Tiêu chuẩn sạch sẽ

Buổi sáng, bạn mang con đến nhà ông bà ngoại để "gửi", con còn quần áo phẳng phiu, chân tay mặt mũi trắng tinh, giày dép sạch sẽ... Chiều về đón, hỡi ôi, trông nó cứ như vừa mới tắm bùn vậy.

Bạn cau mày, bạn cằn nhằn, bạn quát tháo. Nhưng bé thì vẫn thản nhiên: "Ơ, con vẫn còn...đủ quần áo mà mẹ?!".

Khi bé đã có thể đứng vừa tầm với bồn rửa mặt cũng là lúc bạn nên đưa ra những quy tắc để trẻ "tự tắm rửa, làm vệ sinh" mà không cần đến bàn tay của mẹ. Bạn cần rất nhiều thời gian để trẻ có thể nhớ những quy tắc vệ sinh này, bởi ở lứa tuổi ham chơi có khi trẻ lại rất "tha thiết" với đôi tất bốc mùi, hay cái áo nhem nhuốc của mình và không hề có ý định cho những "người bạn" này vào máy giặt. Dù bạn có cáu gắt đến mấy thì trẻ cũng sẽ thờ ơ "Con đang chơi mà mẹ"...

Hãy nhắc nhở bé thay quần áo, rửa tay chân sạch sẽ thường xuyên sẽ tạo thành một thói quen cho trẻ

Khởi đầu không đơn giản

Thực ra thì hầu hết trẻ con đều không hề nhận thấy là chúng đang trong trạng thái "bẩn thỉu", "bốc mùi"... và trẻ thậm chí còn cảm thấy khó hiểu pha lẫn một chút buồn cười trước thái độ rối rít của người lớn khi thấy một đứa trẻ lấm lem. Để đưa ra "tiêu chuẩn sạch sẽ", việc đầu tiên cần làm là tạo mối quan tâm của trẻ đối với vẻ bề ngoài của chúng và hướng dẫn thật rõ ràng.

Trước khi trẻ bước chân ra khỏi nhà để đi học mỗi buổi sáng, cần nhắc nhở trẻ rửa tay, rửa mặt. Và rồi khi trẻ từ trường trở về nhà, hãy yêu cầu trẻ thử ngắm mình trong gương, chỉ cho trẻ tự nhìn thấy vết bẩn ở tay hoặc trên mặt, và nhắc bé đi rửa ngay. Cứ nhắc nhở mỗi ngày như vậy (cả vào những ngày cuối tuần) liên tục trong một thời gian cho đến khi bạn nhận thấy trẻ đã thành thói quen mà không cần sự nhắc nhở của mẹ nữa thì hãy giảm bớt "tần số" của sự nhắc nhở và "bí mật" quan sát.

Một khi bạn đã thành công trong việc giúp bé nhận thức giữ vệ sinh cho bản thân thì hãy bước thêm một bước nữa - giữ quần áo sạch sẽ. Tương tự như trước đây, trước khi bước chân ra khỏi nhà cũng như khi bước chân về nhà, trẻ phải nhìn chân tay, mặt mũi thì bây giờ bắt đầu ngắm cả quần áo nữa. Dặn dò trẻ không nên mặc quần áo có vết dơ, sau khi chơi nghịch xong mà thấy quần áo lấm lem thì nên nhanh chóng thay quần áo, tắm rửa để giữ vệ sinh sạch sẽ.

Bên cạnh đó, bạn cũng phân thêm trách nhiệm cho trẻ, sau khi đã tắm rửa và thay đồ thì phải để quần áo bẩn vào đúng giỏ quần áo chuẩn bị giặt. Một khi đã hướng dẫn rõ ràng thì bạn đừng đụng tay đến những việc như thế nữa nếu không bé sẽ ỷ lại.

Tắm, gội... đều khó khăn

Gội đầu là một "công đoạn" vệ sinh không mấy dễ dàng vì nhiều trẻ không thích bị nước hoặc dầu gội bắn vào làm cay mắt. Để khắc phục, hãy biến buổi tắm gội thành những cuộc vui: cho trẻ tự thấm tóc cho ướt hoặc té nước đùa nghịch để trẻ làm quen với những tia nước bắn vào mặt, vào người. Thậm chí bạn cũng có thể cùng ngồi trong bồn tắm với con và để trẻ gội đầu cho bạn trước. Nhiều trẻ sợ nước và không thích tắm. Cũng có nhiều trẻ thích nước nhưng...vẫn không thích tắm, có lẽ vì trẻ mải chơi và sợ thời gian đi tắm khiến trẻ bị mất thời gian chơi đùa.

Trong trường hợp nào, bạn cũng nên áp dụng phương pháp vừa tắm vừa chơi: bạn hãy dùng xà phòng nhiều bọt hoặc xà phòng đúc nhiều hình dạng, thả đồ chơi vào chậu tắm, hoặc hai mẹ con cùng thi nhau hát những bài có nhắc đến nước. Khi tắm, bạn hãy hướng dẫn cho trẻ tự tắm và để cho con tự chà chân, bụng của mình. Trẻ cũng cần phân biệt được đâu là khăn mặt riêng của mình.

Một chiếc máy nghe nhạc không thấm nước hoặc bật nhạc to ở bên ngoài phòng tắm cũng có khả năng kiến tạo một chương trình vệ sinh tuyệt vời. Bọn trẻ có thể học cách tắm rửa và tự mặc quần áo trong suốt bản nhạc đặc biệt ấy. Trẻ sẽ thấy tự tin hơn nếu có bạn cùng ngồi trong bồn tắm. Hãy để cho con đập nước bẩn vào bạn, sau đó đến lượt bạn vẩy nước vào con. Nếu trẻ có các anh chị em họ đến chơi, hãy để cho bọn trẻ cùng tắm với nhau, rôíau đó bạn chịu khó...dọn dẹp "chiến trường" vậy. Những điều này sẽ giúp trẻ dần dần dạn nước hơn, và chúng cũng sẽ hiểu tắm là khoảng thời gian thực sự vui vẻ.

Con đã sạch rồi!

Nhiều bà mẹ đã cho rằng, cái khó khăn không phải là việc dạy cho con tắm, mà là ở cách thuyết phục để trẻ thay đổi thái độ về việc giữ vệ sinh trong khi trẻ chẳng thấy lợi ích gì khi phải làm như vậy. "Con có mặc đồ dơ thì bạn bè vẫn chơi với con đấy thôi, chỉ có mẹ là suốt ngày la con!"- trẻ sẽ "cãi" như thế. Đến lúc này thì phải thực hiện chiến thuật "nhấn mạnh tầm quan trọng" của việc "ở sạch".

Bạn có thể viết mỗi công việc cần làm lên một mẩu giấy và đính vào một chỗ trẻ dễ nhìn thấy. Bọn trẻ có thể dùng bút xóa đi những việc đã làm hoặc đánh dấu. Đối với trẻ nhỏ hơn chưa biết đọc, bạn có thể chụp ảnh chúng đang làm từng bước khác nhau rồi in ra, ép plastic và gắn lên đâu đó trong nhà tắm.

Một thói quen sẽ chẳng có ích gì nếu không được theo dõi. Thế nên, bạn cần thực hiện cùng trẻ ít nhất trong một tuần đầu tiên. Trẻ sẽ cần một khoảng thời gian để quan sát nhưng thông thường phần lớn trẻ mất chừng một tháng để thích nghi với thói quen mới. Cuối cùng, đừng quên khen ngợi trẻ nếu sau khi chơi trẻ biết chạy vào phòng tắm và rửa tay chân. Sự hài lòng, lời khen của bạn thể hiện sự tin tưởng của bạn vào con của mình, qua đó bé vui hơn vì thấy mình đã "lớn hơn một chút", đã biết chăm sóc cho bản thân.

Theo Tiểu Phương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.