Trẻ yếu đuối

Có một nỗi lo hiện đang làm nhiều phụ huynh "nhức đầu" là không hiểu sao con của họ thường chán nản dù luôn được gia đình quan tâm chu đáo?

Những công việc rất nhỏ có khi các cháu cũng không thể làm được, và mỗi lần thất bại cháu coi như "thảm họa", gây nên sự sợ hãi.

Thực trạng và nguyên nhân

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát 100 phụ huynh ở Long Thành, Đồng Nai để tìm hiểu về khả năng tự quyết đoán và giải quyết công việc trong gia đình của con trẻ ở độ tuổi 13 - 15. Kết quả thu được như sau: 40% cha mẹ cho rằng, con họ hay lo lắng trước khi bắt tay vào một công việc mới, vì thế các cháu thường lẩn tránh công việc; 55% cha mẹ cho rằng, con họ không biết chịu đựng và chấp nhận thất bại.

Đây chỉ là một cuộc khảo sát nhỏ nhưng kết quả cũng đáng để suy ngẫm. Theo lý luận phân tâm học, thời thơ ấu có vai trò hết sức quan trọng đối với sự hình thành những đặc điểm tâm lý cá nhân, quyết định những nét tính cách riêng biệt, tạo ra cho mỗi đứa trẻ những kiểu nhân cách khác nhau.

Theo luận thuyết này, những đứa trẻ thời ấu thơ được cha mẹ rèn sự tự lập, sau này sẽ thích ứng với những thất bại, gian truân tốt hơn, đồng thời cũng hình thành tính kiên cường dũng cảm, biết vượt qua những thất bại để vươn lên. Ngược lại, những đứa trẻ trong những năm đầu đời được chăm bẵm quá mức, không bao giờ gặp khó khăn để tự giải quyết sẽ hình thành thói quen dựa dẫm, ủy mị, mất niềm tin, mất dũng khí, không có khả năng tự đề kháng cũng như độc lập giải quyết vấn đề trước những thử thách của môi trường xung quanh. Như vậy, trẻ dễ hình thành tính nhu nhược khi trưởng thành.

Có thể nói, những đứa trẻ sinh ra không có sẵn tính nhu nhược mà đó là hậu quả từ sự chiều chuộng của người lớn. Không ít phụ huynh cố tạo điều kiện tối đa cho con học tập mà quên hình thành những thói quen để rèn luyện, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, tăng khả năng đề kháng... dẫn đến sự nhu nhược của con trẻ.

Cha mẹ đồng hành cùng con

Theo các chuyên gia tâm lý, muốn giúp trẻ thoát khỏi sự nhu nhược mềm yếu, trở thành những con người thực sự bản lĩnh, dám đối mặt với khó khăn thử thách thì từ những năm đầu đời, cha mẹ phải chú ý để đối xử với con theo những "nguyên tắc" sau:

Trước hết, cần nhận thức rằng việc rèn luyện cho trẻ vượt qua những khó khăn ngay từ những năm đầu đời là việc làm rất cần thiết. Cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ thường xuyên giải quyết một cách độc lập những công việc phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, năng lực (chẳng hạn trẻ bốn tuổi có thể tập tự lấy tăm, tự cầm bát ăn cơm, tự lau mặt...) và theo dõi để hỗ trợ khi cần. Nâng cao dần khả năng thích ứng với những khó khăn từ thấp lên cao, từ dễ đến khó để trẻ có thể tự giải quyết bằng khả năng của mình, không nên giao việc quá khó, quá sức, có thể làm trẻ mất hứng, chán nản.

Trong các mối quan hệ của trẻ, cha mẹ nên đối xử công bằng, tránh để trẻ dựa dẫm vào người lớn. Tổ chức cho trẻ tự giải quyết các công việc, tạo hứng thú thi đua (ví dụ cùng thi ai làm xong việc xếp hình khối, ai quét nhà sạch hơn...).

Thường xuyên động viên khen thưởng khi trẻ có những thành tích đáng kể, để kích thích trẻ phấn đấu và tiếp tục tham gia vào những công việc mới. Bên cạnh khen thưởng cũng kèm theo "xử phạt" khi trẻ phạm lỗi, nên nghiêm khắc, đừng vì yêu thương mà nuông chiều.

Tập cho trẻ làm quen với những thất bại và cùng trẻ tìm cách khắc phục hậu quả. Đây cũng là một nguyên tắc rất cần thiết mà nhiều phụ huynh ít quan tâm. Dường như nhiều phụ huynh chỉ quan tâm xem con của họ làm được gì mà ít quan tâm con họ thất bại như thế nào, vì sao lại thất bại và cần khắc phục ra sao? Thật ra, vấn đề này là nội dung quan trọng trong việc rèn luyện ý chí, bản lĩnh cho trẻ để trở thành những người thực sự có ích cho xã hội.

Theo Nguyễn Văn Công



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.