Nhật ký một ông chồng đi “xem” vợ đẻ (P1)

Chứng kiến vợ đẻ, tôi càng thương vợ nhiều hơn. Để cho tôi hạnh phúc được làm cha, cô ấy đã phải trải qua những đau đớn và cả những hiểm nguy khôn lường.

Chứng kiến vợ đẻ, tôi càng thương vợ nhiều hơn. Để cho tôi hạnh phúc được làm cha, cô ấy đã phải trải qua những đau đớn và cả những hiểm nguy khôn lường.

Ngày đầu tiên ở bệnh viện

Tôi dậy thật sớm, xin phép cơ quan nghỉ việc để đưa vợ đi khám thai. Con đã được bốn mươi hai tuần mà vợ tôi vẫn “án binh bất động”, chưa có dấu hiệu gì của sự đau đẻ. Cả nhà sốt ruột. Vợ tôi làm ra vẻ bình tĩnh nhưng cô ấy chính là người lo lắng nhất.

Chúng tôi lên bệnh viện huyện khám. Bác sỹ, mặt lạnh tanh gọi tôi vào phán câu xanh rờn: “Nhập viện”. Thú thực, tôi chưa bao giờ đặt niềm tin vào mấy ông bác sỹ “chuyên tu” ở bệnh viện huyện nên quyết định đưa vợ lên bệnh viện phụ sản để “nhập viện” như lời phán của bác sỹ.

Nhật ký đi đẻ cùng vợ

Than ôi, người đông như chợ Đồng Xuân! Những bà bầu nhăn nhúm, quần áo xộc xệch đứng ngồi lổm ngổm. Dường như chả ai để ý đến chuyện “lộ hàng” ở cái nơi đầy đau đớn và lắm niềm vui này. Nhưng cũng chả có ai còn tâm trí để ngắm những “tòa thiên nhiên” đầy đặn đang quằn quại trong đau đớn ấy.

Sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm và một mớ các thủ tục rườm rà khác, bác sỹ đồng ý để vợ tôi nhập viện. Vợ tôi vào phòng “tự nguyện” nên có giường nằm, không phải chen chúc ba, bốn bà một giường như ở phòng “không tự nguyện”. Sau khi “yên vị”, y tá mang đến cho tôi một tờ cam kết và yêu cầu tôi ký tên để tiến hành truyền dịch “kích đẻ” cho vợ tôi vì cái thai đã đủ ngày.

Vợ tôi đi tắm rửa, chuẩn bị cho những ngày dài kiêng cữ. Nhìn vợ lặc lè đi ra nhà tắm công cộng trong bệnh viện nồng nặc mùi hôi thối và tanh tưởi, bất giác, tôi có một cảm giác kỳ lạ. Chưa bao giờ tôi thấy yêu cô ấy như lúc này. Bất chợt, tôi có cảm giác sắp đứng trước một sự kiện gì đó trọng đại nhất của cuộc đời. Đó không hẳn là cảm giác được làm cha!

Một đêm thức trắng trong đau đớn

Sau khi chuẩn bị xong, vợ tôi được đưa xuống phòng chờ đẻ để bác sỹ truyền dịch. Cũng may vì có người quen nên tôi được “đặc cách” vào phòng sinh cùng vợ. Truyền dịch được khoảng hơn một giờ đồng hồ thì vợ tôi bắt đầu đau bụng. Hai bác sỹ thay nhau vào kiểm tra và đều lặng lẽ bỏ đi với cùng một câu nói: “Yên tâm. Cứ đến tết Tây vẫn chưa đẻ”.

Vợ tôi bắt đầu đau dữ dội. Môi mím chặt, hai bàn tay gầy guộc bám chặt lấy thành giường lạnh ngắt. Có lẽ cô ấy đang cố chịu đựng để không bật lên tiếng khóc. Nhưng cô ấy không khóc mà tôi… khóc. Tôi ước mình có thể chịu đựng thay vợ nỗi đau đớn này. Nhưng tôi chỉ biết bất lực đứng nhìn.

Xung quanh tôi, ba bốn chị đang gào thét thảm thiết vì đau đớn, áo xống tả tơi. Những chỗ ngày thường các chị “bảo vệ cẩn mật” thì nay phơi bày hết ra trước mắt mọi người. Không hề có dấu hiệu của sự xấu hổ hay ý định “che” lại. Cơn đau khiến họ quên đi tất cả. Nhưng người xấu hổ lại chính là… tôi

Vợ tôi càng lúc càng đau dữ dội.  Khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng rút ngắn. Nhìn vợ quằn quại trên giường, tôi xót ruột đi gọi bác sỹ và luôn nhận được câu nói vô cùng nhẹ nhàng: “Anh tưởng cả thế giới này chỉ vợ anh là đẻ chắc! Đau thế không chết được đâu! Lúc nào đẻ khác biết!”.

Hơn 7 tiếng đứng bên giường nhìn vợ đau khiến chân tay tôi đã bắt đầu rã rời. Chết mất! Không phải đau mà tôi còn oải đến thế, không biết vợ tôi có còn đủ sức để đẻ không nữa!

Bác sỹ lại tiếp tục vào khám. Sau khi dùng đủ các dụng cụ để nghe ngóng, soi xét, anh chàng bác sỹ trẻ măng nói với hai vợ chồng: “Chị không đẻ thường được. Phải mổ thôi anh ạ!”.

Nghe đến từ “mổ” mà tay chân tôi rụng rời. Phải động đến dao kéo đâu có phải chuyện đùa. Nhưng cũng đành! Bác sỹ đã bảo vậy thì làm khác thế nào được! Tôi “nhờ” anh bác sỹ đẹp trai đi “liên hệ” giúp. Khoảng nửa tiếng sau cậu ta quay lại thông báo. 7 giờ 30 mổ!

Trời đất! Còn những hai tiếng nữa mới đến giờ mổ. Vợ tôi càng lúc càng đau dữ dội. Máu me chảy ra lênh láng làm tôi phát hoảng. Sau khi cố gắng trình bày hoàn cảnh và mong sự giúp đỡ, thời gian mổ “rút” xuống là 6 giờ 30. Thế là tốt lắm rồi. Cái giá của một tiếng đồng hồ đau đớn cho dù thế nào cũng không hề đắt.

Trông vợ ở phòng hồi sức

Ca mổ diễn ra khá nhanh gọn. Chỉ khoảng nửa tiếng, y tá đã bế con tôi ra ngoài. Hạnh phúc. Có lẽ, không từ ngữ nào có thể diễn tả hết tâm trạng của tôi lúc ấy. Sau khi “bàn giao” cháu cho bà nội mang đi tắm và tiêm phòng, tôi được y tá gọi vào để đưa vợ sang phòng hồi sức. Vừa bước vào phòng mổ, tôi suýt bật khóc khi nhìn thấy bàn tay gầy guộc của vợ run cầm cập đang giơ cao chai nước truyền dịch. Khổ thế, người vửa mổ đẻ xong mà phải “tự phục vụ thế” ai mà không xót cho được!

Nhật ký đi đẻ cùng vợ

Sau khi đưa vợ về khu cách ly, tôi vội vã đi “cám ơn” kíp mổ. Việc gì cũng phải có đi có lại! Ít nhất, vợ tôi cũng phải nằm đây tuần lễ nữa. Mình không biết điều thì khốn có ngày!

Thú thực, cái hình ảnh vợ tự cầm chai nước truyền khiến tôi không thể yên tâm về độ phục vụ của bệnh viện. Mà nghe nói, việc truyền nước cũng rất nguy hiểm nếu gặp biến chứng. Một mình vợ tôi nằm trong cái căn phòng hồi sức ấy lỡ xảy ra chuyện gì thì…

Tất cả các cửa hành lang dẫn vào khu hồi sức đều bị đóng kín với dòng chữ: “Không phận sự miễn vào”. Kỳ thật! Tôi có phận sự hẳn hoi mà cũng không được vào là sao? Tôi đánh bạo leo qua cột nhà ở hành lang để vào khu vực hồi sức. Cửa phòng vợ tôi nằm đã được đóng kín. Nhìn qua cửa kính, tôi thấy vợ mình đang ngủ. Bỗng, một cô y tá chạy ra quát tôi: “Anh vào đây làm gì? Đi ra ngoài kia đi! Chiều mới sang đón chị ấy về chứ!”.

Yên tâm rồi! Ít ra cũng có người ở bên này! Tôi cười lấy lòng cô y tá rồi vội vã tụt xuống qua cột ống nước. Sang đến phòng con, bà nội và bà ngoại thay nhau trộng cháu. Tôi tranh thủ ra khu vưc phơi quần áo phía ngoài phòng chải chiếu ngủ. Nắng rọi thẳng vào mặt cũng không ảnh hưởng gì đến giấc ngủ của tôi.

Mười hai giờ trưa. Giờ này các bác sỹ, y tá chắc là đi ăn hết rồi. Thế nghĩa là vợ tôi lại phải nằm một mình! Tôi lại chạy sang khu hồi sức và theo đường cũ lẻn vào. Phòng vắng hoe vắng hắt. Nhịp thở đều đều làm tôi đoán chắc vợ tôi vẫn đang ngủ. Thấp thoáng một bóng áo trắng phía bên kia hành lang. Yên tâm! Tôi vội vã tụt xuống để về với con!
….

(còn nữa)

Theo Mecon.vn


Bình luận