Nhật ký một ông chồng đi “xem” vợ đẻ (P2)

Thật là tuyệt vời cho những người ưa hoài cổ. Bởi vào bệnh viện sản, bạn sẽ được sống lại những kỷ niệm của một thời bao cấp.

Thật là tuyệt vời cho những người ưa hoài cổ. Bởi vào bệnh viện sản, bạn sẽ được sống lại những kỷ niệm của một thời bao cấp.

Xếp hàng đi tắm cho con...

Sau khi yên tâm là vẫn có một ai đó lảng vảng ở bên vợ (dù cũng chả được gần lắm), tôi về với con trai yêu dấu của mình. Từ sáng tới giờ, quanh quẩn với bao nhiêu thứ lằng nhằng, tôi chưa thử bế con lần nào.

Đỡ con từ tay bà nội mà tôi có một cảm giác vô cùng đặc biệt. Vừa hạnh phúc vừa sợ hãi. Hạnh phúc chắc khỏi phải nói nhưng sợ… đánh rơi con. Tôi cũng bế trẻ con rất nhiều nhưng có vẻ con tôi hơi… bé so với vòng tay. Có được hơn 3kg. Cũng may là có tấm chăn nhỏ xíu làm cho “kích thước” của bé to ra chứ nếu không việc lọt khỏi tay rơi xuống đất là điều không hề khó! Nhìn thấy điệu bộ lóng ngóng của tôi, cả phòng bệnh đều cười. Rồi các bà, các chị hướng dẫn tôi cách…bế con! Thật là vui nhưng cũng rất xấu hổ.

Nhật ký một ông chồng đi “xem” vợ đẻ (P2)

Hơn một giờ chiều, mọi người bắt đầu giục nhau đi mua phiếu tắm cho các con. Tôi cũng chạy theo mấy chị người nhà lên tầng ba của tòa nhà để mua phiếu tắm. Mỗi phiếu 20 nghìn đồng. Quần áo sạch của các bé được để trong một cái thau nhựa. Và hàng thau dài một bên, dòng người một bên. Do đã được thống nhất nên trong mỗi chiếc thau đều có 50 nghìn để gọi là cám ơn cô y tá tắm rửa cho các cháu. Nhưng cũng vì tiền bằng nhau nên ai cũng được đối xử rất chi là công bằng.

Có lẽ, nếu ai muốn hoài niệm về một thời tem phiếu, hãy đến bệnh viện phụ sản và đi tắm cho con. Nếu ngày xưa các cụ giữ chỗ bằng gạch thì ở đây giữ chỗ bằng… thau. Do sắp đến giờ đón vợ tôi về phòng bệnh nên tôi cảm thấy rất sốt ruột. Thế là, cứ chạy xuống phòng vợ tôi ở tầng hai lại chạy vội lên tầng 3 để kiểm tra thứ tự. Cũng tệ. Do tôi di chuyển như vậy nên chiếc thau của con bị tụt xuống thêm mấy bận. Thì ra, ở đâu cũng có những người khôn lỏi.

Một tiếng đồng hồ kể từ khi xếp thau thì con tôi được tắm. Chắc cũng chỉ tầm 2 phút là đã thấy họ gọi vào để “trả”. Đúng là tắm chuyên nghiệp có khác. Nhưng tôi cứ có cảm giác họ chỉ thay quần áo cho con tôi thôi chứ chắc chả động đến giọt nước nào!

Vừa bế con xuống phòng thì có người gọi lên phòng hồi sức để đưa vợ về. Vừa đẹp. Vợ tôi yên vị trên giường coi như là xong những việc rắc rối nhất. Giờ chỉ có nằm ăn và chờ ngày… ra viện.

Những bữa cơm ở bệnh viện

Cơm ở bệnh viện nào chắc cũng có hai đặc điểm: vừa không ngon vừa đắt. Mà đây lại là bệnh viện phụ sản! Nhiều lắm là ở đấy hai lần khi vợ con sinh chứ chắc chả ai dở người tìm vào bệnh viện để ăn cơm. Mà với loại khách hàng chỉ đến 1 lần rồi thôi thì chủ quán tha hồ mà chặt chém. Xuất cơm 40 nghìn mà được có vài miếng đậu nhỏ và mấy miếng thịt đã bắt đầu có mùi do lưu cữu từ mấy hôm rồi.

Nhật ký một ông chồng đi “xem” vợ đẻ (P2)

Vậy nên, tôi không cần phải đắn đo quá nhiều khi quyết định đi bộ gần hai cây số ra chợ đầu mối gần nhất để ăn cơm bụi. Thực ra dọc đường chả thiếu gì quán cơm nhưng ở chợ là rẻ nhất. Cũng bởi mình chả có nhiều tiền nên cũng cần tính toán. Hơn nữa, cũng là cách để… tập thể dục.

Bữa nào đi ăn, tôi cũng xách theo cái cặp lồng. Vợ tôi chưa ăn cơm được nên toàn phải mua cháo. Có hôm tôi “đổi món” phở cho cô ấy. Kiểu gì cũng chả ăn được mấy. Khổ thế đấy! Ngày thường đã vậy, giờ lại mổ xẻ, người thì đã quắt queo giờ lại chả ăn được nên càng xanh xao. Đôi khi tôi cũng phát hoảng vì thân hình siêu mỏng của vợ.

Cặp vợ chồng mới cưới đi… đẻ non

Thực ra, tôi cũng chỉ đi ăn cơm một mình có hai hôm. Đến hôm thứ ba thì tôi đã có thêm 1 người bạn. Anh chàng người dân tộc đưa vợ xuống để xử lý cái thai chết lưu. Tôi quen hắn từ hôm đưa vợ xuống truyền dịch. Vợ hắn nằm cạnh vợ tôi.

Hai vợ chồng hắn mới cưới nhau được 4 tháng nhưng cái thai đã gần sáu tháng rồi. Đi siêu âm, người ta bảo không thấy tim thai nên phải cho ra. Phương pháp phá thì nguy hiểm. Mổ thì phải “chờ” ba bốn năm nữa mới sinh được nên họ quyết định kích đẻ thường. Nhưng cô cậu này cũng chả gặp may. Kích đến ngày thứ 3 cũng chả đẻ được. Khi vợ tôi đã mổ được gần ba ngày thì vợ hắn mới… mổ. Rõ khổ! Cứ đày đọa nhau đau đớn mấy ngày trời rồi lại phải mổ! Thà rằng chấp nhận mổ cách đây mấy hôm có phải mát xác không.

Đi ăn cơm với hắn mới thấy cuộc đời cũng còn nhiều khổ hơn cả mình. Hắn chỉ mua cơm. Vì mắm và nước canh “miễn phí” nên hắn chan canh với nước mắm và ăn ngon lành. Hắn bảo hắn không thích ăn thịt ăn cá, ăn canh cho nó nhẹ bụng. Nhưng có lẽ hắn sỹ diện mà nói thế thôi. Chứ sức thanh niên hai mươi, có phải cụ già 90 đâu mà cần phải nhẹ bụng với nhẹ dạ! Tôi rất muốn giúp đỡ nhưng sợ hắn phật lòng nên đành nhìn hắn ăn món canh rau muốn luộc được chủ quán đổ thêm hàng xô nước lã các loại vào cho nó nhiều lên.

Ăn cơm xong, hắn thường mùa cho vợ một bát mỳ. Cũng có vài miếng thịt mỏng dính nổi lềnh phềnh cùng ít hành hoa thả vội. Khẩu phần của vợ hắn xem ra “tươm” hơn rất nhiều khẩu phần ăn của hắn. Nếu ai nhìn thấy bát mỳ ấy sẽ nghĩ hắn bạc đãi vợ. Nhưng, chính hắn bạc đãi hắn nhiều hơn. Đúng là đến bệnh viện không có tiền thì khổ trăm đường!

Thoát nạn…

Gần 1 tuần ở bệnh viện thật là dài. Vì đúng vụ cấy hái nên các bà, các bác chỉ lên với cháu được hai ngày đầu còn tất cả ngày sau là do tôi đạo diễn. Cũng may vợ tôi hồi phục nhanh và có mấy bà người nhà bệnh nhân ở cùng phòng tăng cường giúp đỡ nếu không chắc tôi không chịu nổi.

Nhật ký một ông chồng đi “xem” vợ đẻ (P2)

Sáng thứ sáu, cô y tá vào kiểm tra vết mổ của vợ tôi và thông báo rằng, chúng tôi có thể về nhà. Tôi vội vã đi làm thủ tục xuất viện. Lại cái cảnh chen chúc để làm thủ tục. Nhưng lần này, cứ làm xong được một thủ tục, tôi lại thấy nhẹ đi một phần.

Khoảng gần hai tiếng chen lấn, tất cả những thủ tục cần thiết đã giải quyết xong. Vợ tôi đã thu xếp đồ đạc xong nên chúng tôi vui vẻ chào mọi người cùng phòng và dìu nhau xuống cầu thang. Đi qua phòng đẻ, hàng chục chị đang nhăn nhó, ngồi ở hành lang hay được người nhà dìu đi lại cho… dễ đẻ. Khổ! Đã đau mà phải đi thế thì có mà hành hạ nhau chứ dễ đẻ cái gì!

Lúc ra đến ngoài, tôi thoáng thấy cậu bạn đồng cảnh ngộ cũng đang kiễng đôi chân ngắn của mình để ngó vào phòng hành chính. Nhìn thấy tôi, hắn cười toe toét: “Anh chị cũng được về rồi ạ? Em cũng đang làm thủ tục để về đây anh ạ. Ổn rồi”. Tôi bắt tay chúc mừng hắn. Nhưng có lẽ, tôi là người mừng hơn!

Tôi quyết định thuê một chuyến ô tô đưa vợ về nhà. Chả mấy khi được hạnh phúc như bây giờ nên không cần phải tính toán nhiều! Cảm giác được về nhà cùng đứa con bé nhỏ trên tay mới hạnh phúc làm sao! Đúng là thoát nạn rồi…

Theo Mecon.vn


Bình luận