụng đầu óc nhiều trong quá trình vui chơi càng khiến trí óc trẻ phát triển.

Bé nhà bạn tỏ ra có năng khiếu gì thì nên tìm kiếm đồ chơi thích hợp để kích thích sự phát triển đó. Hơn thế nữa, công dụng của đồ chơi theo từng độ tuổi càng được cha mẹ khai thác tốt thì khả năng của trẻ càng được phát triển. Nên tránh những đồ chơi mang tính bạo lực như súng, kiếm, dao, mác... vì chúng không mang lại lợi ích gì hơn ngoài việc gieo vào đầu óc trẻ thơ sự bạo lực.

Đồ chơi phải chắc chắn

Bạn nên kiểm tra xem các bộ phận của đồ chơi dành cho bé có dễ dàng bị bong, tróc, rách, hỏng hóc hay tách rời không. Ngoài ra, bạn cũng đừng chọn những con thú nhồi bông có đính kèm các nút, sợi chỉ, các dải ruy băng không chắc chắn hay bất cứ thứ gì mà bé có thể giật ra và cho vào miệng.

Sản phẩm có thương hiệu

Giá của một chiếc ôtô hiệu Lego có thể gấp 30 lần một chiếc ôtô có kích cỡ và kiểu dáng tương tự là hàng trôi nổi. Một búp bê Barbie có thể đắt gấp 1000 lần một cô búp bê hàng không nhãn mác hoặc do Trung Quốc sản xuất. Nếu xét về giá cả thì đúng là có một sự chênh lệch lớn song mua các sản phẩm thương hiệu lớn như thế này lại là cách đơn giản nhất để bạn an tâm về chất lượng.

Sản phẩm của những thương hiệu lớn, đặc biệt là hàng xuất xứ từ châu Âu bao giờ cũng có giấy chứng nhận đồ chơi trẻ em an toàn như nhựa không gây độc hại, màu sắc chuẩn không làm ảnh hưởng đến thị lực vốn còn non yếu của trẻ em hay âm thanh hợp với thính giác...

Và trên những sản phẩm này bao giờ cũng có ghi chú những thông số liên quan đến độ an toàn cho trẻ một cách tỉ mỉ như độ tuổi chơi, chất liệu, tác dụng của đồ chơi, chi tiết cách lắp ghép, cách chơi, cách bảo quản và cả những chú thích tránh tai nạn cho trẻ. Yếu tố cạnh tranh nữa của các thương hiệu lớn đó là tính giáo dục trong đồ chơi.

Theo

TIN LIÊN QUAN Đừng đùa với âm thanh từ đồ chơi Đồ chơi: Bạn hay thù? Tuổi nào đồ chơi ấy Hại vì đồ chơi Đồ chơi nhỏ, nỗi lo lớn Lưu ý khi mua đồ chơi cho con



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.