Tai nạn trẻ rơi từ tầng cao: những điều người lớn cần làm

Trẻ em chưa ý thức được cách tự bảo vệ mình, chính vì thế, người lớn cần phải luôn để mắt đến các em và phòng trừ những tai nạn từ lan can, ban công, cửa sổ - vốn không đáng có - xảy ra.

Trẻ em chưa ý thức được cách tự bảo vệ mình, chính vì thế, người lớn cần phải luôn để mắt đến các em và phòng trừ những tai nạn từ lan can, ban công, cửa sổ - vốn không đáng có - xảy ra.

Tai nạn từ lan can, ban công - những cái chết thương tâm

Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về tai nạn từ lan can tầng cao xuống và tử vong của các bé từ 3 - 6 tuổi . 

Mới ngày 12/12/2012, trong lúc chơi ở ban công, bé Hậu (5 tuổi) đã rớt từ tầng 5 xuống đất (Ngô Gia Tự, Q.10, TP.HCM). Chưa kịp đưa đi bệnh viện thì bé đã tắt thở. Điều đau lòng là lúc đó, trong nhà không có ai trông bé: bố đi làm, mẹ đi chợ. 

Tai nạn trẻ rơi từ tầng cao: những điều người lớn cần làm 1
Ban công tầng 5, nơi bé Hậu bị ngã xuống
.

Tại chung cư 21, 3/12/2012, khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Q. Hoàng Mai, Hà Nội), bé Lê Minh Đức (4 tuổi) đã không may bị rơi từ tầng 9 xuống lan can tầng 2. Trước đó, khi Đức còn ngủ, mẹ em đã đưa chị gái của em đi học, khi về không thấy con đâu, chị mới hốt hoảng gọi các phòng bên cạnh đi tìm phụ và phát hiện xác con.

Ngược lại thời gian trước, 3/11/2012, tại chung cư Phú Mỹ Thuận (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM), khi đang ngồi nghịch  iPad trên ghế sofa để sát cửa sổ, thấy iPad văng ra ngoài, bé L.A (4 tuổi) theo phản xạ, nhoài người theo chụp lại nhưng bị rơi xuống từ cửa sổ tầng 15 của căn hộ. 

Thời điểm đó, bà ngoại của bé bế em của L.A qua nhà hàng xóm, chỉ khoảng 5 phút về thì không thấy cháu đâu. Tìm khắp nơi, bà phát hiện cửa sổ phòng khách mở tung, chiếc iPad để trên bàn cũng biến mất. Nhìn qua cửa sổ xuống dưới đất, bà mới thấy cháu nằm bất động dưới đất.

Tai nạn trẻ rơi từ tầng cao: những điều người lớn cần làm 2
Cửa sổ căn hộ bé gái rơi là cửa kính lùa, trong khi nhiều căn hộ khác các cư dân đã làm thêm song sắt bảo vệ. (Ảnh: Dân trí)

Sáng cùng ngày, ở toà nhà Artex 172 Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), bé trai 4 tuổi, leo lên đi văng gần lan can chơi thì trượt chân rơi từ tầng 11 xuống ban công tầng 2. Lúc xảy ra tai nạn, gia đình cháu bé không có người lớn ở nhà vì mẹ bé thấy con mình ngủ say nên không đánh thức, chị tranh thủ chạy đi chợ mua một số thứ, khi về thì đã quá trễ. 

Trường hợp khác, bé Phúc (4 tuổi), bị rơi từ tầng 11, ở nhà NƠ 9B, khu đô thị Bắc Linh Đàm, Hà Nội. Khi tai nạn xảy ra, bố mẹ bé đang về quê, Phúc được gửi lại cho người giúp việc trông nom, nhưng khi chị giúp việc đi chợ, em đã chạy ra leo trèo lan can và xảy ra tai nạn.

Tai nạn trẻ rơi từ tầng cao: những điều người lớn cần làm 3
Trẻ em chơi ngoài ban công, lan can rất dễ leo trèo và ngã. (Ảnh minh họa)

Tai nạn từ lan can, ban công, cửa sổ nhà cao tầng xuống đang ngày càng phổ biến hơn, nhất là tại các thành phố lớn, khi chung cư, nhà cao tầng phát triển không ngừng. Tuy nhiên, điều quan trọng là người lớn làm gì để bảo vệ các em? Từ những tai nạn điển hình nói trên, các bậc phụ huynh cũng phải nhìn lại mình, cách mình trông nom con cái đã thật sự cẩn trọng và sát sao chưa.

Người lớn cần tạo vành đai an toàn cho con trẻ bằng các cách sau:
  • Tuyệt đối không được để trẻ dưới 6 tuổi ở nhà một mình, vì các em chưa ý thức được việc mình làm.

    Trong hầu hết các trường hợp tai nạn như trên, dễ nhận thấy lý do chính là vì phụ huynh chủ quan, thấy con ngủ hoặc nghĩ con mình sẽ chơi trong nhà và không ra ngoài... nên khóa cửa ngoài cho trẻ ở trong nhà một mình mà quên mất rằng còn cửa sổ, cửa ban công...

    Hơn nữa, tâm lý của các em khi không nhìn thấy người lớn thường sợ hãi, lo lắng và tìm cách ra ngoài để tìm người thân đã dẫn đến những hậu quả đau lòng. 
  •  Nhà có trẻ nhỏ, không nên để những thứ các em có thể trèo lên như: bàn, ghế, giường, chậu cảnh... rìa ban công. Trẻ em hiếu kỳ và hiếu động, rất thích khám phá, leo trèo, chỉ một chút sơ sẩy, hậu quả cũng thật khó lường. 

    Trong vụ bé trai 4 tuổi rơi từ tầng 11 ở Ba Đình (Hà Nội), mặc dù có lan can cao hơn đầu bé nhưng gia đình lại kê một chiếc đi văng để ngồi hóng mát, chính vì leo lên đi văng chơi nên bé mới bị rơi ra ngoài.

    Còn vụ bé Phúc cũng rơi từ tầng 11 ở khu đô thị Bắc Linh Đàm (Hà Nội) thì lan can còn cao hơn, đến 1.5m nhưng lại gồm 1 phần tường xây và một phần là các thanh sắt nằm ngang rất dễ bám vào và có thể chui lọt.
  • Không để bàn ghế nhẹ tại bất kỳ nơi nào trên ban công vì các em có thể kéo chúng ra rìa ban công và trèo lên.
  • Chú ý khóa cửa ra ban công khi không có việc dùng đến. 
  • Không cho trẻ ra ban công mà không có người lớn theo coi, ngay cả ở nhà hay khi thăm nhà người khác.
  • Cửa sổ phải có thanh chắn để bảo đảm an toàn cho trẻ. Như trong vụ bé L.A rơi khỏi tầng 15 vì với theo chiếc iPad đầu tháng 11, cửa sổ căn hộ bé ở chỉ cách sàn chưa đầy 1m, lại chỉ là cửa lùa, không hề có song sắt, chính vì thế, không có gì che chắn khi bé nhoài người ra ngoài.
  • Tuy vậy, các gia đình cũng không nên làm lan can, ban công kỹ quá kiểu chuồng cọp vì nếu có hỏa hoạn xảy ra, rất khó cho công tác cứu hộ. 

Những quy định về thiết kế và xây dựng lan can, có thể bạn chưa biết:

Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ xây dựng số 26/2004/QĐ-BXD ngày 02/11/2004 về việc ban hành tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004 áp dụng để thiết kế nhà ở căn hộ có chiều cao từ 9 tầng đến 40 tầng:

- Từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia (Loggia khác với ban công ở chỗ chỉ có một mặt thoáng và không đua sàn ra ngoài mặt bằng xây dựng công trình). 

- Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1.2m.

Theo Quyết định số: 09/2008/QĐ-BXD về việc ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe”  áp dụng đối với nhà ở, công trình công cộng:

- Lô-gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên phải cao tối thiểu 1.4m. 

- Không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. 

- Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 10cm. 

- Các tòa nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở garage ôtô.

Mặc dù quy định là như vậy nhưng theo GS-TS Trần Chủng thì hiện có một bộ phận chủ đầu tư cố tình lách luật và vi phạm luật xây dựng để giảm chi phí, từ đó dẫn đến hiện trạng nhiều hệ thống lan can, ban công và cầu thang của nhiều nhà cao tầng thiếu an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ em. 

Do đó, các gia đình cần xem xét kỹ trước khi mua nhà, không chỉ là địa thế mà còn cả sự an toàn mà công trình đó mang lại. Hoặc nếu không, phải tính toán để khắc phục hết các điểm có thể gây nguy hiểm cho người thân của mình, đặc biệt là trẻ em, đối tượng cần sự bảo vệ, chăm sóc của người lớn chúng ta. 
Theo TTVN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.