Nuôi con thời hiện đại: Thừa điều kiện, thiếu kiến thức

Ở thành phố hiện nay, các gia đình có xu hướng sinh ít con, trong khi mức sống ngày càng cao. Vì thế, nhiều bậc cha mẹ không tiếc tiền đầu tư cho con từ khi mới lọt lòng.

Song, mặc cho những nỗ lực của cha mẹ, không ít trẻ em ngày nay vẫn còi cọc, biếng ăn, chậm đi, chậm nói… thậm chí mắc những căn bệnh như trầm cảm, tự kỷ từ rất sớm.

Chuyện của cô giáo Mầm non

Cô Mai, giáo viên trường Mầm non chất lượng cao ở phố Thái Hà (Hà Nội), kể: Lớp cô có 18 cháu thì mỗi cháu mang một đặc điểm tâm lý, tính cách khác nhau. Ở gia đình, các cháu đều được nuôi dưỡng trong điều kiện vật chất đầy đủ nhưng dường như cháu nào cũng có “vấn đề”. Cháu thì quá năng động, có cháu lại chậm chạp ù lỳ; có cháu thừa cân, cháu thì biếng ăn, còi cọc; có cháu chậm phát triển ngôn ngữ hoặc có dấu hiệu tự kỷ, “bất hợp tác” với cô giáo và các bạn. Cá biệt, có cháu gần 4 tuổi vẫn chưa biết ăn cơm, chỉ ăn bột hoặc cháo...

Ở thành phố hiện nay, các gia đình có xu hướng sinh ít con, trong khi mức sống ngày càng cao. Vì thế, nhiều bậc cha mẹ không tiếc tiền đầu tư cho con từ khi mới lọt lòng

Trao đổi với các bậc cha mẹ, cô Mai nhận thấy, nguyên nhân là do ở gia đình các cháu không được chăm sóc đúng cách. Ví dụ, có bé từ nhỏ chỉ ngồi xe đẩy hoặc được ông bà, người giúp việc bế ẵm trên tay, không cho xuống đất để tự do chạy nhảy vì sợ bé bẩn hoặc ngã đau. Vì thế, mà bé chậm biết đi và ngại vận động.

Một số bé khác thì do bố mẹ quá bận bịu, từ sáng đến tối, bé chỉ ở với cô giúp việc, cô lại cho cháu xem tivi suốt ngày khiến đứa bé chậm nói, chậm phát triển trí tuệ. Nhiều bà mẹ lại áp dụng triệt để phương pháp nuôi con theo sách, bữa ăn nào cũng phải đầy đủ lượng, chất theo hướng dẫn, phải nghiền nhỏ hoặc hầm nhừ để trẻ hấp thụ hết! Ăn nhiều nhưng thiếu vận động khiến trẻ béo phì, hoặc có trẻ tiêu hóa kém thì sinh ra chán ăn, sợ ăn, lâu dần thành suy dinh dưỡng.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Trẻ em phải được vận động nhiều để tiêu hao năng lượng, thì mới có phản xạ đói và thèm ăn. Trẻ có nhu cầu ăn thì ăn mới ngon miệng. Trong quá trình nhai, dịch vị được tiết ra và đó là chất kích thích tiêu hóa giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.

Vì vậy, khi trẻ đã mọc đủ răng, nên tập cho trẻ ăn cơm, không kéo dài thời gian ăn bột, ăn cháo, cũng không nên “nhồi nhét”, bắt trẻ ăn thật nhiều trong khi trẻ không có nhu cầu. Trẻ biếng ăn, chán ăn nhiều khi chỉ vì những lý do đơn giản như vậy. Chăm sóc không đúng cách còn có thể khiến trẻ mắc các bệnh tâm lý như tự kỷ, trầm cảm.

Cô Mai cho biết, có bà mẹ đưa con gái 4 tuổi đến xin học và nói rằng: “Nhà tôi không thiếu tiền. Con tôi phải được học ở những trường tốt nhất, hiện đại nhất. Cháu đã học qua 4 trường Mầm non chất lượng cao, nhưng chỉ được vài tháng lại phải chuyển trường vì tôi thấy không hợp với cháu...”. Sau khi tiếp xúc và thử kiểm tra, các chuyên gia nhận thấy bé gái này có dấu hiện trầm cảm và tự kỷ do phải chịu quá nhiều áp lực.

Phụ huynh đi học “làm cha mẹ”

Ở nước ta, đa số mọi người còn quan niệm kỹ năng làm mẹ là một thiên chức có sẵn, không cần học. Họ thường dạy con theo cảm tính, không biết thế là đúng hay sai. Ngày nay, các bậc cha mẹ trẻ đã nhận thức được rằng, muốn làm cha mẹ tốt cũng cần phải “học”, cần có kiến thức để nuôi dạy con hiệu quả trong điều kiện thời gian eo hẹp.

Chị Mai Loan, công tác tại Đoàn Luật sư Hà Nội, có con trai 3 tuổi rưỡi cho biết, chị đã rất lúng túng và gặp nhiều rắc rối khi lần đầu làm mẹ, ví dụ phải một mình một chiến tuyến “đương đầu” với phe mẹ chồng (gồm cả bố chồng và chồng chị). “Ngày xưa tao nuôi dạy 5 đứa con nên người mà có theo sách vở nào đâu” - mẹ chồng chị nói. Nhưng theo chị, kiểu nuôi con “tự nhiên chủ nghĩa” của mẹ chồng chị không còn thích hợp với điều kiện xã hội và đặc điểm của trẻ em thời nay.

Hơn nữa, kiểu “lớn lên như cỏ dại” cũng để lại những di chứng mà sau này mới “phát bệnh”. Ví dụ, chồng chị rất thiếu hụt kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp ứng xử rất kém, điều đó gây không ít trở ngại và hạn chế thành công của anh trong cuộc sống.

Thiếu kinh nghiệm, chị Loan đã phải tìm hiểu kiến thức nuôi dạy con qua sách báo, rồi vào trang web trẻ thơ, lamchame.com để chia sẻ với các bà mẹ khác. Cũng qua mạng, chị biết có một nhóm chuyên gia tâm lý mở các khóa học hỗ trợ kỹ năng làm cha mẹ, chị liền ghi tên tham gia. Không ngờ, có rất đông phụ huynh cũng có nhu cầu “đi học” như chị. Đây là những khóa học thực sự bổ ích và cần thiết đối với phụ huynh, họ học được phương pháp nuôi dạy con vừa khoa học, vừa đơn giản và tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề của mình từ các chuyên gia mà không phải bao giờ cũng tìm thấy trong sách vở.

Động lực lớn nhất khiến các ông bố, bà mẹ bận rộn tạm gác lại công việc hay những mối bận tâm khác để tham gia các khóa học về kỹ năng làm cha mẹ, chính là sự tiến bộ trông thấy của con cái - tài sản quý giá nhất của mình.

Theo Phương Dung



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.