Phát bực vì con bị chê

Khi cô em chồng gọi cậu con trai 2 tuổi của mình là: Mèo hen, Thủy phải gắt lên: "Cô gọi cháu là mèo được rồi, bỏ chữ hen đi". Nguyên nhân là vì bé Mèo chỉ được 11kg, hay ốm vặt và khi thời tiết chuyển mùa là bị ho.

Họ hàng bên nội, bên ngoại cứ gặp hai mẹ con Thủy là phàn nàn: “Thằng bé còi quá. Bố nó to cao ngời ngợi, chẳng biết nó giống ai?”, nếu không thì cũng: “Sao mẹ mỗi ngày mỗi phát tướng, còn con mỗi ngày mỗi còm nhom?”. Thủy biết đó chỉ là những lời nhận xét không có ác ý nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác ức chế. Từ nhỏ, bé Mèo đã hay ốm vặt, lười uống sữa mặc mẹ dỗ đủ cách. Thủy không nhớ đã bao nhiêu lần đưa con đến viện dinh dưỡng khám rồi đổi sữa này, mua thuốc bổ khác nhưng không hiểu sao con còi vẫn hoàn còi.

Bình thường, nghe người xung quanh chê con còi cọc, Thủy chỉ cười, trình bày chăm con thế nọ, tốn tiền cho con thế kia. Nhưng lúc sẵn cơn bực mình, cô phải “vặc lại” vài câu cho đỡ tức.

Bé Na (4 tuổi) nhà Linh toàn bị bà nội chê “trán dô, mũi tẹt, mồm rộng, giống hệt mẹ. Con gái mà miệng rộng thì sẽ có lúc tan hoang cửa nhà”. Rồi Linh còn nghe mẹ chồng so sánh con gái mình với cháu ngoại của cụ mà bực đến phát khóc. Dù Linh cũng phải công nhận cô cháu gái cùng tuổi của bà chị chồng rất trắng trẻo, đôi mắt tròn to, có lúm đồng tiền và hát rất hay (cháu luôn được đi biểu diễn văn nghệ cho thành phố) nhưng Linh vẫn ấm ức vì kiểu “đong, đếm” của mẹ chồng. Gặp mấy bà bạn trong tổ dân phố, cụ đều chép miệng than: “Cháu nội mà chẳng giống bên nội”.

Những lúc như thế, để xả stress, Linh lại đợi chồng về để giải tỏa: “Con gái mình trán dô, mũi tẹt thì đã làm sao. Anh gắng kiếm nhiều tiền, em cho con sang Hàn Quốc làm phẫu thuật. Lúc đó, con mình chẳng xinh hơn hoa hậu”.

Không chỉ bực, nhiều lúc, Linh còn bị ám ảnh bởi câu nói của mẹ chồng. Cụ luôn chê bé Na “chậm, ít nói”, lại còn tư vấn thêm: “Hay thử đưa nó đi khám, khéo mắc tự kỷ”. Dù đọc nhiều sách về cách chăm sóc và nuôi dạy con, Linh cũng không khỏi giật mình. Linh quan tâm đến con nhiều hơn và nhận thấy, cháu tuy ít nói nhưng vẫn hiểu được yêu cầu của mẹ, bằng tiếng Việt và cả những đề nghị đơn giản bằng tiếng Anh. Dù vậy, Linh vẫn hoang mang và mãi đến khi đưa con đi khám, có kết luận của bác sĩ là bé Na phát triển bình thường, cô mới yên tâm.

Không ấm ức vì mẹ chồng như Linh, Thoa lại khó chịu vì những nhận xét của bố chồng với cậu con trai 6 tháng tuổi của mình. Cụ luôn thắc mắc: “Sao chim thằng bé chỉ bằng quả ớt chỉ thiên thế này thì nên cơm cháo gì?”. Lúc khác, cụ lại bảo: “Tai của nó bé tin hin, lại ép cả vào đầu, làm sao mà phát tài, phát tướng được?”. Những lúc không nhịn được, Thoa phải nói: “Cháu nó còn phát triển mà ông. Sau này, cháu chả to cao, vạm vỡ, còn tài giỏi, thông minh nữa”. Nói vậy, nhưng những lần sau, bố chồng Thoa vẫn tìm được “cái xấu” nào của cháu đích tôn để thắc mắc: “Sao... sao...”.

Hướng cho con cái nhìn lạc quan

Làm cha mẹ, ai cũng thấy con mình là nhất; vì thế, những lời bình luận không mấy thiện cảm của người xung quanh (dù đúng hay không) đều khiến phụ huynh, nhất là người mẹ bị ức chế. Những câu nhận xét, so sánh về các bé như: “Sao còi thế?”, “Sao đen thế?”, “Sao lùn thế?” hoặc “Béo thế”… rất hay gặp. Không chỉ bố mẹ thấy ấm ức mà ngay cả bản thân các bé cũng bị mặc cảm vì người xung quanh chê xấu xí.

Để tránh ức chế khi con bị chê, cha mẹ có thể dùng cách “chê yêu con trước”. Có thể nói: “Bé giống bố (mẹ) nên mũi tẹt, trán dô nhưng khỏe mạnh và ngoan ngoãn là được”. Như thế thì mọi người có muốn chê cũng chẳng nói gì được.

Ngoài ra, cha mẹ cần làm gương bằng cách không so sánh hoặc nhận xét tiêu cực với những bé khác, ngoài con mình. Nếu có ai muốn so sánh, người mẹ cần cương quyết nói: “Mỗi bé phát triển khác nhau. Sau này, khi lớn hơn, các bé còn thay đổi nữa”.

Nếu con mặc cảm vì bị người xung quanh chê bai, người mẹ cần hướng cho con cái nhìn lạc quan; chẳng hạn, có thể nói với con rằng: “Mỗi người có vóc dáng và khuôn mặt khác nhau”, động viên để con không buồn khi người khác nhận xét bất lợi. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy con cách tránh chê bai hay nhận xét đến khiếm khuyết hình thể của người khác.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.