“Ta là ngáo ộp đây!”

“Ăn đi con. Này chú công an ơi thằng cu Tũn nó không chịu ăn này. Nuốt nhanh không mẹ cho đi bác sĩ tiêm bây giờ. Bác sĩ tiêm sợ lắm, đau lắm!”.

“Ngủ đi, nhắm mắt vào! Ông Ba bị ơi! Nhắm mắt ngay không mẹ bán cho ông đồng nát bây giờ!”.

“Bỏ tay ra, đừng mút tay nữa, con thạch sùng ơi bé mút tay đây này!”.

Xung quanh cuộc sống của một đứa trẻ đầy rẫy những nỗi sợ hãi do chính người lớn vô tình tạo ra. Những lời dạo dẫm, nét mặt, cử chỉ khiến đứa trẻ sợ hãi và tuân theo yêu cầu.

Chưa bao giờ cha mẹ biết thực sự trong lòng con trẻ đang phải chịu đựng cảm giác sợ hãi ra sao, diễn biến tinh thần của sự sợ hãi bắt đầu từ đâu và chúng phải chịu những ám ảnh đó như thế nào. Trẻ con chưa biết nói hoặc không thể diễn tả được cảm giác của bản thân. Chỉ biết ràng, một đứa trẻ từ lúc bé xíu chưa biết nói nhưng đã biết sợ nếu cha mẹ thường xuyên dọa dẫm và đến khi chúng lớn, nỗi sợ hãi đó vẫn chưa thể chấm dứt.

Những đứa trẻ tinh tế chưa biết bác sĩ, công an là ai nhưng qua ngữ điệu, nét mặt, cử chỉ của người lớn, chúng đã được truyền đạt về cảm giác sợ hãi đối với những “thế lực” đó. Nếu bạn đã từng dọa con về chuyện bác sĩ tiêm, chắc chắn sau nhiều năm, khi bạn đưa con đi bệnh viện, chúng sẽ vẫn duy trì nỗi sợ đó dù bạn đã quên và cho rằng sự sợ hãi đó là bản năng.

Tại sao người lớn hay dọa dẫm trẻ? Đó là do sự thiếu kiên nhẫn của cha mẹ, người lớn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhỏ khiến họ có thói quen mượn oai những “thế lực” ghê gớm tự tạo ra để hù dọa trẻ, để trẻ tuân lệnh ngay lập tức thay vì phải tìm phương pháp dạy dỗ khác. Đó còn là sự hạn chế về trình độ giáo dục trẻ, thiếu thốn phương pháp, kỹ năng lôi kéo sự chú ý của trẻ, thiếu hiểu biết tâm lý trẻ dẫn đến việc áp dụng phương pháp không đúng.

Mặt khác, đó cũng là thói quen trong truyền thống giáo dục. Nhiều bậc cha mẹ ngày nhỏ cũng từng bị cha mẹ dọa nạt và tuân theo nên đến khi trưởng thành, họ lại áp dụng với con cái và coi đó là phương pháp giáo dục đúng đắn. Cuối cùng, không thể không phủ nhận rằng việc hù dọa trẻ em cũng là một biểu hiện của lối giáo dục áp đặt, ép trẻ phải tuân theo ý muốn của người lớn mà không quan tâm đến cảm xúc, mong muốn của con trẻ.

Hậu quả của việc giáo dục sai lệch này để lại nhiều tổn thương về mặt tâm lý cũng như tạo nên những nhận thức không đúng của trẻ về sự vật và con người. Những tổn thương tâm lý khó nhận biết đôi khi chỉ là một sự ám ảnh, một nỗi sợ mơ hồ. Có người cả đời chỉ sợ một con gián hoặc một con rồng nào đó không có thật. Những đứa trẻ lớn lên, thay vì có con mắt đồng cảm hay thương những người lao động nghèo khó như người đồng nát thì lại luôn sợ những con người ăn mặc giống như ông đồng nát mà mẹ hay dọa từ hồi thơ bé.

Thay vì ngưỡng mộ hình ảnh chú công an là người giữ gìn và bảo vệ luật pháp thì nhiều đứa trẻ khi trưởng thành vẫn nghĩ công an là những người có quyền lực ghê gớm và ai cũng phải sợ hãi. Thay vì hình ảnh đáng kính của ông bác sĩ chữa bệnh cho mọi người thì nhiều đứa trẻ ghét bác sĩ như ngáo ộp, cứ thấy bác sĩ là khóc ré lên, vùng vẫy, phản ứng gây khó khăn trong quá trình chữa bệnh...

Hăm dọa chỉ khiến trẻ sợ chứ không làm cho trẻ phát triển toàn diện. Hãy đem đến cho con niềm vui thay vì sự sợ hãi. Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu những phương pháp giáo dục khiến con trẻ biết vâng lời tự nguyện chứ không phải là nghe lời vì bị áp đặt, vì sợ hãi. Cha mẹ hãy lắng nghe và nhìn nhận những nét cốt yếu của sự lớn lên ở một đứa trẻ để có phương pháp giáo dục đứng đắn.

Thay vì dọa nạt con, bạn nên:

+ Gây sự chú ý, hướng trẻ đến những sự vật, hiện tượng mà bé yêu thích khiến bé nhanh chóng quên những đòi hỏi mà bạn không đồng ý.

+ Thuyết phục, dỗ dành để bé làm theo lời đề nghị, yêu cầu nào đó của cha mẹ. Đôi khi đưa ra những lời hứa phần thưởng nào đó mà bé thích cũng có hiệu quả.

+ Nếu trẻ bướng bỉnh, bạn cần cố gắng kiên nhẫn để trẻ thực hiện từng phần yêu cầu của bạn thay vì bắt trẻ ngay lập tức phải thực hiện hoàn toàn “nhiệm vụ” bạn đưa ra với bé.

Theo Chung Nhi



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.